Cuốn ‘Vietnam: The History of an Unwinnable War, 1945-1975’ (Việt Nam: Lịch sử một cuộc chiến không thể thắng, 1945-1975) của học giả John Prados, học giả của Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia, Đại học George Washington, mới ra mắt độc giả tại Hoa Kỳ.
Bằng cách viết theo thể văn tường thuật, cuốn sách dày hơn 600 trang, chia làm 14 chương, của ông Prados đã xâu chuỗi các sự kiện liên quan tới Chiến tranh Việt Nam kể từ cuối Thế Chiến II cho tới năm 1975.
Trả lời đài VOA Việt Ngữ tại lễ ra mắt cuốn sách tại Đại học Johns Hopkins, ông Prados cho biết đã nghiên cứu đề tài Chiến tranh Việt Nam hàng chục năm qua, và thấy rằng người dân Hoa Kỳ vẫn muốn tìm hiểu sâu về cuộc chiến này.
Theo lời vị học giả kỳ cựu, ông bắt đầu viết về đề tài Việt Nam từ giữa những năm 60. Ông nói Chiến tranh Việt Nam là một chương cơ bản trong biên niên sử về thế hệ những người như ông.
Ông Prados cũng cho biết đã sử dụng các tài liệu, nhất là về thời kỳ ông Richard M. Nixon làm tổng thống, các cuộc phỏng vấn các bên liên quan cũng như những câu chuỵện cá nhân về phong trào phản chiến để làm tư liệu cho cuốn sách.
Lý giải về lý do cuốn sách ra đời, nhà nghiên cứu Prados nói tiếp: “Chưa từng có cuốn sách viết đầy đủ về cuộc chiến ở Việt Nam trong khoảng một thập kỷ qua, mà thời gian đó có quá nhiều tư liệu và các bằng chứng mới đã được giải mật và công bố. Cách tiếp cận cũng như phân tích mới về cuộc chiến cũng là điều cần thiết”.
Trong phần lời tựa của cuốn sách, tác giả Prados cũng viết rằng Chiến tranh Việt Nam vẫn còn là đề tài lịch sử gây tranh cãi. Tác giả cuốn sách cũng nhấn mạnh rằng ông đứng về phía những người theo trường phái cũ, tức là coi Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến sai lầm và không thể chiến thắng.
Ông Prados cho biết đã ủng hộ quan điểm này từ rất sớm, và ông nói quá trình nghiên cứu cộng với các phân tích sâu rộng đã củng cố ý kiến đó.
Khi được hỏi về sự phản biện của một số nhà phê bình, trong đó có ý kiến nói rằng cuốn sách khá ‘thiên tả’ và rằng phản bác quan điểm rằng quân đội Mỹ đã có ‘những thành công’ ở Việt Nam, ông Prados nói rằng những quan điểm đó ‘chưa được luận giải một cách phuyết phục’.
Học giả này nhận định: “Tôi không nghĩ những quan điểm đó phản ánh những gì có ở trong cuốn sách. Họ có lẽ cũng chưa đọc cuốn sách để hiểu vấn đề, mà chỉ phản ứng một cách tức thời”.
Ông Prados nói thêm: “Thực tế là, sách của tôi cũng nói tới miền Nam Việt Nam, chính trị Sài Gòn thời đó và cả phía Bắc Việt. Tôi có sử dụng cả nguồn tin từ Việt Nam cũng như từ Hoa Kỳ, rồi cả những phân tích và trích dẫn tư liệu”.
Ngoài số hàng chục học giả và những người muốn tìm hiểu về Chiến tranh Việt Nam tham gia lễ ra mắt sách, còn có khá nhiều sinh viên Hoa Kỳ.
Cầm trên tay cuốn sách dày, anh Taylor, sinh viên Đại học Georgetown, cho VOA Việt Ngữ biết đã đọc ‘Vietnam: The History of an Unwinnable War, 1945-1975’ và nó đáp ứng sự trông đợi của anh.
Anh nói: “Tôi thích cuốn sách vì nó nêu lên quan điểm của mọi phía, cả chính giới Việt Nam cũng như Hoa Kỳ, và đặc biệt là khía cạnh quân sự của cuộc chiến. So với những quyển sách khác về cuộc chiến Việt Nam, cuốn này viết khá sâu, và phân tích mọi khía cạnh của cuộc chiến, nhất là về lý do vì sao Hoa Kỳ tham chiến”.
Sinh viên này nói tiếp rằng thật khó có thể hiểu toàn diện về một cuộc chiến phức tạp như Chiến tranh Việt Nam, nhưng so với trước đây, đúng là cuốn sách của ông Prados đã giúp anh hiểu sâu hơn về cuộc chiến này.
Còn đối với ông Bernard Kalb, nhà báo kỳ cựu từng đưa tin về cuộc chiến Việt Nam, cuốn sách đã gợi nhớ lại những sự kiện ông từng tận mắt chứng kiến khi đưa tin về cuộc chiến Việt Nam.
Ông nói: “Tôi thấy nhiều sự kiện giúp tôi trở về quá khứ vì tôi đã dành rất nhiều thời gian ở Việt Nam thời Chiến tranh Việt Nam. Nếu có ai đó muốn đọc một cuốn sách về cuộc chiến này cũng như sự tham chiến của Hoa Kỳ cũng như sự đáp trả của phía Việt Nam, thì đây là cuốn sách đáng xem”.
Ông Kalb, người sau này là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét rằng tất cả những gì nghiệt ngã về cuộc chiến đều có trong cuốn sách này. Ông nhấn mạnh rằng đây là ‘một cuốn sách sâu rộng chứ không đóng khung trong một giả thuyết nào’.