Đường dẫn truy cập

TQ quy lỗi cho thành phần ly khai về bạo loạn ở Tân Cương


Trung Quốc quy lỗi cho thành phần cực đoan muốn thành lập một khu vực Tân Cương độc lập về các vụ bạo loạn đẫm máu đã giết chết gần 200 người hồi đầu tháng Bảy tại Urumqi, thủ phủ của tỉnh Tân Cương. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Ông Ngô Sĩ Dân, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Sắc Tộc của Trung Quốc, nói rằng động lực thúc đẩy những người biểu tình gây ra bạo động tại Urumqi không phải là các yếu tố kinh tế.

Ông Ngô nói những kẻ nổi loạn chỉ nhắm đòi độc lập cho Tân Cương. Ông Ngô tuyên bố Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép họ thực hiện mục đích đó.

Nhà chức trách Trung Quốc nói tình trạng bất ổn tại Tân Cương đã khởi sự vào ngày 5 tháng Bảy, là lúc một cuộc biểu tình ôn hòa của người sắc tộc Uighur tại Urumqi biến thành bạo động, sau khi có sự can thiệp của cảnh sát Trung Quốc. Người Uighur sau đó đã nổi loạn, đập phá các cửa sổ, đốt nhiều xe hơi, và đánh đập người dân thuộc sắc tộc Hán, là thành phần đa số tại Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng có 197 người thiệt mạng và hơn 1,600 người bị thương. Trong một hành động hiếm thấy, các giới chức Trung Quốc còn thừa nhận rằng cảnh sát đã giết chết 12 người trong cuộc bạo loạn tại đây. Người Uighur thì nói rằng con số tử vong còn cao hơn thế nhiều, và có nhiều người Uighur hơn nhiều, so với các số liệu mà chính quyền Trung Quốc loan báo.

Cũng theo người Uighur, thì chính quyền đã giam giữ hàng trăm người Uighur từ sau các vụ bạo động, trong số những người bị bắt giữ, có nhiều người không có dính dáng gì đến vụ việc.

Ông Ngô Sĩ Dân nói thủ phạm đứng sau vụ bạo loạn là '3 thế lực xấu xa': Chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và ly khai.

Ông Ngô tố cáo các phần tử cực đoan đã tham gia các hoạt động bạo động, và cả khủng bố, trong gần 80 năm qua để mưu tìm một quê hương độc lập, mà họ đặt tên là Đông Turkistan.

Người Uighur phần lớn đều theo Hồi Giáo, nhưng ông Ngô khẳng định chủ nghĩa tôn giáo cực đoan không phải là động cơ chính. Ông đưa ra lời bình luận này một ngày sau khi Tân Hoa Xã trích lời cảnh sát Urumqi, cáo buộc rằng những phụ nữ mặc trang phục Hồi Giáo, những chiếc áo thụng dài màu đen và đeo khăn quàng, là những người đứng đầu trong vụ bất ổn vừa qua.

Vụ việc này đã khiến những căng thẳng sắc tộc tại thành phố Urumqi leo thang. 2 ngày sau các vụ bạo loạn, các nhóm giữ trật tự tình nguyện người Hán đã tấn công người Uighur.

Ông Ngô thừa nhận rằng, một số người ở Urumqi đã xuống đường sau vụ bạo loạn đầu tiên. Tuy nhiên, ông chống chế rằng những người ấy chỉ hành động vì phẫn nộ với các tội ác do những kẻ nổi loạn gây ra, và vì đau buồn về cái chết của những người thân của họ.

Tuy nhiên, mặc cho những lời bình luận có vẻ thiện cảm, ông Ngô khẳng định ông tin rằng tất cả các nhóm sắc tộc cần phải chọn những phương tiện bình thường và hợp pháp để bày tỏ quan điểm của mình.

Ông nói thêm rằng tất cả mọi người dân đều bình đẳng trước luật pháp, bất kể nguồn gốc sắc tộc, và bất cứ ai vi phạm luật pháp cũng sẽ bị nghiêm trị.

Vốn gần gũi hơn với người dân Trung Á về mặt sắc tộc, người Uighur từ lâu đã than phiền rằng họ đã bị kỳ thị.

Chính quyền Trung Quốc áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với các hoạt động tôn giáo của người Uighur, cấm các tín đồ Hồi Giáo tích cực không được giữ các chức vụ trong chính quyền. Thêm vào đó, nhiều người rất phẫn nộ về con số hết sức đông đảo người Hán được Bắc Kinh khuyến khích dời cư về Tân Cương, khiến người bản thổ Uighur trở thành một thiểu số ngay trên quê hương truyền thống của họ.

Chính quyền Trung Quốc bác bỏ rằng có kỳ thị, và lưu ý rằng các nhóm thiểu số được hưởng những lợi lộc mà người Hán không được hưởng, chẳng hạn như quyền được có nhiều con hơn.

Chính quyền tỉnh Tân Cương đã quyết định tăng gấp đôi số tiền bồi thường trả cho gia đình của những thường dân vô tội bị thiệt mạng trong vụ bạo loạn, lên tới gần 62,000 đôla.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG