Tại Kampuchia, vụ xử của Tòa án quốc tế về nhân quyền mà bị cáo là thủ lãnh Khmer Đỏ cai quản một nhà tù khét tiếng đã được mở lại. Trong phiên khai chứng mới nhất, tòa nghe những lời khai về chuyện hằng chục trẻ em bị giết ra sao tại một trong các trại tử thần. Từ thủ đô Phnom-Penh, thông tín viên Luke Hunt của đài VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Ông Sos Thy, một cựu nhân viên bảo vệ và cũng là một nhân viên kế toán tại trung tâm tra tấn và tiêu diệt S-21, cho biết có tới 200 trẻ em phải lìa xa cha mẹ là những người đã bị đưa tới trại này trong thời gian Khmer đỏ cai trị Kampuchia.
Tất cả các em đều bị giết chết, không còn một em nào sống sót. Ông Sos Thy đã khai như thế trước tòa xét xử các thủ lãnh Khmer Đỏ. Tòa án quốc tế này xúc tiến phiên đầu tiên xét xử Kaing Guek Eav, còn được gọi là Duch. Ông này đã điều hành trại tù S-21 tại thủ đô Phnom-Penh.
Tuy trại có lưu trữ hồ sơ liên quan đến những người lớn bị giết tại trung tâm nhưng các chi tiết liên quan đến những vụ sát hại trẻ em đã không được giữ lại.
Đây là lần đầu tiên con số trẻ em bị giết tại trại S-21 được nêu ra; trại này chỉ là một trong hằng trăm trại đã được chính phủ cộng sản sử dụng trong những năm giữa thập niên 1970.
Ông Sos Thy, và một nhân viên bảo vệ khác tên Kok Sros, đã khai trước tòa rằng họ sống trong sợ hãi ở trại S-21. Hai nhân chứng này cho biết họ phải thi hành những mệnh lệnh rùng rợn của Duch nếu không họ sẽ phải chịu chung số phận của hằng ngàn người khác đã được đưa tới những Cánh đồng chết của Kampuchia.
Tuy nhiên, theo bà Theary Seng, thuộc Trung tâm Phát triển Xã hội Kampuchia thì nỗi sợ hãi của Sos Thy và Kok Sros là một sự xỉ nhục đối với các nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Ông Seng: “Thật là kinh tởm khi một nhân viên bảo vệ của một trại giam có đến ít nhất 14 ngàn người bị giết chết một cách tàn bạo vì bị tra tấn giờ đây lại nói rằng mình là một nạn nhân. Con người này đang làm hại và làm mất danh dự của những người thực sự là nạn nhân và chính nghĩa của họ tại tòa án này.”
Duch là thành viên đầu tiên của giới lãnh đạo Khmer Ðỏ còn sống sót bị đưa ra xét xử. Chính phủ Kampuchia và Liên Hiệp Quốc đã phải mất hơn 10 năm mới thiết lập xong tòa án quốc tế này và trong thời gian vừa kể nhiều lãnh đạo già nua của Khmer đỏ đã qua đời.
Ông Duch đã nhận trách nhiệm điều hành trại giam và đã lên tiếng xin lỗi gia đình các nạn nhân. Nhưng ông ta bác bỏ các cáo buộc của ban công tố nói rằng ông ta là một thủ lãnh cao cấp của Khmer Đỏ và nói rằng ông chưa hề đích thân giết hại bất cứ một người nào.