Đường dẫn truy cập

Đà Lạt và giấc mộng Tây Phương của tôi


Trịnh Thanh Thủy - Bút hiệu khác: Tóc Dài.
Sinh quán: Gia Định.
Định cư tại Nam California, Hoa Kỳ.
Cộng tác với Hợp Lưu, Việt, Văn, Chủ đề, Tạp Chí Thơ, Thế Kỷ 21, Văn Học, Người Việt hải ngoại, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Talawas, Tiền vệ, Da Màu.

Có người hỏi tôi nghĩ sao về Đà Lạt sau chuyến về thăm quê hương mới đây. Tôi không biết thu câu trả lời sao cho gọn ngoài một nhận xét trực giác “Đà lạt thay đổi phát chóng mặt”. Ngoài Nha Trang với số lượng du khách và kỹ nghệ khách sạn phát triển tột bực thì Đà Lạt là thành phố thứ nhì làm tôi sững sờ trước sự rộn ràng đổi mới của nó.

Dưng không tôi tự hỏi, mình đã đón nhận sự tiến hoá thành phố thuộc địa Tây ngày xưa này bằng một tâm thức nào? Nhìn nó bằng mắt một du khách ngoại quốc hay bằng tâm thức xưa cũ của kẻ trở về nơi chốn đã ghi đậm ít nhiều kỷ niệm? Theo tôi, tâm thức hoài cổ sẽ bàng bạc hiện hữu không những ở các việt kiều như tôi mà còn ở những người Việt trong nước trước đây đã từng ghé thăm Đà Lạt nữa. Cái hồn Bà Huyện Thanh Quan, của “Chốn xưa xe ngựa” của “Người đâu bây giờ” nó mang mang, chao đảo, rin rít lòng người lắm. Tuy nhiên nỗi luyến lưu tôi, một khách du đôi lần ghé thăm, nay trở về sẽ khác hẳn với tình thương thắm thiết của những cư dân đã sinh ra và lớn lên nơi này, yêu từng con dốc, quý từng góc đồi.

Đà Lạt xưa và nay khác nhau nhiều, hệt như nước mình,đã cởi áo, thay y. Nó đổi từng giây kiến trúc, biến từng nhịp sống, xoay từng cửa ô văn hóa con người. Đà Lạt trở mình lớn lên như một cô bé, bỏ nét thơ ngây, thay những hòn cuội ô quan trong túi áo ngày nào bằng chiếc gương con, hộp phấn màu, rùng mình thành thiếu nữ môi đỏ, mắt tím thời thượng.

Nét quyến rũ của nàng khác hẳn năm xưa. Phong thái mới nền kiến trúc lai tạp thêm thiết bị tiện nghi phong phú thế kỷ, sự đông đúc phồn hoa thấm đậm đa văn hoá của du khách khiến Đà Lạt bỗng xôn xao áo lụa, chải chuốt điểm trang hơn. Niềm tiếc, nỗi nhớ, cái nhìn của người trở về chốn xưa là thương là tưởng thưở hồn nhiên, hoài khuôn mặt đơn sơ, nuối dáng vẻ trắng trong cô bé tuổi hoa bướm ngày nào vậy.

Mấy mươi năm rồi, Đà Lạt xưa của tôi là Đà Lạt của kiến trúc Tây Phương là Đà Lạt của những ngôi biệt thự nằm rất yên tĩnh, vắng vẻ, an bình và nên thơ. Ngày tôi Đà Lạt xưa là ngày một cô bé theo bố và hai em lên Đà Lạt bằng xe riêng. Ngày còn chùm chăn đọc lén tiểu thuyết của người lớn, lên Đà Lạt mà tay sách học, tay truyện Kim Dung. Đầu óc bé lúc ấy sớm tập tành những Mắt Tím, Tóc Mây, yêu cha, yêu sư của Lệ Hằng, những yêu thầy lãng mạn Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng. Cho nên lên đến Đà Lạt tôi bắt đầu biết sờ sững trước nét mờ đẹp loãng khói của Thung Lũng Tình Yêu, chân mù mịt mang mang nơi bờ Hồ Than Thở và mắt rưng rức sụt sùi bên Đồi Thông Hai Mộ khi nghe người bán quán kể dẫn một truyện tích éo le.

Để tâm trí thấm đẫm với không khí lãng mạn, cô bé ngày ấy chợt lao xao lớn dậy khi bắt gặp hình ảnh người con trai ôm đàn bên lò sưởi trong khách sạn.Tôi, bố và hai em trọ ở khách sạn Mai Anh Đào là một biệt thự rất thơ nằm ẩn giữa những gốc mận và đào trái còn lủng lẳng xanh. Lần đầu thấy đào, hấp dẫn quá, thế là bắt hai đứa em công kênh lên, cô bé hái đào bỏ đầy hai túi áo. Thiếu muối, đào chua lét, tôi bèn tính kế tìm muối. Kìa, anh con trai chủ khách sạn kia ơi, cho bé xin chút muối. Tính vọng ngoại, mến đường nét Âu Tây của người Việt Nam trong cô bé chợt lao đao lúc đứng cạnh tấm tranh sơn dầu phong vũ treo ngay ngắn giữa hai chiếc đầu nai sừng còn đượm ánh ngây ngô. Ngồi xuống salông, bên đóm lửa hồng tí tách tia mắt ấm người con trai Đà Lạt, cô bé chấm muối với đào ê ê vị chua, bén nồng vị ngọt man mác tình yêu trai gái đầu đời. Người con trai sau khi cho muối, lấy đàn ra, dạo một du khúc cổ điển làm le và thu hồn cô bé. Đà lạt của tôi bắt đầu từ đấy.

Cô bé thích ăn mứt đào, mứt mận, mứt khoai, bánh phồng loại nho nhỏ bằng bàn tay bán rong ở bến xe, trái bơ, khô nai và những thức vặt vãnh đặc sản khác của Đà Lạt. Trong trí cô bé Sài Gòn lúc ấy, con gái Đà Lạt thật đẹp với những khăn phula, má đỏ, môi hồng. Nhìn dáng vẻ sang cả người thiếu nữ đứng bán sách khu phố gần chợ Hoà Bình bên nét điềm đạm người con trai da trắng, áo len đen thành phố sương, người du khách nào không thoáng nhen nhúm chút mơ hoa và mơ yêu?

Nói đến hoa, ai đến nơi này không mến chốn đất đỏ thiên đường của cỏ hoa chen sắc và cả hoa biết nói nữa. Có sống ở nơi cái nóng rịn rịt mồ hôi đuổi theo từng bước chân như Sài Gòn người ta mới cảm được nỗi hân hoan khi chạm nếm giọt mưa dầm lạnh lất phất đất cao nguyên. Mưa tưới tấm giọt phù sa dung nham ngày cũ làm nở vạn đoá hoa Đà Lạt. Cô bé say mê ngắm màu tím Pensés, Mimosa rực vàng. Để mắt êm ả rập rờn cánh bướm trên từng dậu Tigôn hồng nhạt bé xinh bờ tường những căn biệt thự. Óc bận rộn lay ký ức tìm câu chuyện cảm động đọc đâu đó về người con trai vì hái đóa tím dại cho người yêu mà té chết bờ vực sâu, trước khi chết còn thiết tha nhắn lại “Forget me not”.

Từ xưa hình ảnh những cặp tình nhân đã gắn liền với đất trời Đà Lạt, nên mỗi khi nói đến đi hưởng tuần trăng mật người ta liền nhớ đến nơi này. Khung cảnh thơ mộng, khí hậu mát lạnh của Đà Lạt rất thích hợp với tình yêu. Lên Đà Lạt mà lên một mình để nhìn đồi núi mênh mông, tê tê với cái lạnh se da của sương, man mát với cái ướt của mưa phùn, hỏi ai không thấy mình cần một bờ vai ôm, một vòng tay ấm? Thoát sự cuốn hút nhộn nhịp của phố thị, buông giây bon chen của thành đô, tìm về một góc phố êm ả, ấy mới phút thú vị đời người. Khách có thể thả bộ loanh quanh trên những con đường tĩnh lặng và tìm ra mấy khi tâm mình được yên ắng mà lắng xuống một cách dịu dàng như thế. [TRTHTH] (Còn tiếp)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG