Đường dẫn truy cập

Giám đốc đài VOA, RFE điều trần trước Quốc hội


Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã nói với các vị giám đốc của hai đài phát thanh quốc tế được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ rằng các đài này đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển tải 'quyền lực' mềm đến thính giả ở nước ngoài. Thông tín viên Dan Robinson của đài VOA tường thuật về buổi điều trần của các vị giám đốc đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, đài Âu Châu Tự do và đài Phát thanh Tự do về các biện pháp nhằm duy trì luồng thông tin tự do qua các phương tiện phát thanh, phát hình và mạng Internet trước tình hình hạn chế do các chính phủ nước ngoài áp đặt.

Các nhà lập pháp quan tâm về những trở ngại ở những nơi như Trung Quốc, Iran, và Nga đối với luồng thông tin tự do và việc tường thuật tin tức độc lập. Vai trò mà các đài phát thanh được chính phủ tài trợ trong việc vượt qua các hàng rào này là trọng điểm chính của một cuộc điều trần của tiểu ban châu Âu.

Các đại biểu Quốc hội đã lên án các hạn chế mà chính phủ Iran áp dụng đối với mạng Internet, và chỉ trích các biện pháp do chính phủ Trung Quốc thực hiện nhằm thắt chặt việc theo dõi thông tin phổ biến trên Internet, cũng như áp lực của chính phủ đối với các cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ sở in ấn ở Nga.

Đề cập đến tác động của kỹ thuật giữa tình hình rối loạn sau bầu cử ở Iran, chủ tịch ủy ban, dân biểu Robert Wexler của đảng Dân Chủ nói rằng đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA và đài Âu Châu Tự do/ Đài Tự do RFE/RL đóng một vai trò cấp thiết như 'các công cụ của quyền lực thông minh' vào lúc Hoa Kỳ đứng trước các thách thực về chính sách ngoại giao, chủ nghĩa bài Mỹ và các nỗ lực của các chính phủ nhằm trấn át các cơ quan truyền thông.

Ông Wexler nói: “Cuộc điều trần này diễn ra vào một thời điểm cấp bách trong lúc các chế độ áp bức nhất trên thế giới ở những nơi như Iran, đàn áp và bóp nghẹt quyền tự do truyền thông và phát biểu. RFE/RL và VOA là những công cụ cấp thiết về quyền lực thông minh nằm trên tuyến đầu của ngành phát hình và phát thanh ra nước ngoài, cung cấp thông tin không bị trói buộc trên toàn cầu bằng nhiều ngôn ngữ và hình thức, và có tác dụng như những phương tiện truyền thông thay thế ở những nơi không có sự hiện hữu của tự do báo chí.”

Giám đốc đài VOA ông Danforth Austin nói rằng: các buổi phát hình của đài có một khối khán giả lớn ở Iran, và đài rất thận trọng trong việc xem xét thông tin đưa ra ngoài nước.

Để minh họa cho những mối nguy hiểm mà các ký giả của VOA phải đương đầu, ông Austin nêu ra một vụ tấn công của phe Taliban vào tư thất của một cộng tác viên làm việc cho VOA ở tỉnh Biên giới Tây Bắc của Pakistan, và những lời đe dọa liên tục mà các phần tử chủ chiến Hồi giáo đưa ra với các cộng tác viên VOA ở Somalia.

Tại Nga, ông Austin nói rằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đã khiến VOA mất đi các đối tác phát thanh và phát hình, và buộc đài phải vạch lại các sách lược truyền đạt.

Ông Austin nói: “Tại Nga, chúng tôi hiện là một dịch vụ đa truyền thông dựa vào web được sản xuất cho một quốc gia mà việc sử dụng Internet đang gia tăng nhanh chóng. Ở một giao điểm cấp thiết trong bang giao Nga-Mỹ, sách lược này giúp cho các khán thính giả hiểu biết thêm về các chính sách, chính trị và văn hóa Mỹ và quan điểm của Mỹ đối với Nga. Sách lược này cũng thẳng thắn khích lệ đối thoại giữa khán thính giả qua việc sử dụng những công cụ được gọi là Web 2.0 này.”

Những người chỉ trích nói rằng quyết định của Ban Quản Trị Truyền thanh Truyền hình, còn gọi là BBG là cơ chế phi đảng phái quản lý các hoạt động truyền thanh truyền hình quốc tế của Hoa Kỳ, nhằm chấm dứt các buổi phát thanh và phát hình bằng tiếng Nga để thay thế bằng một phương tiện tập trung vào Internet đã gây phương hại cho các nỗ lực duy trì luồng thông tin cho dân chúng ở nước này.

Cả giám đốc VOA lẫn chủ tịch RFE/RL là ông Jeffrey Gedmin đều nhấn mạnh rằng không có đài nào làm công việc thông tin tuyên truyền, mà chỉ giúp phổ biến các lý tưởng cơ bản của Mỹ.

Sau đây là lời ông Gedmin: “Những gì chúng tôi làm hỗ trợ cho các quyền lợi của Mỹ, hỗ trợ cho những quyền lợi tiến bộ của Mỹ, và tôi tin rằng nếu quý vị tin vào phát triển và dân chủ, hoặc tôi xin nói một cách khác, nếu quý vị tin vào việc chống phá và chiến đấu những điều như chủ nghĩa dân tộc và cực đoan, như bài Do Thái và bài Mỹ, nếu quý vị là một người lập chính sách của Mỹ, thì quý vị phải lợi dụng toàn bộ các cơ hội và công cụ khác nhau về chính sách, nhưng cho rằng quý vị sẽ không nắm được lợi thế nếu như quý vị không tin tưởng, ủng hộ và theo đuổi luồng lưu thông tự do của thông tin và các ý tưởng, sự thảo luận, tranh luận, bầy tỏ bất đồng ở bất cứ quốc gia nào, vào thời điểm và nơi chốn nào.”

Giám đốc VOA, ông Dan Austin nhấn mạnh đến sự cam kết của cơ quan này đối với nội dung chương trình luôn mang tính khả tín, chính xác, vô tư và đầy đủ, mà ông nói là giúp cho khán thính giả 'đi xuyên qua tiếng động của tuyên truyền ầm ĩ và màn sương thông tin sai lạc'.

Đề cập đến cả đài VOA lẫn đài RFE/RL như 'những công cụ tiếp thị thông tin', dân biểu David Scott của đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang Georgia, nói rằng cả hai đài này phải đóng một vai trò trong việc chỉnh đốn lại hình ảnh của Mỹ đã bị hoen ố ở nước ngoài.

Ông Scott nói thêm: “Chúng ta có các lý tưởng và phải theo đuổi các lý tưởng của chúng ta, và cũng hiểu rằng chúng ta phải chỉnh đốn lại tiếng tăm của chúng ta đã bị hoen ố trên khắp thế giới. VOA, đài Châu Âu Tự do và Đài Tự do đóng vai trò cấp thiết trong công tác này.”

Dân biểu Ed Royce của đảng Cộng hòa nói rằng các đài phát thanh được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, trong đó có đài phát thanh Deewa dưới sự quản lý của VOA, phải đóng một vai trò lơn hơn trong việc đáp ứng trước một thách thức về thông tin đề ra bởi các đài phát thanh chủ chiến ở Pakistan và Afghanistan.

Ông Royce nói: “Người ta thường nói rằng kiểm soát thông tin chính là kiểm soát chiến trường. Tại Afghanistan điều đó càng ngày càng tỏ ra là đúng bởi vì khối lượng ảnh hưởng về tài nguyên mà các quốc gia vùng Vịnh đặt vào tay Hồi giáo quá khích trong khu vực đó. Điều may mắn là 70 phần trăm dân chúng Afghanistan nay nghe đài Afghanistan Tự do do Hoa Kỳ tài trợ, nhưng trong khắp khu vực, dân chúng vẫn còn nghe đài sharia, đó là một cuộc chiến tư tưởng và quý vị sẽ góp phần vào giải pháp cho cuộc chiến này.”

Trong cuộc điều trần, dân biểu Wexler nói rằng tổng thống Barack Obama đã đặt công tác truyền thanh truyền hình quốc tế lên ưu tiên hàng đầu cho chính sách đối ngoại của Mỹ, và nói rằng điều tối quan trọng là Quốc hội phải dành cho các đài phát thanh phát hình do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ các công cụ cần thiết để duy trì luồng thông tin tự do.

Quốc hội Hoa Kỳ đã đề xuất một ngân sách 746 triệu đôla cho các hoạt động truyền thanh truyền hình quốc tế cho tài khóa 2010, trong đó có các đài VOA, đài Âu châu Tự do/Đài Tự do và các hoạt động khác dưới trướng của Ban Quản trị Truyền thanh Truyền hình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG