Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) của Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày thứ Tư mùng 1/7, trong đó có quy định trẻ em trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy.
Tuy nhiên, quy định mới nhằm bảo vệ trẻ em này hiện nay thậm chí lại đem lại nhiều nguy hiểm cho các em khi hàng loạt mũ bảo hiểm dành cho trẻ em không đạt chất lượng đang được bày bán công khai.
Bản tin của hãng thông tấn Malaysia Bernama cho hay các bậc phụ huynh đang bày tỏ quan ngại về việc các cửa hàng và chợ trên khắp Việt Nam đang tràn ngập những loại mũ bảo hiểm kém chất lượng và họ không thể phân biệt nổi đâu là mũ bảo hiểm có chất lượng bảo đảm còn đâu là loại sử dụng chứng chỉ an toàn giả mạo.
Bản tin này cũng trích lại nguồn tin của Thông tấn Xã Việt Nam cho hay tại Hà Nội mũ bảo hiểm dành cho trẻ em được bày bán trên nhiều dãy phố đông đúc như Chùa Bộc, Phố Huế, Cầu Giấy hay Nguyễn Trãi. Một người phụ nữ đi tìm mua mũ bảo hiểm cho con, chị Hoàng Thu Hạnh ở Bách Khoa nói rằng rất khó để phân biệt giữa mũ bảo hiểm có chất lượng đảm bảo và loại kém chất lượng vì chúng có kích cỡ giống nhau, màu sắc như nhau và thậm chí tem chứng nhận chất lượng cũng giống nhau vì vậy chị phải tới các cửa hàng bán những sản phẩm quen thuộc như Protec, Amoro hay Honda để chọn mua mũ cho cô con gái 7 tuổi.
Tuy nhiên, trong khi giá bán của những loại mũ bảo hiểm của những hãng nổi tiếng ở mức từ 90,000 đến 300,000 đồng một chiếc thì có những loại mũ bảo hiểm có giá bán rất rẻ chỉ với 10,000 đồng một chiếc.
Giám đốc marketing của hãng Protec nói rằng mũ bảo hiểm giả thường được làm từ nhựa phế liệu khiến cho độ dày của mũ chỉ bằng một nửa so với mũ bảo hiểm thông thường và loại mũ này rất dễ vỡ khiến cho trẻ em có nguy cơ bị chấn thương cao hơn.
Báo Tuổi Trẻ của Việt Nam trích lời ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho biết mũ bảo hiểm cho trẻ em cũng phải được chứng nhận hợp quy và dán tem hợp quy CR mới được coi là phù hợp với quy định.
Ông Lâm cũng khuyên người tiêu dùng rằng khi mua cần kiểm tra mũ theo các hướng dẫn trước đây và các thông tin bắt buộc phải có trên mũ như: tên tuổi, địa chỉ của nhà sản xuất, cỡ mũ, hướng dẫn người sử dụng, tem hợp quy CR... Nếu tem CR không in tên nhà sản xuất mà chỉ có dòng chữ 'sản xuất tại Việt Nam' thì có thể chắc chắn là tem CR giả.
Đọc nhiều nhất
1