Nhân dịp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến Ấn Độ, thông tín viên Anjana Pasricha của VOA ở New Delhi ghi nhận một số sự kiện tại đây vào lúc bà Clinton sắp đến. Theo chương trình bà Clinton ghé thành phố Mumbai ngày thứ Sáu và đến thủ đô New Delhi ngày chủ nhật.
Chuyến đi diễn ra vào lúc quan hệ Hoa Kỳ-Ấn Độ có những bước tiến nhảy vọt. Nền tảng của quan hệ hợp tác này đã được bồi đắp từ thời cựu Tổng Thống Bush, bắt đầu bằng việc tháo bỏ lệnh cấm bán các công nghệ hạt nhân dân dụng cho Ấn Độ, một biện pháp đã có từ 30 năm.
Ông Bharat Karnad, chuyên viên về an ninh tại Viện Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi nói rằng phía Ấn Độ hy vọng chuyến đi của Ngoại trưởng Clinton chứng tỏ chính quyền của Tổng Thống Barack Obama có ý định thắt chặt quan hệ 2 nước.
Ông Karnad nói tiếp: "Đối với cả hai nước, chuyến đi này mang nhiều ý nghĩa hơn là một chuyến đi có tính cách thăm dò. Hai bên sẽ nêu bật những gì mình muốn cho và những gì mình muốn nhận, sau đó họ sẽ có những trao đổi nghiêm túc về nhiều vấn đề."
Trong những tháng vừa qua, lãnh đạo và chuyên viên Ấn Độ có những quan tâm về nhiều vấn đề.
Có người e ngại chính quyền của Tổng Thống Obama chú trọng đến cuộc chiến chống Taliban ở 2 nước Pakistan và Afghanistan cho nên có thể lơ là đối với Ấn Độ.
Có người e ngại Hoa Kỳ sẽ tạo áp lực để Ấn Độ phải ký Hiệp ước Cấm toàn bộ các cuộc thử nghiệm hạt nhân, một điều mà lâu nay Ấn Độ vẫn cưỡng lại.
Chuyên viên Bharat Karnad cho rằng lần này Ấn Độ muốn có bảo đảm là hành động gây thêm áp lực sẽ không xảy ra trong chuyến đi của bà Clinton.
Ông Karnad nói: "Tôi cho rằng người Ấn Độ hơi lo ngại nếu chính quyền Obama cứ thúc ép Ấn Độ ký Hiệp ước Cấm toàn bộ các cuộc thử nghiệm hạt nhân để rồi Ấn Độ sẽ vướng mắc vào con đường không được phổ biến hạt nhân này. Trong chuyến đi của bà Clinton, các nhà xây dựng chính sách của Ấn Độ muốn tìm hiểu xem chính sách của Mỹ có vẫn như cũ hay không; hoặc nếu không như cũ, thì nó sẽ khác với chính sách của cựu Tổng Thống Bush khoảng bao xa."
Theo lịch, 2 nước sẽ hoàn tất 2 hiệp định trong chuyến đi của Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Đầu tiên, người ta trông đợi Ấn Độ sẽ dành ra 2 địa điểm để các công ty Mỹ xây các nhà máy điện hạt nhân, mở đường cho các doanh nghiệp Mỹ thu hoạch gần 10 tỉ đôla.
Kế tiếp, 2 nước sẽ ký thỏa thuận qua đó Ấn Độ sẽ bảo đảm công nghệ về vũ khí mà Hoa Kỳ bán cho Ấn Độ sẽ không lọt sang các nước thứ ba.
Đọc nhiều nhất
1