Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm 'Ngày D' tại Viện bảo tàng về Thế chiến thứ II


Một trong những diễn biến chính để kỷ niệm lần thứ 65 ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên nước Pháp, sẽ được tổ chức tại Viện bảo tàng quốc gia về Thế chiến thứ II tại thành phố New Orleans, bang Louisiana. Trong số những người tham dự lễ hội sẽ có khoảng vài trăm cựu chiến binh trong cuộc đổ bộ ngày D và những người tham dự các trận khác trong Thế chiến thứ II. Thông Tín Viên Greg Flakus của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tường trình về câu chuyện này như sau:

Cách đây đúng 65 năm, cuộc đổ bộ thành công của quân đội đồng minh vào bờ biển Normandy của Pháp đã đánh dấu bước khởi đầu cho ngày tàn của Hitler và Đức Quốc Xã. Cuộc đổ bộ này vang dội đến độ trong sách lịch sử, người ta chỉ cần nói đến ngày D thì ai cũng hiểu.

Nhiều người trẻ tuổi bây giờ chỉ biết ngày D qua sách vở hoặc phim ảnh, số người còn sống khi ngày D xảy ra ngày càng ít đi, và những người thực sự tham gia vào ngày này lại càng ít hơn nữa.

Phó chủ tịch Bảo tàng quốc gia về Thế chiến thứ II, ông Sam Wegner nói rằng kỷ niệm 65 năm ngày D là một cơ hội để vinh danh những người từng tham dự vào cuộc chiến và vẫn còn sống đâu đây.

Ông Wegner nói: “Có 16 triệu người Mỹ phục vụ trong quân đội trong Thế chiến thứ II và hiện nay chỉ còn lại không tới 2 triệu người. Những cựu chiến binh này đang chết dần với tỉ lệ 900 người mỗi ngày.”

Ông Wegner cho biết thêm là những sự kiện diễn ra tại viện bảo tàng nhân ngày 6 tháng 6 bao gồm một buổi lễ chú trọng đến những cựu chiến binh còn sống sót và gia đình của họ.

Ông Wegner nói: “Vào chiều ngày thứ Bảy chúng tôi sẽ tổ chức một buổi lễ gọi là 'Tụ hội của một Thế hệ vĩ đại, điểm danh những người Mỹ chiến đấu trong Thế chiến thứ II.' Chúng tôi mời những cựu chiến binh Thế chiến thứ II và gia đình của họ, và trong một vài trường hợp chúng tôi chỉ mời được bà con của cựu chiến binh, vì những người cựu chiến binh đó đã qua đời.”

Một trong những cựu chiến binh của cuộc hành quân ngày D sẽ có mặt tại buổi lễ tại viện bảo tàng là ông Tom Blakey, 89 tuổi, quê tại Houston. Ông Tom Blakey thuộc sư đoàn nhảy dù 82, lúc bấy giờ mới 22 tuổi, đã nhảy dù xuống miền Bắc nước Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1944.

Nói chuyện với Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ qua điện thoại, ông kể lại những ngày chiến đấu ác liệt khi ông và đồng đội đánh chiếm một cây cầu quan trọng và bảo vệ cây cầu này. Khi nghĩ đến những chiến sĩ chiến đấu và chết tại đây, ông đặc biệt nghĩ đến một bạn đồng ngũ có tên là Bob Richey, quê quán tại San Francisco.

Ông Blakey nói: “Bob là một người tuyệt vời. Chúng tôi đã trải qua một thời gian lý thú trong quân ngũ. Nhóm chúng tôi có 3 người, cả 3 làm được rất nhiều việc. Về sau, Bob đã hy sinh trong trận đánh tại Bastogne. Tôi biết được tin này này từ một số binh sĩ tại đó. Họ nói rằng trong trận này có một đơn vị gồm 6 người Mỹ đã giết được rất nhiều quân Đức, xác chất thành đống. Đó là chứng cứ rõ ràng là những người lính Mỹ đã chiến đấu dũng cảm trước khi hy sinh.”

Ông Blakey nói thêm là có nhiều lúc trong chiến đấu ông tự hỏi tại sao ông lại có mặt ở đó và tại sao có những đổ máu và thống khổ như Thế. Thái độ này của ông đã biến mất khi ông giúp giải thoát những người trong một trại tập trung và chứng kiến sự giết chóc tàn bạo của Đức Quốc Xã. Tuy nhiên ông Blakey cho biết là ông cảm thấy không được thoải mái khi mọi người gọi ông là anh hùng.

Ông Blakey giải thích: “Tôi không có nghĩ là tôi làm điều gì bất thường hay phi thường. Chúng tôi cần phải làm điều gì đó và chúng tôi đã làm. Chỉ giản dị như vậy thôi. Có 400 ngàn binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Thế chiến thứ II và họ là những người anh hùng. Tôi chỉ là một trong những người may mắn trở về mà thôi.”

Ông Tom Blakey và vài trăm cựu chiến binh cùng trang lứa về dự kỷ niệm ngày D tại Viện bảo tàng Thế chiến thứ II tại New Orleans vào hai ngày cuối tuần này.

Kể từ khi được thành lập cách đây 9 năm, viện bảo tàng kỷ niệm ngày D ở New Orleans đã tiếp nhận hơn 2 triệu khách đến thăm, trong đó có nhiều cựu chiến binh và gia đình. Viện bảo tàng này trưng bày những vũ khí và vật dụng dùng trong Thế chiến thứ II cũng như hàng ngàn câu chuyện kể của các cựu chiến binh được lưu trữ trong thư khố lịch sử.

Vào năm 2003, Quốc hội Hoa Kỳ cấp quy chế bất vụ lợi cho Viện bảo tàng này và bây giờ bảo tàng này lưu trữ chẳng những các di vật về Thế chiến thứ II của người Mỹ, mà còn những gì của châu Âu và khu vực Thái bình dương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG