Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh bênh vực chỉ thị 'Mua hàng Trung Quốc'


Trung Quốc vừa lên tiếng bênh vực cho chỉ thị được gọi là 'Phải Mua hàng của Trung Quốc'. Đây là một qui định mà chính phủ Bắc kinh đã đề ra để dành cho các công ty Trung Quốc quyền ưu tiên, và gần như là độc quyền, trong các hợp đồng về những dự án thuộc kế hoạch kích cầu trị giá gần 600 tỉ đô la. Từ Bắc kinh, thông tín viên Stephanie Ho của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Khi chính phủ Hoa kỳ xem xét tới việc thêm vào kế hoạch kích thích kinh tế của mình một qui định 'Phải mua hàng của Mỹ', Trung Quốc đã cực lực phản đối. Các giới chức ở Bắc kinh nói rằng đó là một hành động mang nặng tính chất bảo hộ mậu dịch và có những hậu quả nguy hại.

Nhưng giờ đây Trung Quốc cũng xúc tiến các hành động nhằm bảo đảm là kế hoạch kích cầu của họ mang lại nhiều lợi ích cho các công ty Trung Quốc.

Trong chỉ thị đề ngày 1 tháng 6, được các cơ quan truyền thông Trung Quốc loan tải hồi đầu tuần này, giới hữu trách Trung Quốc nói rằng các dự án đầu tư của chính phủ phải mua các sản phẩm sản xuất trong nước, trừ phi những mặt hàng hoặc dịch vụ đó không thể kiếm được ở Trung Quốc. Chỉ thị này cũng qui định rằng các kế hoạch nhập khẩu cần phải có sự chấp thuận trước của các cơ quan liên hệ trong chính phủ.

Tại cuộc họp báo thường lệ ngày hôm nay, phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chỉ thị mua hàng Trung Quốc không có tính chất bảo hộ mậu dịch:

Ông Tần Cương nói rằng mục đích của qui định này là duy trì điều mà ông mô tả là một 'hoàn cảnh thị trường có cạnh tranh công bằng'.

Ông nói thêm rằng qui định này phù hợp với luật lệ của Trung Quốc liên quan tới việc mua sắm của chính phủ.

Theo lời ông Tần Cương, luật này không có mục đích phân biệt đối xử với các công ty hay sản phẩm của nước ngoài.

Trước đây trong năm nay, chính phủ Cộng Sản ở Bắc kinh đã cam kết là các mặt hàng trong nước và ngoài nước đều được đối xử bình đẳng trong kế hoạch kích thích kinh tế. Họ cũng hối thúc chính phủ các nước khác hãy hỗ trợ cho tự do thương mại và tránh áp dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG