Từ cải tạo đến cải tổ, đó là câu chuyện của một chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Việt. Vào dịp 30 tháng 4, Câu Chuyện Nước Mỹ sẽ thuật lại cuộc đời của chuyên gia Đinh Xuân Quân và ý kiến của ông về guồng máy hành chánh của Việt Nam so với các quốc gia đang phát triển khác. Mời quí thính giả theo dõi với Lan Phương sau đây.
Đầu thập niên 1970, một thanh niên trong lứa tuổi gần 30, tốt nghiệp về kinh tế từ đại học Sorbonne tại Paris và sau đó là đại học Temple, tại Philadelphia, Hoa Kỳ, ông Đinh xuân Quân, đã trở về nước làm việc cho Quĩ Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia, một chi nhánh của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam của Việt Nam Cộng Hòa. Công việc mà ông cho là lý thú nhất đời ông lúc đó là hình thành chương trình tái thiết và phát triển kinh tế cho Việt nam. Với dự đoán là sau hiệp định Paris, cuộc chiến sắp chấm dứt, công cuộc tái thiết quốc gia đang được chính phủ miền nam cho tiến hành với một đội ngũ chuyên gia và nhân lực đông đảo, sẵn sàng để xúc tiến công việc.
Nhưng mọi chuyện không diễn ra như dự đoán.
Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, chuyên gia Đinh Xuân Quân bị bắt vì tội đã làm việc cho chế độ cũ. Cuối cùng sau 3 năm tù, sức khỏe kiệt quệ, ông được trở về với gia đình và tìm đường thoát thân bằng thuyền. Tháng 7 năm 1978 ông đến trại tỵ nạn Thái Lan và được chính phủ Mỹ cho định cư.
Ông đến nam California vào dịp trước Lễ Tạ Ơn năm 1979.
Được hưởng không khí tự do, ông bắt tay ngay vào việc. Ban ngày ông là một cán sự xã hội cho chương trình Goodwill Industries, đến tối làm giảng viên tại đại học cộng đồng Sana Ana và tình nguyện viết lách, cung cấp bài vở cho tờ báo Người Việt lúc ấy đang trong giai đoạn phôi thai.
Sau 3 tháng đặt chân đến Mỹ, ông bắt đầu làm việc cho những chương trình viện trợ quốc tế giúp các quốc gia đang phát triển. Nhiệm sở đầu tiên của ông tại hải ngoại là Mauritatania, một quốc gia tây Phi qua chương trình của Cớ Quan Phát Triển Quốc Tế của chính phủ Hoa Kỳ. Kể từ đó ông đã làm việc cho nhiều chương trình viện trợ của chính phủ Mỹ và các định chế quốc tế giúp hơn 20 quốc gia đang phát triển cải tổ hành chánh.
Điều đáng nói ở đây là trong hơn 20 quốc gia mà ông từng phục vụ có cả Việt Nam. Năm 1992, ông đã trở về Việt Nam trong chương trình làm việc với Quĩ Quốc Tế Phát Triển Nông Nghiệp (IFAD).
Trong thời gian làm việc tại đây, chứng kiến cảnh người dân quá cùng khổ, ông đã thuyết phục được IFAD tăng gấp 3 trợ giúp, từ 7 triệu lên đến 21 triệu đô la.
Năm 1994 ông trở về Việt Nam lần nữa, làm việc trong Chương Trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), trong tư cách cố vấn về cải tổ hành chánh cho Bộ Nội vụ. Trong khoảng thời gian này, ông đã giúp thực hiện 7 trong số 11 dự án với sự giúp đỡ của quốc tế. Những cán bộ trong guồng máy hành chính của Việt Nam và những đảng viên, qua chương trình này, đã học hỏi từ những chuyến đi nước ngoài cách thức điều hành các tỉnh, các quận và thưcï hiện thay đổi để làm sao cho Việt Nam khá hơn.
Qua chương trình này, ông đã làm việc thường xuyên với nhóm cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và thủ tướng Phan Văn Khải. Hai bên thường có những phiên họp bàn luận sâu xa về những khó khăn,từ vấn đề quản trị hành chánh, đến kinh tế và các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu.
Vào lúc đó và cho đến bây giờ, Chuyên gia Đinh Xuân Quân vẫn hy vọng là dần dà, đất nước này sẽ tự giải thoát khỏi ý thức hệ cộng sản để phát triển được hết tiềm năng.
Khi được hỏi là ông nghĩ gì vào ngày 30 tháng tư, kinh tế gia Ðinh Xuân Quân trả lời: Điều đầu tiên mà tôi nghĩ là Việt Nam quá phí phạm. Mỗi một lần nghĩ tới ngày này là tôi nghĩ đến sự phí phạm tài nguyên, nhất là tài nguyên nhân lực, vì sự tiến bộ, giàu mạnh của một nước là do cá nhân, do con người. Miền bắc đã phí phạm rất nhiều, coi rẻ những người miền nam. Khi có mở cửa, đổi mới, miền bắc đã phải học rất nhiều của miền nam. Mỗi một lần nghĩ tới 30 tháng 4, tôi thấy cả là một phí phạm, nhất là về việc sử dụng nhân lực của miền nam.
Đã từng phục vụ ở nhiều quốc gia đang phát triển về cải tổ hành chánh, chuyên gia Đinh Xuân Quân nhận xét về điểm tương đồng và điểm dị biệt giữa Việt Nam và các nước đang phát triển khác.
Ðinh Xuân Quân: Đa số các nước mà tôi đã được đi, kể cả Việt Nam, tôi thấy có sự chậm tiến vì thiếu tổ chức. Nhưng tại Việt Nam thì nặng hơn, vì không nhhững chỉ thiếu tổ chức mà còn nặng nề vì guồng máy của đảng. Tự nhiên phải nuôi hai guồng máy một lúc. Đảng cũng ngồi ở trong các bộ, trong công quyền. Chính phủ cũng có một guồng máy hành chính nữa. Hai guồng máy chạy song song mà không chịu nói chuyện với nhau. Lẽ dĩ nhiên guồng máy hành chính phải đi qua guồng máy đảng. Tôi thấy rất phí phạm. Khi có một tổ chức trong hành chính, kinh tế hay tài chính thì chỉ một cơ quan quyết định, chứ không phải cứ phải đi qua từ bộ rồi bên chi bộ đảng trong bộ rồi cơ quan của đảng. Trong cách vận hành của một quốc gia thì điều này rất nặng nề. Hiện giờ tất cả các nước trên thế giới, kể cả Nga, họ đã bỏ cái chuyện đó. Khi so Việt Nam với các nước chậm tiến khác thì Việt Nam bết hơn trong vấn đề hành chính, trong vấn đề tổ chức guồng máy công quyền vì vẫn lẫn lộn đảng và nhà nước với nhau.
So về mặt kinh tế, chuyên gia Đinh Xuân Quân nhận định: Về kinh tế thì Việt Nam có khá nhiều tiến bộ và đã mở cửa khá nhiều. Đó là một điều may mắn cho Việt Nam. Nhưng kinh tế phải đi song song với hành chính, mà guồng máy chính quyền ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề. Và vì có vấn đề độc quyền trong guồng máy hành chính, trong guồng máy đảng, thì vấn đề tham nhũng còn rất cao. Nếu so Việt Nam với các nước (đang phát triển) thì họ thoáng hơn mình. Tổ chức hành chính, tổ chức công quyền, tổ chức kinh tế tương đối là họ mở hơn Việt Nam.
Quí vị vừa theo dõi câu chuyện của một kinh tế gia người Mỹ gốc Việt từng là thuyền nhân, so sánh guồng máy hành chính của Việt Nam với các quốc gia đang phát triển khác.