Đường dẫn truy cập

Bộ sưu tập tại Ðài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam


Mỗi năm có hàng triệu người tới viếng Bức Tường Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Chiến tranh Việt nam. Và họ thường để lại đó những kỷ vật để viếng, để tự hàn gắn vết thương trong lòng mình, hay giống như để nói lời giã biệt với hàng ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đã bỏ mình trong hơn một thập kỷ chiến tranh. Phái viên Kavitha Cardoza của đài VOA thăm viếng nơi lưu trữ bộ sưu tập những kỷ vật đó và gửi về bài tường trình sau đây.

Mỗi buổi sáng, các nhân viên công viên lại tới lượm lặt những kỷ vật mà những người thăm viếng đã để lại nơi bức Tường Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam, rồi đem tới cho cho ông Duery Felton. Ông tự hào là người bảo tồn bộ Sưu Tập kỷ vật tại Bức tường Việt Nam tại Washington D.C. từ 18 năm nay. Kể từ khi Đài Kỷ Niệm này hoàn tất vào năm 1982, số kỷ vật sưu tập được đã lên tới 100 ngàn.

Ông Felton mở khóa chiếc tủ kính đầy những kỷ vật, mỗi cái được đính một con số duy nhất. Bàn tay mang găng màu trắng của ông thận trọng với vào trong tủ

Ông Felton nói: “Tôi phải cẩn thận lắm đó. Đây là một chai sâm banh với 2 cái ly. Vẫn còn nguyên cặn. Tôi chưa muốn rửa vì nó nói lên biết bao điều . Còn đây là chiếc Huân chương Danh Dự duy nhất mà người nhận tự nguyện trả lại cho chính phủ Liên Bang. Người được biểu dương là một vị Tuyên úy tại Việt nam và ông đã cứu sống được khoảng 18 mạng người. Và mặc dù ông giao lại cái huy chương tôi vẫn tự hỏi ông ấy có còn lưu luyến cái gì không, bởi vì cái huy chương bị thiếu một thứ, phải có một sợi ruy băng buộc vào nó. Có cả những bằng cấp và những tua cột theo nón tốt nghiệp với mảnh giấy đính kèm: “cái này dành tặng bố đó. Tất cả mọi vật dụng để lại chân bức tường đều không nêu danh tính. Rất hiếm khi chúng tôi hiểu được tại sao người nào đó đã hành động như vậy. Thật tình chúng tôi chỉ nhìn thấy, chúng tôi đứng phía sau họ và thấy họ để lại những kỷ vật.”

Trong một gian phòng điều hòa nhiệt độ thuộc cơ sở bảo tồn, ông Felton bước qua nhiều dãy hộp nhựa nhỏ màu xanh đựng những kỷ vật mà những người viếng đã để lại chân bức tường, từ những cuốn sách mà các quân nhân thích đọc cho tới những cọng dây kẽm gai cho biết đó là những tù nhân chiến tranh hoặc những quân nhân mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ.

Ông Felton dừng lại trước một cái hộp gỗ nhìn giống như một chiếc quan tài và nói: “Bạn biết không chính phủ Hoa Kỳ đang hợp tác với chính phủ Việt nam trong việc thu lượm lại những vật dụng tại các địa điểm máy bay rớt. Đây là một mảnh từ chiếc phi cơ trực thăng mà Trung sĩ Jerry Elliot lái vào năm 1968, mảnh sắt lượm được từ nơi trực thăng bị rớt. Một người nào đó đã bỏ lại nó. Chúng tôi còn có rất nhiều thứ được để lại cho những nữ y tá. Có ít nhất 7 ngàn phụ nữ, phần đông họ phục vụ tại một cơ sở y tế. Và đây là một ống nghe tim nhỏ màu hồng!”

Ông Felton kể tiếp: “Phải. Tôi nghe các nữ y tá cho biết tuy họ bị bắt buộc phải mặc đồ trận trong rừng, những phía trong họ vẫn mặc những đồ lót yểu điệu nhất bởi vì họ luôn muốn tự nhắc nhở mình họ là phụ nữ, và họ thường xịt nước hoa rất nhiều.”

Ông Felton cho biết bất kỳ khi nào có một cuộc triển lãm, ông đều yêu cầu đưa ra những hình ảnh của thời đó. Ông muốn mọi người hiểu rằng các quân nhân và liệt sĩ lúc đó còn rất trẻ. Theo thống kê thì tuổi trung bình của một binh sĩ bộ binh tại Việt nam vào khoảng 19.

Ông đưa ra một tấm hình từ Trung tâm Huấn luyện Hải quân tại Great Lakes bang Illinois và nói: “Không có ngày tháng. Nhưng những người này dù ở nơi đâu họ vẫn như vĩnh viễn thuộc về thời điểm đó. Họ trẻ mãi, và có lẽ mãi mãi vô tư. Tôi không biết rõ Hải quân, nhưng tôi muốn mọi người hiểu rằng những người này dù ở đâu họ cũng vẫn như còn sống, họ có gia đình, và tôi muốn người ta hiểu rằng cái chết không bao giờ là cô đơn. Nó tạo ra một vòng hướng về một tâm điểm. Khi một người lìa đời, cái vòng hướng vào vợ, con, cháu và bạn bè của họ.”

Khi được hỏi về những kỷ vật mang tính phản chiến, ông Felton đưa ra một vài món, một cái thẻ trưng binh bị xé vụn. Một thanh gươm của sĩ quan hải quân bị bẻ làm đôi. Và một cái gì đó mang ý nghĩa “không bao giờ nữa”.

Ông Felton nói, ngược lại với thông lệ là lịch sử được viết từ trên xuống dưới, bộ sưu tập này được viết bởi mỗi con người thường ngày và được chính công chúng bảo tồn. Theo ông Felton, tất cả niềm rung cảm trong cuộc sống đều được cảm nhận trong bộ sưu tập này. Nó không phải chỉ là sự chết nó là sự vinh danh đời sống. Ông so sánh bộ sưu tập này với một tác phẩm văn học lớn.

Lúc các kỷ vật mới được đem đến, chúng được để riêng để đảm bảo không có côn trùng bám vào hủy hoại. Hàng trăm lá cờ Mỹ khách viếng thăm để lại được tặng cho các trường học, và những thứ khác đều được xếp loại cẩn thận.

Bà Lisa Ricketts liệt kê các thứ vào cơ sở dữ kiện của máy tính. Sau đó chúng được bỏ vào hộp cất trong kho, ngoại trừ một số thường được đem ra trưng bày.

Bà cầm lên những tấm huy chương, một cái mũ, những lá thư từ bè bạn. Bà nói phần gay go nhất của công việc là đọc những lá thư được để lại.

Bà Ricketts nói: “Những lá thư do những người mẹ hoặc những người bạn gái của những năm 60. Những bà mẹ viết cho con trai con gái nhưng thư bị trả lại. Những lá thư từ những người tình nói về lần sau cùng họ gặp nhau, họ cùng uống bia trên đồi. Họ thề non hẹn biển rằng mãi mãi sẽ thuộc về nhau và sẽ có con với nhau. Tôi vô cùng xúc động.”

Ông Duery Felton nói bức Tường Tưởng Niệm, với cơ hội có thể để lại những kỷ vật, giúp đất nước này có thể được hàn gắn một cuộc xung đột gây nhiều phân hóa. Nhưng đó chỉ là một phần câu chuyện.

Ông Felton nói, những thứ chúng ta nhìn thấy là những cái cụ thể có thể nhìn thấy, sờ thấy, đếm được. Nhưng, theo ông, còn có những thứ người ta không hề để lại chân bức Tường Việt Nam. Có những người đến đó, nhưng không để lại gì cả. Nhưng họ cũng là một phần của ký ức và là phần chúng ta không thể nào xác định được.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG