Đường dẫn truy cập

Ranh giới trên biển và khủng hoảng Trường Sa


(Bản dịch của bài “Maritime Boundaries and the Spratlys: China causes concern” đăng trên OpinionAsia do tôi, Dương Danh Huy và Lê Vinh Trương cùng viết)

Cuộc tranh chấp ở biển Đông liên quan tới 6 nước: Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc.

Vào ngày 7 tháng 5, 2009, Malaysia và Việt Nam đã cùng nộp bản đăng ký thềm lục địa mở rộng trên khu vực phía nam của biển Đông cho Liên Hợp Quốc. Vào ngày 8 tháng 5, 2009, Việt Nam đã nộp bản đăng ký riêng trên khu vực phía giữa của biển Đông.

Trước đó thì Việt Nam đã mời Brunei cùng tham gia nộp đăng ký chung với Malaysia và Việt Nam trên khu vực phía nam của biển Đông. Brunei đã đồng ý nhưng sau này lại thôi. Tuy nhiên, Brunei cũng không có phản đối gì đối với bản đăng ký mà Việt Nam và Malaysia cùng nộp.

Philippines chưa nộp bản đăng ký thềm lục địa mở rộng của mình ở vùng biển Đông. Theo họ, lý do họ chưa nộp là vì không muốn tạo thêm các căng thẳng mới. Philippines cũng không phản đối bản đăng ký của Việt Nam nộp riêng, cũng như bản nộp chung giữa Việt Nam và Malaysia.

Cho dù có nhiều khác biệt về lập trường đối với Trường Sa và biển Đông, các nước này đã cùng bàn bạc, làm việc chung và dành cho nhau các cơ hội cùng tham gia. Họ cũng không tham lam trong việc đăng ký ranh giới để làm tổn hại đến quyền lợi của nước khác. Đây là một tín hiệu tốt đối với việc giải quyết xung đột ở biển Đông.

Trái ngược hoàn toàn với xu hướng này, Trung Quốc không nộp đăng ký chung với nước nào. Thay vào đó, họ phản đối cả hai bản đăng ký mà Việt Nam nộp và bản Việt Nam – Malaysia cùng nộp.

Theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển, còn gọi là UNCLOS, mỗi quốc gia ven biển được sở hữu một vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó. Điều 76 của UNCLOS có đưa ra các tiêu chuẩn để các nước ven biển khẳng định chủ quyền trên vùng thềm lục địa mở rộng ngoài phạm vi 200 hải lý. Ranh giới phía ngoài của vùng này cần phải được đệ trình lên Ủy ban của Liên hiệp quốc về Ranh giới Thềm lục địa, còn gọi là CLCS, để cơ quan này xác nhận. Thời hạn nộp đăng ký đối với hầu hết các nước là ngày 13 tháng 5, 2009.

CLCS sẽ nghiên cứu các bản đăng ký của các nước và sẽ đưa ra khuyến nghị về ranh giới hợp lý của thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý. CLCS không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lãnh hải. Tuy nhiên, nếu một quốc gia ven biển xác nhận ranh giới thềm lục địa mở rộng của mình theo khuyến nghị của CLCS thì ranh giới được xác nhận này sẽ là ranh giới chính thức của quốc gia đó và không thể sửa đổi được nữa.

Mặc dù CLCS trung lập trong vấn đề tranh chấp lãnh hải, yêu cầu phải nộp đăng ký thềm lục địa mở rộng và các đăng ký này phải được sự xác nhận của CLCS cũng tạo ra một số tác động đến việc giải quyết các cuộc tranh chấp này.

Thứ nhất là quy định của CLCS có tác dụng khuyến khích các bên tranh chấp đưa ra các tuyên bố rõ ràng về ranh giới mà họ muốn sở hữu. Đây là điểm mấu chốt vì trong để giải quyết tranh chấp thì cần phải biết rõ các bên muốn gì.

Thứ hai là nó khuyến khích các bên cùng làm việc với nhau để đăng ký chung một vùng thềm lục địa mở rộng. Việc cộng tác với nhau này sẽ tạo mầm mống để các hợp tác tiếp theo có thể xảy ra trong việc giải quyết tranh chấp.

Thứ ba là các quy định của UNCLOS vốn không mang tính thiên vị và dựa trên bằng chứng khoa học sẽ đẩy các nước quá tham lam vào vị thế bất lợi. Trừ khi các nước này trình lên các bản đăng ký hợp lý so với tiêu chuẩn của UNCLOS, các bản đăng ký của họ sẽ không được CLCS xác nhận.

Cuối cùng thì quy trình nộp đăng ký cho CLCS không mang tính thiên vị các nước lớn. Vì thế, nó có tác dụng thượng tôn các nguyên tắc công lý và bình đẳng cho tất cả các bên.

Trong cả hai biên bản phản đối của Trung Quốc đối với bản đăng ký riêng của Việt Nam và bản đăng ký chung của Việt Nam với Malaysia thì Trung Quốc không hề viện dẫn tới các quy định của UNCLOS. Thay vào đó, họ đưa ra một tấm bản đồ với hình lưỡi bò quấn quanh khoảng 80% diện tích trên biển Đông.

Cần lưu ý rằng Trung Quốc không hề nộp bản đăng ký trên vùng biển Đông cho CLCS. Điều này là dễ hiểu vì Trung Quốc không có cách gì có thể giải thích bản đồ lưỡi bò của họ bằng các tiêu chuẩn khoa học của UNCLOS được.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nộp bản đồ lưỡi bò này cho Liên Hiệp Quốc trong khuôn khổ xác định ranh giới trên biển. Điều này làm thay đổi vị thế của bản đồ lưỡi bò từ chỗ là một đòi hỏi mù mờ và bí ẩn trở thành một khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển và đáy biển trong phạm vi đường lưỡi bò. Đông Nam Á và các quốc gia sử dụng đường biển cần phải quan ngại trước động thái này.

Tóm lại, các phản ứng khác nhau của các bên liên quan tới quá trình nộp đăng ký cho CLCS đã làm nổi bật hai cách tiếp cận trong cuộc xung đột ở biển Đông. Cách tiếp cận của các nước ASEAN là gác lại các khác biệt về các đảo bị tranh chấp, sử dụng UNCLOS và làm việc cùng nhau để tiến tới việc hoạch định ranh giới trên biển. Cách tiếp cận của Trung Quốc là tảng lờ UNCLOS và từng bước tiến chiếm 80% biển Đông.

Vì các khác biệt cơ bản này, khả năng giải quyết được cuộc xung đột ở biển Đông một cách hòa bình, hợp pháp và công bằng có vẻ như vẫn còn quá xa vời.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG