Đường dẫn truy cập

TQ bác bỏ lo ngại của quốc tế về ông Lưu Hiểu Ba


Chính phủ Trung Quốc vừa bác bỏ những mối quan ngại của cộng đồng quốc tế đối với việc nhân vật bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba đang bị giam giữ, cùng những lời kêu gọi đòi phóng thích ông ngay tức khắc, vì cho rằng đây là một vụ việc tuyệt đối có tính cách nội bộ của Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho của VOA có bài tường trình sau đây.

Khi được hỏi về tình trạng của ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ, phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói vụ việc này đang được xử lý theo luật pháp Trung Quốc và không can dự đến ai.

Ông Tần Cương nói rằng Trung Quốc là một nước có luật pháp, và rằng giới thẩm quyền tư pháp xử lý vụ việc một cách độc lập. Oâng nói thêm vụ việc này được xử lý thế nào là hoàn toàn chuyện nội bộ của Trung Quốc .

Các nhóm nhân quyền quốc tế đã chỉ trích việc bắt giữ ông Lưu Hiểu Ba, 53 tuổi, một vị cựu giáo sư bộc trực mới đây đã giúp soạn thảo và tu sửa hiến chương 08. Hiến chương kêu gọi cải tổ chính trị và một bản Hiến Pháp mới cho Trung Quốc, một bản Hiến Pháp bảo đảm nhân quyền.

Những sự biểu lộ quan ngại về ông Lưu bao gồm một bản tuyên cáo của Trung Tâm Văn Bút Hoa Kỳ, thuộc một mạng lưới quốc tế chuyên khích lệ sự hợp tác giữa những nhà văn nhà báo và đẩy mạnh tự do ngôn luận. Ông Lưu từng là chủ tịch và hiện là thành viên trong ban quản trị Trung tâm Văn Bút Trung Quốc, một tổ chức độc lập.

Chính quyền Trung Quốc đã cáo buộc ông Lưu là đã có những hoạt động gây rối, nhằm phá hoại nhà nước và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trước đó trong ngày, ông Richard Buangan, phát ngôn viên Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, nói rằng Washington đã 'hết sức lo ngại' về tin ông Lưu bị bắt.

Ông Buangan nói: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy thả ông Lưu ra và tôn trọng quyền của tất cả những người Trung Quốc muốn biểu lộ một cách ôn hòa sự khao khát của họ đối với những quyền tự do được quốc tế công nhận. ”

Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giam ông Lưu hồi tháng 12, một ngày trước khi Hiến Chương 08 được công bố. Ngay lúc đầu tư liệu này đã thu thập được chữ ký của hơn 300 người. Con số đó nay đã tăng lên tới gần 9 ngàn người Trung Quốc.

Ông Lưu Hiểu Ba từ lâu đã tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và việc áp dụng luật pháp tại Trung Quốc. Trước kia ông từng bị giam giữ vì tham gia các cuộc phản kháng tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, các cuộc phản kháng đã bị quân đội dùng bạo lực đè bẹp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG