Đường dẫn truy cập

Kinh tế Ðông Á tiến tới giai đoạn hồi phục


Ngân hàng Phát triển châu Á, tức ADB, nói rằng các nền kinh tế Đông Á đang tiến đến giai đoạn hồi phục sau khi sút giảm mạnh vì cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của Đài VOA tường trình rằng các kinh tế gia của ADB nói tiến trình hồi phục lâu dài hơn chỉ có thể diễn ra sau khi các nền kinh tế công nghiệp hóa bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Phúc trình của Ngân hàng Phát triển châu Á phổ biến hôm thứ năm nói rằng các nền kinh tế Đông Á đã qua khỏi giai đoạn tệ hại nhất trong cuộc suy thoái kinh tế đã tác động đến toàn thế giới hồi năm ngoái.

Ông Jong-wha Lee, một kinh tế gia cấp cao của ngân hàng ADB, nói rằng đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi tại Đông Á giảm là do các nền kinh tế này vẫn lệ thuộc vào xuất khẩu để tăng trưởng.

Ông Lee nói: "Bốn nền kinh tế ASEAN có mức thu nhập cỡ trung là Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Tính gộp chung thì kinh tế của nhóm bốn nước này đã sút giảm 1% trong quý một năm 2009. Thái Lan công bố mức sút giảm cao nhất – lên tới 7,1%."

Tuy nhiên, theo phúc trình của ADB thì tốc độ sút giảm kinh tế đã chậm lại. Những dấu hiệu mạnh mẽ nhất của quá trình hồi phục xuất hiện trên các thị trường tài chánh mới nổi ở Đông Á. Tính từ tháng 11 năm ngoái đến nay thì các thị trường này đã tăng gần 70%.

Trong quý 2, kinh tế Trung Quốc tăng gần 8%, trong khi đó theo những ước đoán ban đầu thì đà sút giảm của nền kinh tế Singapore đã giảm tốc. Sản xuất công nghiệp cũng đã bắt đầu phát triển trở lại tại Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Ông Lee nói tiếp: "Nền kinh tế mởi nổi của Đông Á đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ suy thoái sang hồi phục giữa lúc các chính sách tăng trưởng đang bắt đầu lấy đà. Cụ thể là các chỉ dấu từ nền kinh tế Trung Quốc tỏ ra rất lạc quan. Ngày càng có nhiều hy vọng là Trung Quốc sẽ trở thành đầu tàu cho tiến trình hồi phục tại châu Á. Tuy nhiên các dấu hiệu hồi phục còn trong giai đoạn sơ khởi, và tình trạng hồi phục sắp tới có thể còn yếu ớt và mong manh."

Ngân hàng Phát triển châu Á tỏ ra thận trọng về những hy vọng cho rằng đà tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy các nền kinh tế khác ở châu Á, một phần là vì Trung Quốc cạnh tranh với các nước láng giềng tại nhiều thị trường xuất khẩu. Ngân hàng ADB nhận định thêm rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn lệ thuộc nặng nề vào những chi tiêu cho lãnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.

Tóm lại, phúc trình của ADB nói rằng châu Á cần dựa vào một tiến trình phục hồi mạnh mẽ tại các nền kinh tế Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu.

Ông Lee nói thêm: "Do đó riêng Trung Quốc hoặc riêng châu Á không thể giữ vai trò đầu máy kéo tăng trưởng kinh tế cho toàn châu lục này. Chúng ta cần phải có hai đầu máy, đầu máy thứ hai – có lẽ còn quan trọng hơn –là các nước công nghiệp hàng đầu. Do đó nếu không có sự hồi phục toàn cầu thì châu Á sẽ rất khó lấy lại đà tăng trưởng mạnh và bền vững."

Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán rằng các nền kinh tế mới nổi tại Đông Á sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay, và tăng lên 6% trong năm 2010.

Tuy nhiên, ADB cảnh báo rằng giai đoạn suy thoái kéo dài tại các nước đã phát triển và nguy cơ giảm phát có thể sẽ làm chậm đà tăng trưởng. ADB kêu gọi các chính phủ nên tập trung vào tiêu thụ nội địa và bớt tập trung vào xuất khẩu nhằm tạo tăng trưởng bền vững hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG