Đường dẫn truy cập

Xét lại cuộc chiến chống nạn mua bán tình dục trẻ em


Các giới chức chấp pháp cùng các nhà hoạt động nhân quyền đang tìm kiếm những phương kế mới nhằm phá vỡ nạn mua bán tình dục trẻ em tại Hoa Kỳ. Nỗ lực này dựa trên một tiền đề đơn giản: thay vì đối xử với các bé gái liên hệ trong các vụ bán dâm bất hợp pháp như là các tội phạm, hãy coi chúng như những nạn nhân. Thông tín viên Gabbe Joselow của VOA tường trình thêm chi tiết.

Em Tanya trước kia là trẻ em bán dâm. Theo Cơ Quan Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ gọi tắt là FBI, em là một trong số 100 ngàn trẻ em và những cô gái vị thành niên mà cơ quan FBI cho biết bị buộc hành nghề bán dâm mỗi năm tại Hoa Kỳ.

Em Tanya nói: “Lúc nào em cũng có cảm giác là một tội phạm. Em chẳng bao giờ thấy mình chính là nạn nhân. Nạn nhân đâu có bị ngồi tù, mà phải được có thời gian được chữa lành.”

Hồi đầu năm nay, cảnh sát Mỹ đã bắt giữ khoảng 50 tên dắt mối và hàng trăm phụ nữ trong một chiến dịch bao trùm địa bàn 29 bang nhắm vào nạn mua bán tình dục trẻ em. Khoảng 48 trẻ em khác làm nghề bán dâm cũng bị cảnh sát bắt giữ. Theo ông Patrick Fransen nhân viên điều tra đặc biệt của FBI, thì thường không có cách nào khác để có thể giúp đỡ những phụ nữ trẻ đó.

Ông Fransen nói: “Chúng tôi không có chỗ nào khác để giữ các em đó. Chúng tôi đành phải coi các em là tội phạm trước khi có thể giúp các em.”

Chiến dịch của cảnh sát nhắm vào nạn sử dụng trẻ gái vị thành niên vào các hoạt động mãi dâm cho thấy khó khăn mà các nhân viên chấp pháp phải đối mặt khi cố gắng cứu vớt các trẻ em bị sa vào nghề bán dâm. Một mặt họ muốn cứu các em ra khỏi tình huống hiểm nghèo, một mặt lại phải coi các em là tội phạm, điều này lại gây ra một tì vết khó tẩy rửa cho các em.

Thường khi một đứa trẻ bỏ nhà nhiều lần, có nhiều khả năng sau cùng em sẽ sống lây lất ngoài đường phố và rồi rơi vào con đường bán dâm. Và phần đông các em là nạn nhân của những vụ lạm dụng tình dục trong quá khứ.

Sở cảnh sát quận Montgomery thuộc bang Maryland, ngay ngoại vi Washington D.C. đã đưa việc chống nạn mãi dâm lên hàng ưu tiên.

Trung Úy Robert Bolesta giám sát đơn vị có trách nhiệm vừa nêu. Bất kỳ khi nào có thể, đơn vị của ông cố gắng tìm những cách khác hơn là bắt giữ các trẻ em là nạn nhân của các vụ buôn bán dâm do người trong gia đình sắp đặt.

Trung Úy Bolesta nói: “Các em được có một số quyền và được bảo vệ nếu các em là nạn nhân bị buôn bán tình dục. Chúng tôi sẽ cứu các em ra khỏi tình huống đó. Các em sẽ không bị cáo buộc tội bán dâm.”

Bằng cách nhận diện những phần tử tội phạm lớn đang hoạt động, cảnh sát có thể chú tâm hơn trong việc cứu thoát những bé gái đang bị lâm nguy.

Trung úy Bolesta cho biết những nhân viên điều tra của ông đã được huấn luyện đặc biệt, căn cứ trên những cuộc điều tra khắp nước, để họ có thể nhận diện một ai đó bị buộc phải hành nghề mãi dâm ngược lại ý muốn của chính họ.

Ông Bolesta nói: “Thí dụ như em đó không được giữ giấy tờ tùy thân của chính mình. Nếu lúc nào cũng có ai đó phiên dịch cho em. Nếu các em đó không được tự do đi lại như ý muốn thì đó là những trường hợp chúng tôi phải hành động."

Số phận các trẻ em trên đường phố Hoa Kỳ bị ép buộc vào ngành mại dâm đã là đề tài trong một buổi phúc trình tại Quốc Hội, nơi các nhà bảo vệ nhân quyền kêu gọi các nhà làm luật chuẩn nhận nhiều nguồn lực hơn, nhằm phá vỡ nạn buôn bán tình dục và giúp đỡ các nạn nhân nhỏ tuổi.

Ông Ernie Allen đứng đầu Trung tâm Quốc gia Phụ trách vấn đề Trẻ Em Mất Tích và bị Bóc Lột.

Ông Ernie nhận định: “Các em đó chính là nạn nhân. Đây là nạn nô lệ của thế kỷ 21. Các em không thể bỏ trốn. Chính bọn ma cô sử dụng rồi vứt bỏ các em mới là tội phạm, cũng như bọn chủ chứa. Các em cần được cứu vớt chứ không nên bắt giữ các em”.

Sau hết, nhiều giới chức chấp pháp và những nhà bảo vệ nạn nhân nạn buôn bán tình dục đồng ý rằng phương sách hợp lý có thể ngăn chặn tội phạm là ngăn chặn nhu cầu; điều đó có nghĩa là bắt giữ những kẻ mua dâm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG