Đường dẫn truy cập

Mỹ-VN tăng cường quan hệ quân sự giữa lúc căng thẳng gia tăng ở Biển Ðông


Viên chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng mối lo ngại của một số người Việt Nam về việc Trung Quốc chuẩn bị tấn công Việt Nam là không có cơ sở. Đại sứ Michael Michalak đã nhận định như thế trong lúc dư luận Việt Nam xôn xao về những hành vi mới đây của Trung Quốc mà họ cho là 'thể hiện dã tâm xâm lược của Đế Quốc Đại Hán'. Ông Michalak cũng cho ban Việt Ngữ đài VOA biết rằng thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về việc cho phép tàu hải quân Mỹ tiến hành việc tìm kiếm quân nhân mất tích trong lãnh hải Việt Nam là một vấn đề nhân đạo và không liên hệ gì tới tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Mời quí vị theo dõi thêm một số các chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.

Trong lúc dư luận Việt Nam rất xôn xao về những hành vi mới đây của Trung Quốc mà họ cho là 'thể hiện dã tâm xâm lược của người Hán', viên chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ ở Việt Nam nói rằng ông không tin là Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam như một số người đã lo ngại. Trong cuộc tiếp xúc mới đây với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở vùng thủ đô Washington, Đại sứ Michael Michalak cho biết ông nghĩ rằng tuy có nhiều vấn đề phức tạp nhưng mối quan hệ Việt-Trung hiện nay không đến nỗi xấu. Sau đây là phát biểu của ông Michalak.

Michael Michalak: Tôi không tin là Trung Quốc sẽ tấn công Việt Nam. Tôi không tin như vậy. Trung Quốc và Việt Nam có một mối quan hệ rất phức tạp. Và nếu quí vị nhìn vào quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc thì quí vị sẽ thấy hai nước cũng có một mối quan hệ rất phức tạp: có một số vấn đề chúng tôi đồng ý với nhau, và có một số vấn đề chúng tôi không đồng ý với nhau. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ tổng quát giữa Việt Nam với Trung Quốc tương đối tốt. Tôi không biết chắc là mối quan hệ này có phải là rất tốt hay không, nhưng tôi biết chắc rằng mối quan hệ này không đến nỗi xấu lắm. Những người bạn Việt Nam thường nói với tôi rằng: chúng tôi có thể chọn bạn nhưng không thể chọn người hàng xóm. Việt Nam có chung biên giới rất nhiều với Trung Quốc. Họ đã có thể giải quyết việc phân định ranh giới trên bộ. Và vị đại sứ Việt Nam ở Washington, Đại sứ Lê Công Phụng, chính là người cầm đầu cuộc đàm phán về vấn đề này. Quí vị có thể hỏi ông ấy xem ông ấy nghĩ sao về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Về vấn đề ở Biển Đông, Hoa Kỳ không có lập trường nào về những vụ tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển này. Chúng tôi tin tưởng vào quyền tự do hàng hải và sự khai phóng của các thủy lộ, và chúng tôi hành xử quyền tự do hàng hải của mình qua việc đưa tàu bè đi qua các thủy lộ này. Chúng tôi đã gặp phải sự can thiệp trái phép của tàu bè Trung Quốc đối với tàu Impeccable. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có phản ứng thận trọng và thỏa đáng trong vụ này. Chúng tôi cũng đã áp dụng thêm những biện pháp để bảo đảm quyền tự do hàng hải và kiên quyết thể hiện quyền này.

Đại sứ Michalak đã cho biết như thế một ngày sau khi Washington và Hà Nội loan báo một thỏa thuận về việc cho phép tàu bè của hải quân Mỹ được hoạt động trong hải phận Việt Nam để tìm kiếm người Mỹ mất tích. Khi được hỏi là phải chăng diễn tiến này có liên hệ với tình hình ở Biển Đông, ông Michalak đã trả lời như sau.

Michael Michalak: Không, hoàn toàn không có liên hệ nào. Chúng tôi đã tìm cách để đưa một chiếc tàu thăm dò đáy biển vào Việt Nam từ 3 hoặc 4 năm trước. Rốt cuộc, chúng tôi đã vượt qua được những khó khăn của guồng máy hành chánh để làm được việc này. Đây là một hoạt động thuần túy nhân đạo. Thật ra đây là lần thứ nhì chiếc tàu Heezen này tới Việt Nam. Lần đầu, chiếc tàu này đã đến Việt Nam trong một chuyến thăm cảng. Lúc đó chúng tôi đã mời rất nhiều viên chức chính phủ Việt Nam lên tàu tham quan để biết được chiếc tàu có khả năng như thế nào. Lần này, tàu Heezen trở lại Việt Nam để thực hiện một công tác nhân đạo và đó là mục đích duy nhất.

Khi được hỏi ông nghĩ sao nếu có người diễn giải thỏa thuận này như một sự thừa nhận của Hoa Kỳ đối với chủ trương chủ quyền của Việt Nam ở những khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố là có chủ quyền, vị Đại sứ Mỹ ở Việt Nam đã cho biết ý kiến như sau.

Michael Michalak: Không, họ không thể diễn giải như thế. Mỗi lần chúng tôi có tàu ghé thăm Việt Nam chúng tôi đều phải trải qua một trình tự rất phức tạp và mất rất nhiều thời giờ. Chúng tôi phải giải quyết mọi chi tiết của chuyến viếng thăm với chính phủ Việt Nam và những chi tiết liên quan chỉ được áp dụng cho chuyến viếng thăm đó và cho chiếc tàu đó mà thôi. Việc này được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp một, và trong trường hợp này sự giải thích duy nhất mà quí vị có thể có là Việt Nam với Hoa Kỳ làm việc chung với nhau trong một hoạt động nhân đạo – đó là tìm kiếm và thu hồi hài cốt những người Mỹ mất tích.

Đại sứ Michalak nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì cần thiết để có thể xúc tiến những hoạt động mà Washington tin là hợp pháp và được cho phép bởi nhiều hiệp định hiện hành.

Tiến sĩ Trần Vinh Dự, cố vấn của Quĩ Nghiên cứu Biển Đông, là một học giả trẻ đang làm việc cho một công ty tư vấn ở Washington. Ông cho biết rằng thỏa thuận mới đây giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ là một bước tiến dè dặt trong việc tăng cường quan hệ quân sự giữa Hà Nội và Washington.

Trần Vinh Dự: Tôi đồng ý với ông Đại sứ Mỹ rằng không nên coi việc Mỹ đưa tàu tới hải phận Việt Nam để tìm kiếm người Mỹ mất tích hay là các chuyến thăm viếng của tàu chiến Mỹ ở Việt Nam như là một sự khẳng định từ phía Mỹ về chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Theo tôi thì chỉ nên hiểu các động thái này như là một số bước tiến dè dặt trong quan hệ quân sự hai nước mà thôi. Tôi cũng không cho rằng các quan ngại liên quan tới việc Trung Quốc cưỡng chiếm Trường Sa bằng vũ lực là thực sự có cơ sở, đặc biệt là trong ngắn hạn. Mặc dù các đảo ở Trường Sa là một mục tiêu trọng yếu trong chiến lược thu phục biển Đông của Trung Quốc, tôi cho rằng điều quan trọng hơn có lẽ là việc Trung Quốc kiểm soát toàn bộ vùng biển này và khai thác được các tài nguyên ở biển Đông đồng thời ngăn cản các nước khác trong khu vực tham gia vào việc khai thác. Và thực sự tôi thấy Trung Quốc đang tiến nhanh việc hiện thực hóa mục tiêu thứ hai này. Bằng chứng là để kiểm soát biển Đông về lâu dài thì họ cần hiện đại hóa quân đội và tăng cường sự hiện diện quân sự ở biển Đông – điều mà họ vẫn đang làm rất ráo riết. Và để tận thu các nguồn tài nguyên ở Biển Đông họ đang tăng cường các hoạt động xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân nước ngoài hoạt động trong vùng có tranh chấp.

Ông Trần Vinh Dự cho biết ngày 17 tháng 6 vừa qua, tờ Wall Street Journal ở Mỹ loan tin là Tập đoàn dầu khí Sinopec của Trung Quốc đang bắt đầu tiến hành các dự án khai thác dầu khí ở vùng nước sâu ngoài biển Đông; và dựa theo bản đồ đi kèm bài báo này thì vùng mà Sinopec định khai thác nằm rất sát với Việt Nam và chắc chắn là chồng lấn lên vùng thềm lục địa và thềm lục địa mở rộng của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Trần Vinh Dự, những diễn tiến này cho thấy rằng VN đang phải đối mặt với một thực trạng nguy hiểm, không phải là nguy cơ mất các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, mà là nguy cơ đánh mất quyền kiểm soát và khai thác các nguồn tài nguyên trong các vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Ông nói thêm rằng có một điều đáng sợ hơn nữa là dường như cho đến nay Việt Nam vẫn chưa tìm ra được một đối sách hợp lý để đáp lại những hành vi của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG