Đường dẫn truy cập

Vĩnh biệt nữ nghệ sĩ Phùng Há


Sáng nay trong quán cà phê Starbucks, tôi hỏi một người bạn trẻ đang làm việc tại Silicon Valley là anh nghĩ gì về cái chết mới đây của ngôi sao cải lương Phùng Há, anh nói anh không biết Phùng Há là ai? Anh nói đến cái chết của Michael Jackson, nhưng theo anh cái chết ấy cũng đâu có gì mà báo chí Mỹ ồn ào, hao tốn nhiều giấy mực đến thế. Kỳ lạ hơn, tại một nơi rất xa, những người trẻ ở Hà Nội còn tụ tập lại bưng ảnh Jackson, nước mắt ràn rụa ôm nhau than khóc thảm thiết để tưởng nhớ "một thiên tài âm nhạc".

Điều mà người bạn trẻ quan tâm đến văn nghệ Việt Nam là những tác phẩm văn học của những người viết hải ngoại và những người viết trong nước. Cả âm nhạc cũng vậy. Nhưng cải lương, anh nói, anh không biết. Anh được mẹ cho vượt biên năm 14 tuổi khi cha anh còn trong tù cải tạo. Anh được một gia đình người Dì nuôi và cho ăn học. Anh tốt nghiệp đại học Cornell và hiện làm việc cho một công ty thiết kế chip điện tử ở vùng Silicon Valley. Anh hỏi ngược lại tôi Phùng Há là ai và tôi nghĩ gì về cái chết của nhân vật này?

Phùng Há là ai? Thế hệ của tôi trước năm 75 chắc chắn không ai là không nghe tên tuổi của bà. Các nghệ sĩ cải lương như Năm Châu, Phùng Há, Thành Được, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Út Bạch Lan, Diệp Lang,... tôi có nghe, có đọc thấy trên báo. Tuy vậy, có thể nói tôi chưa bao giờ “mặn” chuyện cải lương. Mặc dù nhà tôi ở cạnh rạp Quốc Thanh nơi có nhiều đêm diễn của các đoàn cải lương như Thanh Minh-Thanh Nga, Út Bạch Lan-Thành Ðược hoặc... nhưng tôi chưa hề có ý nghĩ bước vào trong rạp, ngoại trừ có một lần mẹ tôi từ Nhatrang vào Sài gòn thăm tôi, tôi bị bà "bắt" đi xem cải lương. Tôi nói “bị bắt" đi xem cải lương vì mẹ tôi là người yêu thích cải lương. Nhiều lần mẹ rũ tôi đi và lần nào tôi cũng tìm cớ thoái thác bận chuyện này chuyện nọ không đi. Tôi không thích cải lương. Đó là một bộ môn nghệ thuật rất xa lạ với tâm hồn tôi. Lần đó mẹ nói “con nên đi với mẹ xem tuồng này, Cô Bảy Phùng Há mà đóng vai Lã Bố hí Điêu Thuyền, thì trời đất biết!”. Tôi thấy mình không thể không đi không phải vì “Cô Bảy Phùng Há hí Điêu Thuyền” mà vì mẹ tôi sức khoẻ dạo đó sa sút thấy rõ, mẹ đã già và tôi không biết liệu còn có ngày nào được ngồi bên mẹ để chia sẻ với mẹ một niềm vui. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi xem cải lương. Mẹ nói với tôi mẹ chưa thấy ai có thể đóng hay hơn cô Bảy Phùng Há trong vai Lã Bố với Điêu Thuyền-Thanh Nga. Mẹ nói được xem Cô Bảy đóng Lã Bố một lần rồi ra đi cũng không ân hận. Tôi không hiểu tại sao mẹ nói thế. Cho đến ngày mẹ tôi qua đời tôi cũng không hiểu tại sao và tại sao tôi không hỏi mẹ tôi chuyện này.

Cách đây một tuần, tôi được đọc bản tin Cô Bảy Phùng Há đã ra đi! Cây đại thụ cải lương miền nam vừa nằm xuống ở tuổi 99… tôi bỗng nhớ đến mẹ tôi. Nhớ đến đêm ngồi xem cải lương với mẹ cũng đã bốn mươi năm rồi. Đêm đó tôi thấy mẹ thỉnh thoảng lấy khăn lau nước mắt theo tiếng hát và nghệ thuật trình diễn của người nghệ sĩ trên sân khấu.

Giờ đây đọc những dòng chữ viết về cuộc đời của Cô Bảy, người nghệ sĩ sống suốt cuộc đời với nghệ thuật cải lương, trải qua bao thăng trầm chìm nổi, sống trong cảnh dằn co giữa hai quê hương Tàu-Việt, chưa kịp hưởng sự giàu có của một người cha thì cha chết và tài sản bị cướp đoạt bởi chính người ruột thịt và bị đẩy xuống tận cùng dưới đáy xã hội. Và mới 13 tuổi nhờ vốn liếng tiếng hát ngây thơ của mình đem bán để nuôi mẹ nuôi thân. Rồi cứ thế mà đi lên, cùng với những gánh hát những mối tình không toàn vẹn, giang hồ ghe thuyền sông nước, rực rỡ hào quang ánh đèn sân khấu, tối ám những bóng đen hậu trường… và một mối tình với người soạn giả tài ba Năm Châu không nói ra cho đến ngày ông qua đời…. 99 năm được/bị vây quanh giữa đám đông những người ái mộ và được chiếu sáng dưới ánh đèn rực rỡ, nhưng nhìn lại có chăng chỉ là một trăm năm cô đơn của một trái tim không ngừng rướm máu…

Đọc lại cuộc đời của Cô Bảy tôi nghĩ đây có thể là một thiên tiểu thuyết cho những người kể chuyện giỏi. Tôi nghĩ trước sau cũng sẽ có người làm câu chuyện này. Nó sẽ tiểu thuyết hơn cả tiểu thuyết.

Nếu mẹ tôi còn sống, năm nay tuổi mẹ cũng gần bằng tuổi của Cô Bảy. Tôi không biết là mình đã tìm ra câu trả lời tại sao mẹ tôi nói “được xem Cô Bảy đóng Lã Bố một lần rồi ra đi cũng không ân hận”, nhưng tôi nhìn thấy một câu hỏi khác: Liệu sự ra đi của Cô Bảy Phùng Há có phải là sự ra đi của bộ môn cải lương Việt Nam?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG