Đường dẫn truy cập

Việt Nam thừa nhận có 'khiếm khuyết' về nhân quyền


Giới hữu trách Việt Nam thừa nhận ‘có khiếm khuyết’ và ‘sai lầm’ về nhân quyền nhưng bác bỏ những lời tố cáo về việc đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến và những khối dân thiểu số.

Theo tường thuật của hãng thông tấn Reuters, Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh đã thừa nhận như thế hôm thứ 6 trong lúc trình bày báo cáo nhân quyền Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneve.

Báo cáo này được soạn thảo và trình bày trong khuôn khổ của cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ cập UPR (Universal Periodic Review) - là cơ chế để duyệt xét 4 năm một lần về vấn đề thực hiện quyền con người tại toàn bộ 192 thành viên Liên hiệp quốc.

Theo lời ông Phạm Bình Minh, Việt Nam hiện nay ‘vẫn còn những bất cập, khó khăn tồn tại cần giải quyết, trong đó hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, có chỗ chồng chéo mâu thuẫn, chưa theo kịp thực tiễn, dẫn đến khó khăn, thậm chí hiểu sai làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi và minh bạch trong quá trình đảm bảo quyền con người.’

Tuy nhiên, người làm trưởng phái đoàn Việt Nam tại diễn đàn nhân quyền thế giới này đã bác bỏ những tố cáo cho rằng Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến, ngược đãi các sắc dân thiểu số, không tôn trọng tự do tôn giáo, và bóp nghẹt các quyền tự do ngôn luận và tự do bày tỏ tư tưởng.

Ông Phạm Bình Minh cho rằng những tố cáo đó là có ác ý và ‘dựa trên thông tin sai lệch, phản ánh không khách quan tình hình dân chủ và đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.’

Ông Võ Văn Ái, Phó Chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền Thế giới, là Chủ tịch của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, trụ sở đặt tại Paris. Ông nói rằng sự thừa nhận của ông Phạm Bình Minh không có ý nghĩa gì vì Hà nội vẫn tiếp tục đưa ra lời biện minh cố hữu là những sai lầm chỉ phát sinh từ cấp điều hành hoặc các viên chức địa phương trong khi thủ phạm là chính sách của giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam.

Ông nói thêm rằng chính phủ Việt Nam nên lắng nghe những lời phê phán của những người quan tâm tới tình hình nhân quyền Việt Nam, thay vì cứ một mực phủ nhận như bấy lâu nay.

Ông Ái nhận xét: “Theo lời giáo đầu của ông Thứ trưởng Phạm Bình Minh thì ông sẵn sàng trả lời ngay cả những câu hỏi đã viết trước gửi cho phái đoàn Việt Nam, nhưng khi những gì có tính chất phê phán như những sự tố cáo của những tổ chức phi chính phủ quan trọng trên thế giới Human Rights Watch, Ân xá Quốc tế, hay Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam thì trên những báo cáo với chứng liệu rất chi tiết và rõ ràng thì ông Phạm Bình Minh lại nói rằng những phúc trình đó vô căn cứ và ông bác bỏ những luận điệu xấu khi đề cập đến nhân quyền Việt Nam. Tôi nghĩ luôn luôn là những lời ca tụng chủ quan thì không thấy ông bác bỏ, nhưng những lời phê phán chân thành và mong xây dựng thì ông lại bác bỏ. Tôi hy vọng rằng nếu nhà cầm quyền Việt Nam chịu lắng nghe những phê phán, đòi hỏi đặc biệt những khuyến cáo mà Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển, Đan Mạch đưa ra thì chắc chắn nhân quyền Việt Nam sẽ được cải tiến.

Khi được hỏi về nhận định của một số phái đoàn Tây phương tại cuộc họp ở Geneve cho rằng Việt Nam đã có tiến bộ trong một số lãnh vực của các quyền chính trị và dân sự, như tự do tôn giáo, ông Võ Văn Ái cho biết ý kiến như sau:

“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải chấp nhận một ngôn ngữ ngoại giao ở tại diễn đàn Liên hiệp quốc, rất lịch sự. Người ta có thể chất vấn, có thể khuyến cáo, nhưng lời lẽ bao giờ cũng giáo đầu bằng những lời khen. Đặc biệt, tôi thấy rằng sau khi phái đoàn Việt Nam phát biểu thì có hàng loạt các quốc gia ca tụng cái sự thành công của Việt Nam về giáo dục, về hố giàu nghèo được khỏa lấp. Họ khen hết sức. Bởi vì ở trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc có một nhóm 19 quốc gia gọi là nhóm cực quyền. Những nước đó luôn luôn bênh vực nhau, thành ra có một số quốc gia ca tụng rất lớn bản phúc trình của Việt Nam. Nhưng có một số nước khá quan trọng như Thụy điển, Đan mạch, Na-Uy, Anh quốc, Canada, Ý, Pháp vân vân tuy cũng giáo đầu là ca tụng đã có tiến bộ, nhưng sau đó có sự phê phán mạnh mẽ và chi tiết về quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, đặc biệt là các điều khoản về an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình sự cũng như nhắc nhở tới điều mà ít ai nhắc tới là Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những người đấu tranh cho nhân quyền được Liên hiệp quốc thông qua năm 1998. Nếu chúng ta nghe được những lời sau lời ca tụng, thoa vuốt thì chúng ta mới thấy rằng hầu như là tất cả các nước Âu Mỹ Á đều không bằng lòng với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Theo thông cáo báo chí hôm mồng 8 tháng 5 của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, trong cuộc thảo luận 3 giờ đồng hồ về báo cáo nhân quyền của Việt Nam các phái đoàn đã ghi nhận về một số những thành tựu tích cực của Việt Nam, như chủ động giao tiếp với cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền, ra sức cải thiện tình trạng của các sắc dân thiểu số, cải cách hệ thống luật pháp, và vài nước đã ca ngợi sách lược giảm nghèo của Việt Nam và những tiến bộ đạt được trong lãnh vực phát triển kinh tế xã hội.

Thông cáo này cũng đề cập tới một số khuyến nghị từ các phái đoàn của các nước và tổ chức, kêu gọi Việt Nam ra sức bảo đảm quyền tự do diễn đạt và tự do báo chí, tiếp tục thăng tiến nhân quyền của những nhóm người dễ bị thương tổn, phê chuẩn Công ước về Quyền của người lao động nhập cư, tham gia Công ước chống tra tấn.

Ngoài ra Hà nội cũng được khuyến khích giảm bớt việc sử dụng các luật lệ về an ninh quốc gia để hạn chế quyền thảo luận của công chúng về dân chủ đa đảng và chỉ trích chính phu, lập danh sách những người bị giam dựa theo luật lệ về an ninh và để cho công chúng biết các thông tin này.

Ngoài ra các Quốc gia tham dự cuộc thảo luận còn khuyến khích Việt Nam tiếp tục nỗ lực bảo đảm quyền tự do tôn giáo, thừa nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và để cho giáo hội này hoạt động độc lập với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để cho dân chúng được bày tỏ ý kiến về hệ thống chính trị và trả tự do cho các tù nhân lương tân, như Linh mục Nguyễn Văn Lý, và hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG