Một tổ chức nhân quyền nổi tiếng thế giới yêu cầu giới hữu trách Việt Nam ngưng đàn áp những nhân vật tranh đấu cho quyền lợi của người lao động.
Theo tin của các hãng thông tấn AFP, AP và UPI, tổ chức Human Rights Watch hôm thứ hai công bố một bản phúc trình nói rằng từ năm 2006 đến nay có ít nhất 8 nhân vật hoạt động cho quyền của người lao động đã bị chính quyền Việt Nam giam cầm trái phép và nhiều người khác bị sách nhiễu.
Phúc trình dài 32 trang có nhan đề 'Chưa phải là thiên đường của người lao động: Sự đàn áp của Việt Nam đối với phong trào công nhân độc lập', yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do ngay cho những người tranh đấu cho quyền lao động đang bị giam giữ và đòi giới hữu trách Hà nội tôn trọng luật pháp quốc tế về lao động.
Tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở New York này cũng kêu gọi các nước cấp viện và những công ty nước ngoài đầu tư ở Việt Nam làm áp lực để chính phủ đối xử với công nhân một cách thỏa đáng.
Ông Brad Adams, Giám đốc phân bộ Á Châu của Human Rights Watch, nói rằng 'Qua việc bắt giữ những lãnh tụ công đoàn nổi tiếng, chính phủ Việt Nam đang tìm cách dẹp tan phong trào công đoàn độc lập'. Ông nói thêm rằng 'Chính phủ tiếp tục trấn áp và sách nhiễu những người tranh đấu độc lập cho quyền của người lao động - những người mà họ xem là một mối đe dọa cho Đảng Cộng Sản, vì những người này có khả năng thu hút và tổ chức một số dân chúng đông đảo'.
Theo phúc trình của Human Rights Watch, những nhà hoạt động công đoàn bị bắt bớ, câu lưu và cầm tù trái phép gồm có các ông Huỳnh Việt Lang, Đoàn Huy Chương, Đoàn Văn Diễn, và Trần Quốc Hiền cùng với các bà Trần Thị Lệ Hồng, Nguyễn Thị Tuyết, Lê Thị Công Nhân, và Trần Khải Thanh Thủy.
Hầu hết những người vừa kể là người sáng lập hoặc là thành viên của Hiệp hội Đoàn kết Công Nông và Công đoàn Độc lập, là hai công đoàn được thành lập cuối năm 2006 và không lệ thuộc vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Đảng Cộng Sản kiểm soát.
Theo báo cáo của Human Rights Watch, ông Lê Trí Tuệ, một trong những người sáng lập Công đoàn Độc lập, đã bị mất tích hồi tháng 5 năm 2007 sau khi trốn sang Kampuchea để xin tị nạn chính trị.
Phúc trình về nhân quyền Việt Nam năm 2008 của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cho biết rằng 'ông Lê Trí Tuệ vẫn còn mất tích trong lúc có tin nói rằng ông đã bị mật vụ Việt Nam sát hại'.
Human Rights Watch nói rằng Luật Lao động được sửa đổi năm 2007 đã siết chặt những sự hạn chế đối với quyền đình công, nhưng các vụ đình công không được nhà nước cho phép thực hiện đã tăng 20% lên tới ít nhất 650 vụ hồi năm ngoái.
Ông Brad Adams nói rằng những luật lệ về lao động hiện nay ở Việt Nam khiến cho công nhân hầu như hoàn toàn không thể tiến hành một cuộc đình công hợp pháp.
Cho tới tối thứ hai, chính phủ Việt Nam chưa bình luận gì về bản phúc trình này.
Đọc nhiều nhất
1