Đường dẫn truy cập

'Sản Phẩm Tài Chính' và 'Chứng khoán diễn sinh' là gì?


Kính thưa quí thính giả, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xuất hiện tại Hoa Kỳ, người ta được nghe nói đến một số từ mà bình thường chỉ có những người trong ngành tài chính mới quen sử dụng. Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay mời quí thính giả nghe chuyên gia tài chính học Đỗ Quí Toàn giải thích về 'Sản Phẩm Tài Chính' và 'Chứng khoán diễn sinh'. Mời quí thính giả theo dõi với Lan Phương sau đây.

'Financial products' sản phẩm tài chính, một từ mà những người ở ngoài ngành tài chính cảm thấy khá lạ tai, bởi lẽ chúng ta thường nghĩ về từ 'sản phẩm' như là những gì cụ thể, một món hàng chẳng hạn, nhưng 'sản phẩm tài chính' là gì?

Financial Products có nghĩa là tất cả những thứ cam kết nào về tài chính mà mình có thể đem bán cho người khác được. Lấy thí dụ, cô cho tôi vay 100 đồng, tôi ký một giấy nợ, viết rằng ai cầm giấy này thì có quyền đến đòi tôi, tôi sẽ trả tiền lãi bao nhiêu phần trăm một năm, và trong vòng mấy năm hay mấy tháng, tôi sẽ trả lại đủ 100 đồng.

Tờ giấy, đó không đề tên ai là chủ món nợ, mà chỉ nói rằng người nào cầm giấy này là có quyền, cô có thể cầm giấy nợ đó bán cho người khác. Thí dụ, lúc cô cần tiền mà chưa đến hạn tôi phải trả nợ, thì cô có quyền mang bán cho người khác giấy nợ đó. Đấy là một thí dụ mà một tờ giấy hứa hẹn về tài chánh có thể đem bán được thì đó là sản phẩm tài chính, nhưng dịch sang tiếng Việt như vậy thì cũng gượng ép quá.

Ta có thể gọi là một chứng khoán, chứng chỉ tài chính hay bất cứ chữ gì mà sau này các nhà ngữ học của ta sẽ đặt ra. Từ 'sản phẩm tài chính' bao gồm tất cả những loại gồm trái phiếu như tờ giấy nợ mà tôi vừa lấy làm thí dụ, các cổ phiếu tức là tiền hùn vốn các công ty, và biết bao nhiêu những thứ mà người ta ký kết với nhau để người này hứa sẽ trả tiền cho người kia, thì tất cả những thứ đó đều có thể gọi chung là những chứng khoán hay những sản phẩm tài chính.

Và qua tin tức báo chí hồi dần đây, độc giả, nếu không rành về tài chính, cũng lại cảm thấy lúng túng khi gặp từ 'derivative' chẳng mấy ai hiểu nó là cái gì, và có người dịch là 'chứng khoán diễn sinh' hoặc 'chứng khoán phái sinh'.

Chuyên gia Đỗ Quí Toàn giải thích: Từ derivative bắt nguồn từ động từ to derive, có nghĩa là từ cái này mà suy ra cái khác. Khi chúng tôi viết về tài chính hay kinh tế, khi đụng đến loại chứng khoán này thì chúng tôi thường phiên âm, gọi nó là đê-ri-va-ti để cho đỡ phiền phức.

Đê-ri-va-ti là những loại chứng khoán, những sản phẩm tài chính mà người ta đặt nó ra dựa trên một loại chứng khoán khác, một loại sản phẩm tài chính khác. Thí dụ chúng ta biết trái phiếu, tức là giấy đi vay nợ, là một loại sản phẩm tài chính, cổ phiếu là một loại sản phẩm tài chính. Nếu bây giờ chúng ta đặt ra một thứ hợp đồng khác liên quan đến trái phiếu chẳng hạn, thì đó là một thứ đê-ri-va-ti của trái phiếu, và một loại hợp đồng dựa trên cổ phiếu thì đó là một đê-ri-va-ti về cổ phiếu. Thí dụ giản dị nhất của đê-ri-va-ti này là những option.

Trong tiếng Việt chúng tôi thường dịch nó là hứa phiếu. Một công ty chẳng hạn, muốn khích lệ nhân viên làm việc hết sức, thì họ tặng cho nhân viên một số option, một số những hứa phiếu đó với lời hứa hẹn rằng nếu nhân viên làm việc cho công ty, thí dụ, đủ một năm, hai năm gì đó, thì có quyền mua của công ty những cổ phiếu với một cái giá nhất định được ấn định ngay từ bây giờ.

Giả dụ công ty đang bán cổ phiếu trên thị trường với giá 10 đồng, công ty bảo rằng quí vị làm việc cho chúng tôi trong 2 năm nữa, tôi sẽ tặng cổ phiếu này, thì sau 2 năm quí vị có thể mua 100 cổ phiếu của công ty, tức là quí vị có một option, một hứa phiếu cho quí vị quyền để mua 100 cổ phiếu của công ty với giá 10 đồng thôi. Nếu trong 2 năm giá cổ phiếu của công ty lên thì người có hứa phiếu được lợi, có thể thi hành hứa phiếu, mua ngay 100 cổ phiếu, giá có 10 đồng thôi, trong khi trên thị trường có thể nó đã lên 11 đồng, 15 đồng hay 20 đồng.

Đặc điểm của loại hứa phiếu này là công ty có bổn phận phải làm tròn điều đã hứa, tuy nhiên nếu như giá cổ phiếu của công ty giảm, nhân viên được option, tức là được hứa phiếu đó, có quyền thi hành hoặc không thi hành, tức là mua hoặc không mua số cổ phiếu mà công ty đã hứa bán cho họ với một giá ưu đãi lúc đầu. Tương tự như vậy, người sở hữu cổ phần của một công ty có quyền bán hứa phiếu dựa trên số cổ phiếu họ có để giảm bớt rủi ro khi giá cổ phần xuống. Khi bán hứa phiếu, người chủ cổ phần thu được một món tiền.

Sau một thời gian, chúng ta thấy có hai trường hợp: giá cổ phiếu lên hoặc xuống. Nếu giá cổ phiếu lên, nguời mua hứa phiếu có quyền mua đứt số cổ phần. Nhưng nếu giá xuống, họ có quyền không mua mà chỉ mất số phí khoản khi họ mua hứa phiếu mà thôi. Còn nguời bán hứa phiếu thì khi giá cổ phần xuống họ sẽ bớt thiệt hại hơn nhờ tiền thu được trước đó khi bán hứa phiếu.

Theo chuyên gia Đỗ Quí Toàn, có rất nhiều loại derivative.

Ðỗ Quí Toàn: "Hứa phiếu là một loại đê-ri-va-ti rất phổ thông nhưng người ta còn đặt ra rất nhiều loại đê-ri-va-ti khác dựa trên cổ phiếu, dựa trên trái phiếu, hoặc dựa trên giá dầu lửa hoặc là giá vàng, giá bạc, giá đồng, giá nhôm, ai cũng có thể đặt ra những thứ đê-ri-va-ti đó nếu có người muốn mua hay muốn bán là người ta trao đổi với nhau."

Quí vị vừa nghe chuyên gia Đỗ Quí Toàn giải thích về “Sản Phẩm Tài Chính” và “ Đê-ri-va-ti”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG