Chính quyền của Tổng thống Obama đã bác bỏ tố cáo của Iran cho rằng Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của họ sau cuộc bầu cử có tranh chấp kịch liệt. Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng lên tiếng bênh vực cho nỗ lực nhằm giữ cho mạng lưới giao tế xã hội Twitter trên internet được tiếp tục hoạt động ở Iran. Từ trụ sở Bộ Ngoại giao, thông tín viên David Gollust của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Các giới chức hàng đầu của chính quyền Obama đã phủ nhận ý định can thiệp vào điều mà họ gọi là một cuộc tranh luận giữa người Iran với nhau về cuộc bầu cử tổng thống và những gì xảy ra sau đó. Họ cũng cho rằng nỗ lực của Bộ Ngoại giao nhằm duy trì dịch vụ Twitter ở Iran là có mục đích bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mọi người Iran.
Chính phủ Iran đã triệu Đại sứ Thụy sĩ ở Tehran, người đại diện cho quyền lợi của Hoa Kỳ ở Iran, để phản đối điều mà họ cho là những tuyên bố có tính chất can thiệp của Hoa Kỳ về vụ rối loạn sau bầu cử ở Iran.
Các phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao đều bác bỏ tố cáo cho rằng Hoa Kỳ can dự vào công việc nội bộ của Iran. Tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman ngày hôm qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng: qua việc cổ xúy cho bầu cử tự do và tranh luận chính trị ở Iran, Hoa Kỳ đang bảo vệ cho những giá trị mà cả thế giới đều công nhận.
Ngoại trưởng Clinton nói: "Nhân dân Iran có quyền đòi hỏi tiếng nói của mình được nghe thấy và lá phiếu của mình được tôn trọng. Kết quả của bất kỳ một cuộc bầu cử nào cũng nên phản ánh ý nguyện của người dân. Và người dân Iran có quyền định đoạt về cách thức giải quyết vụ phản kháng trong nước liên quan tới kết quả cuộc bầu cử mới đây. Nhưng Hoa Kỳ luôn luôn bảo vệ cho giá trị cơ bản về việc tổ chức những cuộc bầu cử tự do, công bằng và khả tín."
Hôm thứ hai, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận là họ đã yêu cầu công ty Twitter đừng tiến hành công tác bảo trì mà họ định thực hiện để bảo đảm là dịch vụ giao tế xã hội này ở Iran không bị gián đoạn.
Dịch vụ Twitter cho phép mọi người dùng máy vi tính, điện thoại di động, và những máy móc tương tự để trao đổi với nhau những lời nhắn ngắn gọn. Trong lúc chính phủ Iran tìm cách ngăn chận việc tường thuật của giới truyền thông về vụ rối loạn sau bầu cử, dịch vụ Twitter đã trở thành một phương tiện chính để những người biểu tình ở Iran liên lạc với nhau.
Ngoại trưởng Clinton, cũng như các giới chức khác của chính phủ Hoa Kỳ, nói rằng hành động liên quan tới Twitter không phải một hành động can thiệp chính trị mà là bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Bà Clinton nói: "Chúng tôi cổ xúy cho tự do diễn đạt. Twitter là một trong những phương tiện diễn đạt. Phương tiện này chẳng những quan trọng đối với người dân Iran mà ngày càng quan trọng đối với mọi người trên thế giới, đặc biệt là những người trẻ. Tôi không rành về Twitter, nhưng rõ ràng đây là một dịch vụ quan trọng. Tôi nghĩ rằng việc giữ cho đường dây liên lạc được thông thoáng để mọi người chia sẻ thông tin, đặc biệt là vào lúc không có nhiều nguồn thông tin khác, là một sự diễn đạt quan trọng về quyền được lên tiếng và quyền tổ chức mà chúng tôi quí trọng.
Một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao nói rằng tin tức báo chí cho thấy cả hai bên của vụ tranh chấp bầu cử ở Iran đã dùng Twitter để tổ chức những cuộc biểu tình.
Ngoại trưởng Clinton cho hay: chính phủ Hoa Kỳ vẫn có ý định đối thoại với Iran bất kể kết quả của vụ tranh chấp bầu cử hiện nay. Bà nói rằng việc chủ động giao tiếp với Iran để giải quyết các vấn đề liên quan tới sự hỗ trợ cho khủng bố của Iran và chương trình hạt nhân của Iran là một việc phù hợp với quyền lợi của nước Mỹ.
Đọc nhiều nhất
1