Đường dẫn truy cập

Thái Lan hy vọng bài trừ tham nhũng với luật mới


Chính phủ Thái Lan hy vọng là một luật mới được ban hành sẽ kiềm chế sự tham nhũng của các viên chức nhà nước. Tuy nhiên theo như tường trình của Thông tín viên Ron Corben từ Bangkok, nhiều chuyên gia chuyên về sự rủi ro trong doanh thương có nhận xét là mối quan tâm chính trong việc chống tham nhũng tại Thái Lan nằm trong quyết tâm chính trị và sự ổn định của chính phủ.

Thái Lan đang ban hành nhiều luật lệ nghiêm khắc nhằm kiềm chế tham nhũng trong các công sở. Những đạo luật mới đưa ra những biện pháp uyển chuyển trong việc truy tố những nghi can trong một quốc gia được coi là một trong những nước tham nhũng nhất châu Á.

Giáo sư Pakdee Pothisiri là một thành viên của Ủy ban Chống Tham nhũng quốc gia. Ông cho biết là luật mới sẽ vượt qua được những khiếm khuyết của những đạo luật chống tham nhũng cũ. Ông cho biết một trong những bước quan trọng của luật mới là cho phép bất cứ người nào biết có sự tham nhũng đều được phép nêu vấn đề này trước ủy ban.

Ông tỏ ý tin tưởng về điều này và những thay đổi khác có thể giúp củng cố thêm cuộc đấu tranh chống hối lộ.

Ông Pakdee nói: “Tôi tin tưởng như thế vì hiến pháp mới và hành động cơ bản sắp được biểu quyết thành luật, và cũng vì chiến lược chống tham nhũng của quốc gia. Điều mà chúng tôi kêu gọi là mọi người thuộc mọi lãnh vực, hãy hợp tác với chúng tôi để đối phó với tham nhũng.”

Theo luật hiện hành thì chỉ những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tham nhũng mới được quyền đệ đơn khiếu nại.

Một cuộc thăm dò do công ty Cố vấn về Rủi ro Chính trị và Kinh tế có trụ sở tại Hong Kong xếp Thái Lan trên Indonesia trong mức độ tham nhũng bậc nhất tại châu Á. Singapore và Hong Kong được coi như là ít tham nhũng nhất.

Giám đốc điều hành của công ty này, ông Bob Broadfoot tuyên bố là tham nhũng tại Thái Lan đã châm ngòi cho những bất ổn về chính trị tại nước này trong những năm gần đây. Tuy nhiên ông Broadfoot nghi ngờ về việc thay đổi luật lệ có thể làm giảm thiểu vấn đề tham nhũng một cách đáng kể hay không.

Ông Broadfoot nói: “Họ có thể ban hành những điều mà họ nói vào năm 2007, tuy nhiên Thái Lan đã thực hiện được bao nhiêu thay đổi trong chính phủ kể từ năm 2007 vì bên này hay bên kia đưa ra các cáo buộc tham nhũng? Và điều này không liên hệ gì cả đến tầm vóc của tham nhũng mà chính vấn đề tham nhũng có thể buộc phải thay đổi chính trị mới là điều những nhà đầu tư quan tâm.”

Ông Broadfoot cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài do dự không muốn vào Thái Lan vì môi trường kinh doanh mất ổn định cả về phương diện chính trị lẫn xã hội. Những nhà lãnh đạo của cuộc đảo chánh quân sự năm 1991 và 2006 tuyên bố là họ hành động để lật đổ các chính phủ tham nhũng.

Ông Broadfoot nhận xét thêm là vấn đề tham nhũng chính tại Thái Lan là do nơi các chính trị gia hơn là các công chức nước này.

Ông Broadfoot nói: “Nói chung, công chức tại các bộ ở Thái Lan làm việc rất tốt. Họ được sự kính trọng của người dân. Nhưng các chính trị gia thì lại ít được kính trọng.”

Những luật lệ mới đang được thông qua khi chính phủ Thái bắt đầu việc chi tiêu 22 tỉ đô la để kích thích nền kinh tế đang xuống dốc. Ủy ban chống tham nhũng của ông Pakdee cho biết là chính phủ cần phải thực hiện lối quản trị về rủi ro để đảm bảo là tham nhũng không hút mất số tiền này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG