Mới đây, ban Việt ngữ đài VOA có một bài viết về tình trạng báo in xuống dốc tại Hoa Kỳ. Để đối phó với tình trạng này, trong mấy ngày qua, nhiều công ty xuất bản báo in đã cho công bố dự tính thu tiền độc giả vào trang mạng của báo, để tìm cách cứu vãn tờ báo in. Cứu vãn được hay là gây thêm tai họa cho tờ báo? Câu chuyện nước Mỹ hôm nay sẽ tường thuật về những lý lẽ mà các công ty truyền thông đưa ra khi quyết định sẽ tính tiền độc giả vào trang mạng của họ. Mời quí thính giả theo dõi với Lan Phương sau đây.
Báo in tại Hoa Kỳ ngày càng làm ăn lụn bại vì mất độc giả về tay báo mạng. Thế nhưng tờ the Arkansas Democrat-Gazette là một trường hợp hiếm hoi trong số những tờ báo lớn tại nước này, vì số báo bán được vào những ngày trong tuần lại tăng lên so với hơn một thập niên qua. Tờ the Post Register tại bang Idaho cũng vẫn giữ được nguyên số báo in phát hành hàng tuần.
Chủ nhiệm của hai tờ báo may mắn này cho biết là do họ chỉ cho độc giả đọc báo mạng của họ miễn phí với điều kiện là phải mua báo in dài. Vì vậy hiện nay rất nhiều công ty sở hữu các tờ báo như Newsday, tờ the Denver Post và 53 tờ báo in khác, đã công bố dự tính sẽ tính tiền độc giả vào báo mạng của họ.
Và một công ty mới thành lập có tên là Journalism Online đang thiết lập một hệ thống để bán cho những người ghi tên hàng tháng đọc các bài báo do công ty lấy từ nhiều trang mạng của nhiều tờ báo, bắt đầu vào mùa thu năm nay. Những tờ báo tham gia vào dự án của công ty Journalism Online sẽ được chia lợi nhuận.
Những tờ báo này hy vọng rằng tính tiền độc giả đọc báo mạng sẽ bớt được một lý do khiến độc giả ngưng đặt mua dài hạn báo in, vì sẽ có ít người hơn đưa ra câu hỏi 'tại sao tôi lại phải bỏ tiền mua báo in trong khi tôi được đọc báo này miễn phí trên internet?'.
Mặc dù mục quảng cáo đăng trên báo in không thu hút được nhiều khách hàng như trước nữa, song giá cả của nó vẫn gấp khoảng 10 lần giá quảng cáo trên mạng. Người ta hy vọng rằng tiền thu từ những độc giả ghi tên đọc báo mạng sẽ chủ yếu giúp duy trì tình trạng sống còn của báo in.
Nếu biện pháp tính tiền độc giả đọc báo mạng đem lại hiệu quả nó sẽ giúp cứu chữa được tình trạng mất đi 11 tỉ 600 triệu đô la tiền quảng cáo trong 3 năm qua của báo in. Nhưng sách lược này lại có thể làm mất số độc giả báo mạng và mất đi số quảng cáo trên mạng vào một thời điểm mà các ngân quĩ dành cho quảng cáo đang được chuyển sang cho internet.
Một cựu chủ biên nhật báo in, ông Alan Mutter, hiện là một chuyên viên tham vấn và là một nhà viết blog, cho rằng những quyết định vào thập niên 1990 cho độc giả đọc miễn phí hầu hết các tờ báo trên mạng là một 'tội lỗi nguyên thủy'. Nhưng có muốn ăn năn hối cải sửa chữa tình trạng này cũng không dễ.
Vào thời điểm này, cho dù các báo có tính tiền độc giả trên mạng hay không thì đã có những nguồn tin tức miễn phí trên internet từ các trang Web lớn như Yahoo, Google, MSN hay AOL rồi. Những trang này trả tiền để mua quyền đăng các tin và những bài từ các hãng tin như Associated Press (AP) và nhiều nguồn khác. Những người viết blog và các ký giả công dân có phần chắc sẽ tiếp tục loan tải các tin tức mà họ có được trên các trang web miễn phí của riêng họ. Đối với một số người đọc báo mạng không muốn trả lệ phí thì những tin tức rút gọn như thế cũng đủ cho họ rồi.
Ông Rupert Murdoch, Chủ tịch công ty truyền thông News Corp, sở hữu một trong những tờ báo lớn, tờ The Wall Street Journal, tính tiền các độc giả đọc tờ báo này trên mạng, cho biết lợi tức thu được từ quảng cáo trên báo mạng mà ban điều hành hy vọng sẽ bù đắp vào lợi tức sa sút của báo in, sẽ không đủ.
Giữa lúc lợi tức thu về từ dịch vụ quảng cáo trên mạng ngày càng kém đi, chủ nhiệm các tờ báo đang suy nghĩ xem tính tiền độc giả vào báo mạng sẽ có lợi hay không, hay làm như thế chỉ khiến độc giả lập tức ngưng không đọc tờ báo của họ trên mạng nữa.
Tình hình hiện nay khá cấp bách để nhiều báo phải đưa ra quyết định dứt khoát. Vào lúc này một số công ty phát hành báo như Tribune Co, đã phải nộp đơn xin bảo vệ theo luật phá sản. Những đại công ty khác như EW Scripps Co. và Hearst Corp, đã ngưng phát hành nhiều nhật báo in tại các thành phố lớn. Trong khi đó, nhiều tờ báo in khác đang vất vả tìm cách sống còn bằng cách giảm ngày làm việc của nhân viên, cắt lương, thải người hay áp dụng giải pháp cho nhân viên một số tiền để họ chịu nghỉ hưu.
Riêng về các báo tiếng Việt tại Hoa Kỳ thì có lẽ vấn đề này chưa được đặt ra. Ban Việt ngữ đài VOA đã tiếp xúc với cô Quyên Trần, đại diện tờ Việt Báo tại nam California. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện giữa cô và đài VOA.
VOA: Tờ Việt Báo một ngày bán được bao nhiêu ấn bản và lượng người vào online là bao nhiêu?
Quyên Trần: Việt Báo mỗi ngày phát hành 25,000 copy, còn Việt Báo online thì mỗi phút có từ 1,200 đến 1,500 người vào xem.
VOA: Báo mạng có ảnh hưởng gì đến số báo in bán ra của Việt Báo không?
Quyên Trần: Thời gian về sau này thì càng ngày số lượng người vào mạng xem càng tăng nhiều. Báo in tại chỗ thì không ảnh hưởng, còn báo gửi đi cho các tiểu bang khác thì cũng có giảm sút chút đỉnh vì người ta lên online đọc nhiều rồi.
VOA: Số người vào mạng làm ảnh hưởng tới một phần báo in, vậy Việt Báo có tính đến chuyện tính tiền độc giả vào báo mạng hay không?
Quyên Trần: Trong thời gian này, ban giám đốc không nghĩ đến chuyện đó, tại vì tuy có ảnh hưởng nhưng cái phần để quảng bá những tin tức, bài vở của cộng đồng thì lại mạnh hơn nhiều thành gia ban giám đốc chủ trương không tính tiền độc giả vào mạng xem.
VOA: Hiện giờ thì đa số các báo Mỹ đang dự định tính tiền độc giả vào báo mạng của họ để cứu tờ báo in, ý kiến của cô như thế nào. Cô ủng hộ hay chống biện pháp tính tiền độc giả đọc báo mạng?
Quyên Trần: Riêng ý kiến của em, nhất là phần tính tiền của báo Mỹ thì em không chống đối, là tại vì chi phí của họ thực sự quá nặng giống như mình thường nói, thuyền lớn thì sóng lớn. Báo Việt Ngữ mình còn là thuyền nhỏ nên sóng nhỏ. Thành ra nếu họ có thu tiền, miễn là đừng có thu nhiều quá, làm độc giả không có điều kiện để xem nhiều hơn. Chứ còn họ thu tiền để cứu nguy tờ báo giấy của họ thì điều đó cũng có thể chấp nhận.
Đọc nhiều nhất
1