Đường dẫn truy cập

GM khai phá sản


Mới đây công ty ô-tô General Motors đã nộp hồ sơ khai phá sản. General Motors là công ty thứ hai trong nhóm 3 đại công ty ô-tô của Mỹ khai phá sản để xin được khất nợ và tiếp tục hoạt động. Trước đó vào ngày 30 tháng 4, hãng Chrysler đã khai phá sản. Hiện Chrysler đang dự tính phải nhanh chóng rút khỏi tình trạng phá sản và đang chờ phán quyết của tòa. Thông tín viên Mario Ritter của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ có bài tường trình sau đây:

General Motors, còn gọi tắt là GM, đã dẫn đầu ngành ô-tô thế giới 77 năm trong lịch sử 100 năm của hãng này. Năm ngoái hãng Toyota đã vươn lên dẫn đầu.

Không phải mọi hoạt động của General Motors đều thua lỗ. Các hoạt động của GM ở châu Á và châu Mỹ La Tinh vẫn tăng trưởng và có lời trong thời gian qua. Tuy nhiên vụ khai phá sản mới đây không làm mấy ai ngạc nhiên.

Số nợ của General Motors hiện lên đến 172 tỉ đôla. Nay các chủ nợ phải chờ xem ai sẽ được trả nợ, và được trả bao nhiêu. Đây là vụ khai phá sản lớn thứ tư tại Hoa Kỳ, và là vụ lớn nhất trong lãnh vực sản xuất. GM hy vọng vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng.

Chính phủ Mỹ dự tính sẽ đầu tư 30 tỉ đôla vào hãng xe này, cộng với 20 tỉ đã cho công ty này vay trước đó. Đổi lại, chính phủ, tức đại diện cho người thọ thuế Mỹ, sẽ nắm giữ 60% cổ phần trong công ty General Motors sẽ được tái cơ cấu và thu nhỏ hơn.

Canada và Liên đoàn Lao động ngành Ô-tô Hoa Kỳ cũng sẽ sở hữu một phần trong công ty General Motors được tái tổ chức.

Tuy nhiên hôm thứ hai, Tổng thống Obama đã nói rõ rằng ông muốn hạn chế sự can thiệp vào hoạt động của công ty ô-tô mà nay có nhiều người gọi là công ty 'Ô-tô nhà nước' này.

Tổng thống Obama nói: “Tóm lại mục tiêu của chính phủ là giúp cho General Motors nhanh chóng tự đứng vững trở lại. Chính phủ áp dụng chính sách không can thiệp, và nhanh chóng rút khỏi doanh nghiệp.”

Tuy nhiêu liệu tất cả những chính sách đó khả thi hay không. Các chuyên gia nhận định rằng có một điều đáng ngại là các nhà lập pháp sẽ tìm cách can thiệp vào những quyết định của công ty, chẳng hạn như quyết định chọn nơi nào để xây hãng xưởng mới.

Một điều đáng quan ngại nữa là các đối tác thương mại của Hoa Kỳ có thể xem việc chính phủ cứu công ty General Motors là một hình thức bao cấp của nhà nước vốn bị các hiệp ước tự do thương mại ngăn cấm.

Chỉ có một đại công ty còn lại trong nhóm 3 đại công ty ô-tô của Detroit là chưa nhận trợ giúp của chính phủ, đó là Ford Motor. Tuy nhiên các nước khác, nhất là ở châu Âu, các chính phủ cũng có nhiều hành động để cứu thị trường việc làm trong ngành ô-tô của họ.

Ông Bruce Belzowski, một nhà nghiên cứu về giao thông vận tải của đại học Michigan, nói rằng một câu hỏi lớn được đặt ra là tâm lý của người lao động sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào.

Người lao động phải tin tưởng vào công ty General Motors mới. Và tất nhiên sản phẩm của công ty mới này phải đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, và đồng thời cũng phải đáp ứng được những quy định mới của chính phủ về tiết kiệm nhiên liệu.

Để giảm chi phí sản xuất, hãng GM dự tính sẽ đóng cửa thêm một số hãng xưởng, và cắt giảm thêm số việc làm từ đây cho đến năm 2011. Công ty này cũng sẽ đóng cửa hơn một ngàn đại lý từ đây cho đến cuối năm tới.

Trong khi đó hãng Chrylser dự tính sẽ sớm đóng cửa khoảng gần 800 đại lý trên toàn nước Mỹ.

Các hãng sản xuất ô-tô đã bênh vực cho kế hoạch của họ trước quốc hội hôm thứ tư khi các đại lý giận dữ phản đối kế hoạch của họ.

General Motors dự trù sẽ bán hoặc ngưng hoạt động các phân bộ sản xuất kiểu xe Saturn, Saab, và Pontiac, và cũng có thể bán thương hiệu xe Hummer cho một công ty thiết bị nặng của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG