Đường dẫn truy cập

NASA chuẩn bị sửa chữa viễn vọng kính Hubble


Phi thuyền không gian con thoi Atlantis dự trù sẽ được phóng đi vào ngày thứ Hai 11 tháng 5, trên đường đến quĩ đạo để gặp Kính viễn vọng Không gian Hubble. Thông tín viên Art Chimes của đài VOA có bài giới thiệu về chuyến bay lần thứ 5 và là lần cuối cùng để sửa chữa kính viễn vọng, một công cụ được xem là đài quan sát của loài người ngoài quĩ đạo.

Một khi ra tới quĩ đạo, các Phi hành gia sẽ đưa kính viễn vọng Hubble vào bên trong Phi thuyền, nơi họ có thể làm tất cả những điều cần làm để bảo trì cho kính này hoạt động tốt, cho đến khi có một kính khác thay thế, sẽ được phóng lên trong vòng 5 năm nữa.

Phi hành gia Mike Massimino nói rằng kính viễn vọng Hubble lần này sẽ được ráp thêm những dụng cụ khoa học mới, pin mới và những con quay hồi chuyển.

Phi hành gia Massimino nói: “Chúng tôi sẽ ráp một máy chụp hình mới, có trường rộng, sẽ giúp khả năng nhìn vào vũ trụ của kính viễn vọng tăng lên nhiều lần, nhờ vậy chúng ta sẽ có thể thấy được rất nhiều điều hay nếu chúng ta theo đúng quy trình, và nếu máy chụp hình hoạt động trôi chảy. Chúng tôi rất nôn nóng về kết quả của cái máy chụp hình này. Ngoài ra, chúng tôi cũng gắn thêm một máy đo quang phổ, cũng như một thiết bị khoa học quan trọng khác. Đó là những thiết bị giúp gia tăng khả năng khoa học của kính viễn vọng Hubble.”

Phi hành gia Massimino đã tham gia 1 trong 4 chuyến bay sửa chữa kính viễn vọng Hubble trước kia. Lần này ông sẽ bước ra ngoài không gian 2 lần trong số 5 lần mà chuyến bay sẽ thực hiện. Người đồng hành với ông là Phi hành gia John Grunsfeld thì đã tham gia 3 chuyến sửa kính viễn vọng Hubble.

Phi hành gia Grunsfeld cho biết: “Hubble đã ở trong quĩ đạo đã được 18 năm. Đó là một thời kỳ đáng kể đối với bất kỳ một Phi thuyền nào hoạt động cùng cỡ với nó, và trong một môi trường khá tệ, kính viễn vọng cũng bị ảnh hưởng.”

Chuyên ngành của Phi hành gia Grunsfeld là vật lý và thiên văn học. Theo ông, điều quan trọng là giữ cho Hubble điều hành càng lâu càng tốt, vì kính viễn vọng không gian đã đóng góp rất nhiều cho khoa học.

Phi hành gia Grunsfeld nói: “Nó đã cung ứng tất cả những kiến thức khoa học mà chúng ta trông đợi, chẳng hạn như sự khám phá rằng những hố đen trong vũ trụ là chuyện có thật , những hố đen khổng lồ này lớn hơn mặt trời của chúng ta cả triệu lần. Nó có thể đo được số tuổi của vũ trụ. Nó đã giúp trả lời cho biết bao nhiêu câu hỏi cơ bản mà người ta đã đặt ra kể từ khi người ta có thắc mắc về vũ trụ.”

Sau tại nạn chết người lần thứ hai của chương trình tầu con thoi vào năm 2003, Cơ Quan Hàng Không và Không gian NASA của Hoa Kỳ đã hoãn chuyến bay sửa chữa cho kính viễn vọng Hubble, mặc dù đã có dự trù. Các giới chức NASA cho rằng chuyến bay đó quá nguy hiểm. Họ nói nếu xẩy ra bất kỳ vấn đề gì cho tàu con thoi, các Phi hành gia sẽ bị kẹt, không thể tìm được chỗ ẩn náu trong trạm không gian quốc tế, vì trạm này bay theo một quĩ đạo khác.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và những người ủng hộ kính viễn vọng đề xuất thay đổi quyết định này. Mọi sự đã diễn ra như họ mong đợi, nhưng NASA chỉ chấp thuận sau khi đã bổ sung một số biện pháp an toàn. Phi hành gia Scott Altman, Trưởng toán Phi hành giải thích về điều gì sẽ xẩy ra nếu họ gặp rắc rối.

Phi hành gia Altman nói: “Chúng tôi sẽ tạm trú trong tàu của chúng tôi, giảm bớt hoạt động để kéo dài sự sống và tiết kiệm dưỡng khí, như vậy chúng tôi sẽ tồn tại được khoảng 25 ngày trong khi chờ người đến tiếp cứu.”

Ông LeRoy Cain, một giới chức NASA nói, Phi thuyền con thoi Endeavour sẽ túc trực sẵn dự phòng trường hợp cần có một chuyến bay tiếp cứu.

Ông Cain nói: “Chúng tôi đã lên kế hoạch thực hiện và thử nghiệm rất nhiều biện pháp mà chúng tôi gọi là ‘rời bệ phóng khi cần thiết’, do đó, Phi thuyền Endeavor lúc nào cũng sẵn sàng cho phương án thứ 2, tiếp cứu khi cần.”

Sau chuyến bay sửa chữa viễn vọng kính Hubble, cơ quan NASA sẽ thu hẹp hoạt động sau gần 30 năm phóng tầu con thoi. Qua đến sang năm, 3 tàu con thoi còn lại sẽ được lưu kho, và một số nhân viên của NASA sẽ bị nghỉ việc.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG