Lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Khamenei một lần nữa lại lên tiếng kịch liệt đả kích tây phương vì cho là họ can thiệp vào nội tình của Iran, trong lúc cảnh cáo những lãnh đạo chính trị trong nước chớ xúi giục quần chúng tranh chấp để ‘tiếp tay cho những kẻ thù của Iran.’
Lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei không nêu đích danh những lãnh đạo chủ trương cải tổ, nhưng ngụ ý cho thấy là họ cần phải thận trọng về lời nói hay hành động của họ.
Ông nói rằng giới lãnh đạo cao nhất nước này cần phải ý thức rằng những gì họ nói hay làm đang tiếp tay cho ngoại thù chống đối Iran. Vì lý do này, ông nói rằng giới lãnh đạo Iran cần phải cảnh giác.
Một lần nữa ông Khamenei lại chỉ trích báo chí tây phương, như ông vẫn làm trong những tuần lễ gần đây, rằng kẻ thù tây phương của Iran đang sử dụng truyền thông của họ để chỉ đạo những kẻ gây rối đang kích động rối loạn, gây tàn phá và bạo động.
Trong những lời đả kích sắc bén đưa ra vào thứ sáu tuần trước, cựu tổng thống Akbar Hashemi Rafshanjani cảnh báo những người đang nắm quyền hãy ‘hành động theo ý dân’, và hàn gắn những thương tổn do cuộc khủng hoảng mới đây gây ra.
Nhưng lãnh tụ Ayatollah Khameni, tuy không chỉ đích danh ông Rafshanjani hay phe cải tổ, một mực cho rằng không thể để cho phe này lên tiếng chỉ trích về hệ thống chính trị của Iran, và những ai làm như vậy sẽ bị“nhân dân thù ghét vì đã gây xung đột”.
Ông Khamenei cũng ca ngợi thành quả của nước Cộng Hòa Hồi Giáo và nhân dân Iran trong lịch sử 30 năm qua , nói rằng Iran đã ngăn chặn được những kẻ thù tây phương hoàn tất những mục tiêu hiểm ác của họ.
Lãnh tụ Khamenei nói rằng các cơ quan tình báo của thế giới đang tấn công nước Cộng Hòa Hồi giáo Iran, là quốc gia cản đường họ, ngăn cản không cho họ đạt được những mục tiêu hiểm ác.
Tổng thống Mahmoud Amadinejad ngồi gần lãnh tụ Ayatollah Khamenei trên diễn đàn, trong một cữ chỉ rõ ràng là hậu thuẫn cho lãnh tụ này, sau các vụ tấn công và chỉ trích nhắm vào ông, tiếp theo cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi hôm 12 tháng 6.
Đồng thời cựu Tổng thống chủ trương cải tổ Mohammed Khatami, trong lời kêu gọi bị truyền thông chính thức làm ngơ không nhắc đến, yêu cầu mở một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định xem phải làm gì đối với cuộc bầu cử đã đưa đến kết quả gây nhiều tranh cãi.