Đường dẫn truy cập

Văn khố Quốc gia Hoa Kỳ kỷ niệm 75 năm thành lập


Năm nay, Cơ Quan Lưu Trữ Hồ Sơ và Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ đánh dấu kỷ niệm năm thứ 75 kể từ khi được thành lập dựa trên một đạo luật do Tổng Thống Franklin D. Roosevelt ký vào ngày 19 tháng 6 năm 1934. Thông tín viên Susan Logue của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã đến thăm nơi lưu trữ các tài liệu quý giá nhất của Hoa Kỳ, và tường thuật như sau:

Hàng ngày, khách tham quan kéo đến chật cả sảnh đường chính của Cơ Quan Lưu Trữ Hồ Sơ và Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ, để được tận mắt trông thấy những tài liệu làm nền tảng cho chính phủ Hoa Kỳ, chẳng hạn như: Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, bản Hiến Pháp, và Đạo Luật về Dân Quyền.

Thế nhưng ngoài việc lưu trữ và bảo quản các tài liệu vô cùng quý giá được gọi chung là các Hiến Chương của Tự Do đó, Cơ Quan Lưu Trữ Hồ Sơ và Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ còn có nhiều chức năng khác.

Trợ lý của trưởng phòng lưu trữ Michael Kurtz nói từ năm 1934 trở đi, Cơ Quan Lưu Trữ Hồ Sơ và Văn Khố Quốc Gia còn phải chịu trách nhiệm về tất cả các tài liệu lịch sử chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Ông Kurtz nói: “Có một sự thừa nhận trong giới các sử gia, các quan chức chính phủ, và nhiều thành phần khác, rằng lịch sử của đất nước phải được gìn giữ, không để cho mai một. Các tài liệu trước đây thường được lưu trữ tại các cơ quan đã tạo ra chúng vì thế, nếu có hỏa hoạn, lụt lội, và các thiên tai khác các di sản quốc gia này sẽ bị mất mát.

Lẽ đương nhiên là không phải bất cứ tài liệu nào của chính phủ cũng được lưu lại. Chỉ có từ 1% đến 3% tài liệu là được đánh giá có đủ giá trị để được lưu trữ vĩnh viễn. Tuy nhiên như ông Michael Kurtz giải thích, tỷ lệ nhỏ ấy qua năm tháng đã tích lũy dần để nay trở thành 9 tỉ tài liệu khác nhau.

Ông Kurtz cho biết: “Chúng tôi có những tài liệu dưới đủ mọi hình thức. Chúng tôi có phim nhựa, chúng tôi có băng video, băng thâu âm, chúng tôi có bản đồ, và tất nhiên là một núi tài liệu bằng giấy.”

Ông Michael Kurtz cho biết là ngoài ra, lại còn có các tài liệu bằng kỹ thuật số.

Ông Kurtz giải thích: “Chúng tôi còn giữ các bộ tự điển trên mạng, các trang blog, email, tất cả đều đề cập đến những hoạt động của chính phủ. Làm cách nào đánh giá các tài liệu và xác định những yếu tố nào mang giá trị vĩnh cửu, là một thách thức lớn. Bảo quản các tài liệu ấy không đơn thuần là duy trì một nhiệt độ nào đó, và kiểm soát độ ẩm để lưu trữ cả một kho tàng các văn kiện chứng từ bằng giấy, vốn là các điều kiện nhằm bảo đảm các tài liệu lịch sử bằng giấy có thể được giữ gìn trong nhiều thế kỷ. Phương tiện kỹ thuật số mong manh hơn nhiều.

Mặt khác, theo lời ông Michael Kurtz, thời đại kỹ thuật số đã mang đến một số cơ hội mới cho Cơ Quan Lưu Trữ Hồ Sơ và Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ.

Ông Kurtz nói: “Cơ hội đến với chúng tôi về mặt tiếp cận. Chúng tôi sẽ có khả năng cho phép những người không có cơ hội đích thân đến Cơ Quan Lưu Trữ, và tất cả mọi người trên khắp thế giới, được tiếp cận kho tài liệu của chúng tôi.”

Cơ Quan Lưu Trữ Hồ Sơ và Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ đánh dấu kỷ niệm năm thứ 75 thành lập với nhiều sinh hoạt như các buổi diễn thuyết, hội thảo, chiếu phim, và một cuộc triển lãm đặc biệt để công chúng đến xem một số các tài liệu hiếm thấy. Chuyên gia về các vật triển lãm, bà Jennifer Johnson, cho hay là cuộc triển lãm này được đặt tên là Big!, có nghĩa là To Lớn:

Bà Johnson nói: “Nguyên tắc đầu tiên là trưng bày một số vật triển lãm độc đáo, thường không được mang ra trưng bày vì kích thước quá khổ của chúng.”

Chẳng hạn như tấm bản đồ trận liệt trong trận đánh ở Gettysburg thuộc bang Pensylvania trong thời Nội Chiến. Tấm bản đồ này rộng tới 4 mét vuông. Hoặc một bồn tắm thiết kế đặc biệt cho Tổng Thống William Howard Taft.

Bà Johnson nói: “Tổng Thống Taft là vị Tổng Thống nặng cân nhất trong lịch sử Mỹ, tính cho tới nay. Ông cân hơn 145 kg. Bên cạnh đó còn một số vật dụng khác cũng được chế tạo đặc biệt cho vị Tổng Thống này, kể cả cái giường của ông. Nhưng chúng tôi còn giữ một bức điện tín yêu cầu chế ra một bồn tắm, trong điện tín có liệt kê đầy đủ kích thước, đồng thời mô tả cái bồn ấy trông phải như một cái ao vậy.”

Thế rồi, Cơ Quan Lưu Trữ Hồ Sơ và Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ còn lưu giữ một chiếc giầy mà ngôi sao bóng rổ Shaquille O'Neal đã tặng cho Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush.

Ngoài ra còn một cái khuôn ghi lại dấu chân của một con khủng long. Bà Johnson giải thích rằng tặng phẩm ấy là do 2 thiếu niên đã phát hiện ra vết chân khủng long hóa thạch ở bang New Jersey, mang đến tặng cho Tổng Thống Richard Nixon.

Bà Johnson kể lại: “Khi tìm ra dấu chân hóa thạch ấy, hai cậu bé đã gửi kiến nghị yêu cầu Tổng Thống Nixon bảo tồn khu vực quanh đó, để có thể nghiên cứu dấu tích ấy. Tổng Thống Nixon đã làm điều đó, nên được hai thiếu niên tặng cho các dấu chân khủng long đúc khuôn. Giờ đây, một trong hai thiếu niên ấy đã trở thành một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ về các vật hóa thạch.”

Cuộc triển lãm còn có một số tài liệu truyền thống hơn, mô tả các biến cố lớn, và những ý kiến có ý nghĩa lớn trong lịch sử Hoa Kỳ, như vụ đáp phi thuyền lên mặt trăng và ngày D-Day, Ngày Lực Lượng Đồng Minh Đổ Bộ lên bờ biển Normandy trong cuộc Thế Chiến thứ Hai.

Những cuộc triển lãm như vậy đã mở hé cánh cửa cho khách tham quan được có một cái nhìn thoáng qua vào kho tài liệu rộng lớn của Cơ Quan Lưu Trữ Hồ Sơ và Văn Khố Quốc Gia Hoa Kỳ, tuy nhiên những văn kiện sáng chói nhất trong bộ sưu tập khổng lồ này vẫn là các tài liệu được đặt tên chung là các Hiến Chương của Tự Do.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG