Đường dẫn truy cập

Cuộc sống ngày nay của người Việt tị nạn từ Philippines


Anh Nguyễn Phúc và Thiều Duy Tùng là hai người tỵ nạn đã bị kẹt lại ở Philippines trong tình trạng vô tổ quốc đến 17, 18 năm. Qua cuộc tranh đấu và vận động của luật sư Trịnh Hội và một số người cùng chung mục đích, cuối cùng khoảng 2,000 thuyền nhân kém may mắn đó đã được định cư ở nhiều quốc gia. Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay sẽ tường thuật cùng quí vị về trường hợp của một số những người tỵ nạn thuộc diện này hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Mời quí vị theo dõi với Lan Phương.

Anh Nguyễn Phúc rời Việt Nam bằng thuyền năm 1989 rồi tới thẳng Philipines, trở thành người tỵ nạn trong trại Palawan. Tại đây, anh lấy vợ và có 3 con. Bị rớt thanh lọc và khi trại Palawan đóng cửa, vợ chồng con cái anh không muốn trở về Việt Nam nên đã ra ngoài sinh sống. Anh cho biết về cảnh sống tại đây lúc không còn được sự giúp đỡ của phủ Cao Ủy tỵ nạn.

Nguyễn Phúc: "Nói chung thì lúc sống trong trại tỵ nạn thì cuộc sống cũng vất vả. 5 năm sau, khi Cao Ủy không còn giúp đỡ trong trại nữa thì em mới ra ngoài làm ăn buôn bán nuôi gia đình."

Anh Phúc cùng với vợ được những người tỵ nạn ra khỏi trại trước chỉ dẫn, hai anh chị đi gõ cửa từng nhà,bán dạo các thứ như dầu thơm, mùng, dầu nóng...hai anh chị được cấp hàng trước, đến khi bán được mới phải trả tiền buôn hàng. Họ sống đắp đổi qua ngày như vậy, con cái được vào học trong trường. Tuy nhiên, vì là những thành phần vô tổ quốc nên tương lai của gia đình anh rất mù mịt.

Nguyễn Phúc: "Trong thời điểm này nói chung đâu có hy vọng là sẽ đi định cư ở nước nào khác, không nghĩ đến chuyện đó. Cứ nghĩ là sẽ ở Phi luôn, về Việt nam thì không về rồi, mà ở đây thì tới đâu hay tới đó, chỉ lo làm ăn buôn bán nuôi con vậy thôi, không nghĩ đi định cư ở nước thứ ba gì ráo."

Ở thủ đô Manilla một thời gian ngắn, sau đó gia đình anh dọn xuống miền nam, tuy nhiên con số khoảng 2,000 người tỵ nạn trong diện này kẹt lại tại Philippines vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với nhau.

Anh Phúc cho biết: "Ở bên đó sau này còn có chừng 2,000 người, họ đoàn kết với nhau lắm. Nếu xảy ra chuyện gì thì điện thoại qua lại là biết hết. Bên đó họ cũng xài điện thoại cầm tay rồi. Lúc đó, em ở Mindanao, khi có văn phòng của anhTrịnh Hội đặt ở Manila là anh em họ báo cho nhau nên ai cũng biết hết. Lúc nghe tin này và nộp đơn xin đi nước thứ ba là vào năm 2002, nhưng đi định cư là năm 2005."

Khi đặt chân đến nước Mỹ, gia đình anh được chính phủ trợ cấp trong 2 năm. Nhờ có người quen tại bang Virginia, lúc đầu gia đình anh định cư tại đây. Anh bắt đầu kiếm sống bằng nghề xây dựng. Các con anh được vào trường học. Chuyện kẹt lại Philippines cũng có cái may, các con anh đã vào học tiểu học và trung học tại Philippines một thời gian, ở đó chương trình học được giảng dạy bằng tiếng Anh, nên khi vào các trường tại Hoa Kỳ, các em không bị bỡ ngỡ vì ngôn ngữ, và hiện học rất khá.

Khi rời Việt Nam năm mới có 20 tuổi, giờ đây anh đã 41. Vài năm nay nghề xây dựng tại Hoa Kỳ xuống dốc vì nhà cửa không bán được, anh đã đổi nghề. Gia đình anh dọn lên thành phố New York và giờ đây hai anh chị mua một chiếc xe đi bán trái cây tại khu Manhattan. Anh cho biết mùa hè nên bán được, nhưng đến mùa đông thì ế ẩm hơn. Tính trung bình vào mùa này, anh chị kiếm được khoảng 200 đô la một ngày, đủ nuôi gia đình.

Trong khi đó thì anh Thiều Duy Tùng, trốn khỏi Việt Nam năm 1989, bị lực lượng cộng sản đồn trú trên một đảo trong quần đảo Trường Sa bắt và đưa lên một xà lan và bị một số binh lính cộng sản Việt nam trên xà lan canh giữ, sau đó, xà lan bị đứt giây neo trôi giạt ra ngoài hải phận quốc tế làm vướng đường di chuyển của chiếc hàng không mẫu hạm thuộc đệ thất hạm đội của Hoa Kỳ, thế là nguyên nhóm người trên xà lan bị đưa lên chiếc hàng không mẫu hạm, rồi được trực thăng chở vào đất liền tại Philippines. Những người lính cộng sản thì được giao cho đại sứ quán Việt Nam và nhóm người tỵ nạn thì được đưa vào trại Palawan.

Sau khi trại đóng cửa, không muốn trở về Việt Nam nên anh Tùng cũng đi buôn bán dạo sống qua ngày tại thủ đô Manila, và không dám mơ tưởng có một ngày nào được đi định cư ở một quốc gia khác.

Cho đến một hôm anh được tin một số người đồng cảnh ngộ được giúp sang định cư tại Australia.

Thiều Duy Tùng: "Năm 2001, Trịnh Hội có qua bên trại, những người có bà con bên Úc thì anh Trịnh Hội qua giúp, bắt đầu lúc đó là mọi người xôn xao, vì tin tưởng trước sau gì Trịnh Hội cũng giúp cho mình đi.

Và quả thực,anh đã được giúp đỡ để sang định cư tại Hoa Kỳ đầu năm 2006 tại bang Virginia, sát với thủ đô Washington. Bước đầu, trong diện độc thân, anh được chính phủ giúp đỡ trong 8 tháng. Trong khoảng thời gian này anh di học lái xe và học Anh ngữ. Sau đó anh xin làm phụ bếp trong 1 nhà hàng Việt Nam. Qua một thời gian, tiếng Anh khá hơn, anh được giữ chân hầu bàn đỡ cực hơn. Và sau đó nhờ bạn bè giới thiệu, anh đi giao bánh cho một cửa hàng bán pizza, mỗi giờ được 6 đô la 50 cents. Mỗi ngày anh giao khoảng từ 10 đến 15 chiếc bánh cho ai gọi tới tiệm đặt mua. Mỗi khi giao 1 chiếc bánh, anh thường được hưởng tiền tip, trung bình khoảng 3 đô mỗi chiếc, cũng đủ sống cho một người độc thân. Mỗi ngày anh làm chừng 4 tiếng, thời giờ còn lại anh học cắt tóc. Hiện anh, đã đậu bằng thực tập và còn chờ thi viết để sau đó hành nghề.

Khi được hỏi là anh có một ước mơ gì nơi xã hội mới này hay không, anh Tùng trả lời: "Dạ, lớn tuổi rồi không còn mơ ước gì, chỉ coi như là xong cái nghề tóc này ra để kiếm được tiền sinh sống thôi chứ hết ước mơ rồi."

Còn nói về luật sư Trịnh Hội và những người đã cùng anh bắt tay vào một sứ mạng mà lúc đầu ai cũng ngỡ là khó có thể hoàn tất, thì nay số người tỵ nạn tại Philippines đã được đi định cư xong, họ tiếp tục công việc với những đối tượng khác. Luật sư trịnh Hội cho biết vẫn giữ liên lạc với những người đại diện cho số người tỵ nạn kẹt ở Philippines ngày trước, giờ đây thì họ đã được định cư, lại cùng với anh và các cộng sự viên trong nhóm quay sang giúp cho các đồng bào khác.

Trịnh Hội: Ngày xưa ở bên Phi mỗi nơi đều có người đại diện cho các nhóm, rồi khi sang bên đây thì em vẫn liên lạc; mỗi năm chúng em có một cuộc họp mặt cuối năm ở Little Sài Gòn bên Cali và sau này việc làm của chúng em qua chương trình VOICE thì cũng có giúp đỡ những người con gái bị buôn bán ở Campuchia, những trẻ bị buôn bán trong vấn đề tình dục. Tụi em có gây quĩ. Đầu năm nay, tháng hai, tụi em có làm lịch bán gây quĩ. Em nhờ những người tỵ nạn ngày xưa đi sang bên này giúp đỡ, chúng em gây quĩ được khoảng 10 ngàn đô. Mỗi nơi họ bán lịch phụ giúp. Đó là một cách để chúng em giúp đỡ những người còn bị kẹt lại bên Campuhia, bên Thái Lan, cũng như là giữ mối liên hệ mà ngày xưa mình đã có. Ngày xưa ở Philippines thì em cũng nói là sở dĩ có sự hiện diện của văn phòng tại Manila trong suốt bao nhiêu năm là do biết bao nhiêu người bỏ công sức, tiền bạc ra để tranh đấu, đó là nhờ những người đi trước giúp người đi sau, thì em nghĩ là những người tỵ nạn đã đi sang bên đây họ nhớ lại những ngày mà những người đi trước giúp họ, bây giờ họ lại giúp những người vẫn còn kẹt bên Campuchia, Thái Lan. Em nghĩ đó cũng là chuyện bình thường nhưng nó thể hiện từ tâm của người Việt nam mà em rất thích.

Quí vị vừa nghe về trường hợp một số người Việt tỵ nạn tại Philippines từng lâm vào tình cảnh bị coi là vô tổ quốc nay đã được an cư tại một quốc gia thứ ba, và bây giờ những người này lại cùng với luật sư Trịnh Hội và nhóm cộng tác lại quay sang giúp đỡ cho những đồng bào trong tình cảnh kém may mắn khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG