Đường dẫn truy cập

Bộ ngoại giao Mỹ công bố phúc trình về vấn đề buôn người


Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng công tác chống tệ nạn buôn người ở bên ngoài và bên trong nước Mỹ là một phần quan trọng trong chương trình làm việc của chính quyền Tổng thống Obama. Ngoại trưởng Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố này khi phổ biến một phúc trình của Bộ Ngoại Giao, trong đó liệt kê 17 quốc gia đã không tích cực giải quyết vấn đề này. Từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Thông tín viên đài VOA David Gollust gửi về bài tường thuật sau đây:

Để nhấn mạnh sự quan tâm của chính quyền Hoa Kỳ đối với nạn buôn người, Ngoại trưởng Clinton công bố phúc trình với một cách trịnh trọng trước sự hiện diện của lãnh đạo Quốc hội của cả 2 đảng, và các nhà hoạt động từ Albani và Costa Rica trong số 9 nhân vật từ khắp thế giới được tán dương trong phúc trình như những anh hùng trong hoạt động bài trừ tệ nạn buôn người.

Ngoại trưởng Mỹ nói rằng hoạt động buôn người để sử dụng vào các mục tiêu lao động cưỡng bách, khai thác tình dục và các mục tiêu bất hợp pháp khác theo kiểu ‘nô lệ thời đại mới’ đang lan ra trên toàn cầu và ảnh hưởng đến mọi quốc gia, kể cả Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Clinton nói, các báo cáo thường niên của Hoa Kỳ về vấn đề này, được thực hiện theo yêu cầu của một đạo luật mà Quốc hội thông qua năm 2000, là nhằm khuyến khích các nước phải có hành động tích cực, và nếu cần, thì Hoa Kỳ có thể chỉ trích hoặc đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Ngoại trưởng Clinton nói: “Chúng tôi hy vọng nêu rõ phạm vi và tầm mức của hiện tượng nô lệ trong thời đại mới để tất cả các chính phủ có thể thấy được đã có được tiến bộ ở mặt nào, và mặt nào cần hành động tích cực hơn. Hoạt động buôn người phát triển mạnh trong bóng tối. Và nó có thể dễ dàng bị nhiều người gạt sang một bên, xem đó là chuyện xảy ra cho người khác, ở chỗ khác. Nhưng không phải vậy. Buôn người là một tội ác liên quan đến mọi quốc gia trên thế giới, kể cả trong nước Mỹ.”

Phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ được đúc kết từ các thông tin của các Đại sứ quán , các tổ chức quốc tế và các nhóm phi chính phủ, nhằm đánh giá các nỗ lực bài trừ tệ nạn buôn người của 175 nước. 17 nước trong số này được xếp ở hạng thấp nhất.

Điều phối viên mới đặc trách về bài trừ nạn buôn người của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Luis de Baca, nhấn mạnh rằng điểm cốt yếu để thực hiện mục tiêu này là khuyến khích sự cải thiện tình hình.

Ông De Baca nói: “Phúc trình đã trở thành một công cụ chẩn đoán, thông tin và hướng dẫn các nỗ lực của chúng ta trong khi chúng ta tìm cách xây dựng một sự hợp tác toàn cầu để chống lại hoạt động nô lệ của thời đại mới. Những thành quả đạt được rất rõ. Một số quốc trước đây thuộc nhóm 2, tức là các nước cần theo dõi, hiện nay được xếp vào nhóm 1. Các nước này đã trở thành các quốc gia kiểu mẫu cho khu vực và cho thế giới nhờ vào các nỗ lực trong lãnh vực này. Chẳng hạn như trong số các nước này, tôi đặc biệt rất vui khi thấy Nigeria đã thành lập một đơn vị cảnh sát chống buôn người, và chuyên khởi tố các tội buôn người.”

Trong số nhiều đại biểu Quốc hội dự buổi công bố phúc trình này có Dân biểu Ileanna Ros-Lehtinen, thuộc đảng Cộng hòa, một thành viên trong Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện. Bà Ros- Lehtinen nhấn mạnh đến sự kiện là theo ước tính có đến 80% các nạn nhân bị buôn bán là nữ giới và trong số này một nửa là trẻ em.

Dân biểu Ros-Lehtinen nói: “Tuy nhiên các con số không nói lên được hết tình trạng khủng khiếp nằm sau các số thống kê đó. Các tội ác này không có đường ranh giới. Ở Iran, trẻ em bị buộc làm nô lệ tình dục, phải phục tùng ngoài ý muốn, trong khi các cô gái Iran bị bán sang Pakistan và nhiều nước khác. Phụ nữ từ Nam Á và Đông Nam Á bị bán sang Syria phải làm người giúp việc trong nhà. Và phụ nữ từ Đông Âu và Iraq bị buộc phải hành nghề mại dâm.”

Dân biểu Ros-Lehtinen, một người Mỹ gốc Cuba, đã lên án chính phủ Cuba thật đáng hổ thẹn khi tự quảng cáo mình như một điểm đến của các tour du lịch tình dục, nhằm khai thác một số lớn trẻ em.

Các nhà hoạt động Vera Lesko của Albani và Mariliana Morales Barrios của Costa Rica là 2 trong số 9 nhà hoạt động được ca ngợi trong phúc trình năm 2009 như những anh hùng cuộc chiến đấu chống buôn người .

Bà Morales là người sáng lập một trung tâm phục hồi ở Costa Rica, giúp trên 3 ngàn nạn nhân bị buôn bán. Bà đã khẩn thiết kêu gọi các chính phủ tài trợ cho các tổ chức giống như tổ chức của bà, và thúc giục mọi người hãy nhớ đến ‘tất cả các nạn nhân mà bà gọi là đã chết mà không có một tiếng nói để bênh vực cho họ.’


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG