Đường dẫn truy cập

Cuộc họp thường niên của ASEAN chấm dứt


Cuộc họp thường niên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và các đối tác đối thoại đã chấm dứt qua lời tuyên bố của Thái Lan rằng họ sẽ dẫn đầu trong việc tiến tới sự hòa nhập lớn hơn trong khu vực. Nhưng theo ghi nhận của thông tín viên đài VOA Daniel Schearf tại Phuket, thì đã không đạt được bao nhiêu tiến bộ trong hai vấn đề ở vùng này là Miến Điện và Bắc Triều Tiên.

Vào cuối 4 ngày họp giữa ASEAN và các đối tác chính của khối này, Ngoại trưởng Thái Lan, ông Kasit Piromya tuyên bố các đại biểu đã đồng ý về những vấn đề then chốt.

Ông nói rằng các thỏa thuận sẽ mở đường cho một ASEAN hữu hiệu hơn và dựa vào cơ sở luật lệ nhiều hơn, cũng như một sự hợp tác tốt đẹp hơn trong khu vực.

Ông Kasit nói: “Hợp tác sẽ tiếp tục được tăng cường ngõ hầu ASEAN có thể đáp ứng hữu hiệu hơn với tất cả các thách thức cấp bách, cho dù là về tài chính và khủng hoảng kinh tế, hay an toàn thực phẩm và năng lượng cũng như là dịch bệnh.”

Ngoại trưởng Thái Lan nói rằng ASEAN hoan nghênh sự tái cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực sau khi ngoại trưởng Hillary Clinton ký một hiệp ước hữu nghị và hợp tác.

Ông Kasit cũng nói thỏa thuận của ASEAN nhằm thành lập cơ quan nhân quyền đầu tiên của tổ chức này sẽ có tác dụng như một diễn đàn để quảng bá và bảo vệ nhân quyền.

Cơ quan nhân quyền sẽ không có quyền trừng phạt những nước vi phạm, nhưng dự kiến sẽ khai triển thêm quyền hạn trong tương lai.

Ngoại trưởng Australia, ông Stephen Smith nói rằng một số lớn trong số 27 chính phủ có đại diện tại các cuộc họp đã nêu lên những mối quan ngại về Bắc Triều Tiên và Miến Điện, còn được gọi là Myanmar.

Miến Điện đã đưa lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ, bà Aung San Suu Kyi ra tòa vì đã vi phạm các điều khoản về việc bà bị quản thúc tại gia và có thể bỏ tù bà tới 5 năm. Chính phủ quân nhân hiện đang giam giữ hơn 2 ngàn tù nhân chính trị.

Bắc Triều Tiên thì từ chối không chịu thương nghị việc chấm dứt các chương trình hạt nhân của mình.

Ông Smith nói rằng mặc dầu cả hai nước vừa kể đã ngoan cố làm lơ trước các ước nguyện của cộng đồng quốc tế, các vị ngoại trưởng đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng.

Ông Smith nói: “Áp lực này của cộng đồng quốc tế thêm sức mạnh và quả thực là có đặt sức ép lên cả hai nước ấy. Điều chúng ta muốn thấy lúc này trên cả hai mặt trận là một sự đáp ứng đối với sức ép đó, cả dưới hình thức Bắc Triều Tiên tham gia vào các cuộc đàm phán sáu bên, lẫn nhà cầm quyền Myanmar cho phép bà Aung San Suu Kyi tham dự hoàn toàn vào một tiến trình bầu cử.”

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng không nên loại trừ toàn bộ các cuộc đàm phán sáu bên gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Ông Dương cho biết: “Mặc dầu các cuộc đàm phán đã vấp phải một vài khó khăn, ta không nên bỏ qua sự kiện là đã đạt được tiến bộ quan trọng cách đây ít lâu vì thế ta phải đứng trên quan điểm sách lược và dài hạn và vận động để sớm nối lại các cuộc đàm phán sáu bên. Trung Quốc vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với tất cả các bên liên quan bởi vì đây là một chính nghĩa tốt, một chính nghĩa quan trọng.”

Người phát ngôn của Bắc Triều Tiên tại hội nghị tuyên bố các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân của họ là 'đã chết' và quy lỗi cho Washington về điều mà Bắc Triều Tiên gọi là một chính sách 'thù địch'.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG