Đường dẫn truy cập

Các nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi duy trì áp lực đối với Miến Ðiện


Các chuyên gia quốc tế theo dõi thành tích nhân quyền tại Miến Điện kêu gọi chính quyền Tổng thống Obama đừng nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với giới lãnh đạo quân sự nước này trong tiến trình duyệt xét chính sách của của Hoa Kỳ. Theo họ phương cách tốt nhất để cải thiện dân chủ và nhân quyền cho Miến Điện là siết chặt các biện pháp chế tài và khuyến khích các nước khác tạo thêm áp lực lên giới lãnh đạo Miến Điện. Thông tín viên đài VOA Michael Lipin có bài tường trình từ Washington sau đây.

Các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới đã đến Quốc hội Hoa Kỳ hôm qua để cảnh báo là không nên nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Miến Điện.

Ủy ban các chuyên gia vừa kể nói trong buổi điều trần tại quốc hội Hoa Kỳ rằng Washington nên duy trì áp lực đối với Rangoon để đối phó với điều mà họ gọi là sự tiếp tục vi phạm nhân quyền mộït cách nghiêm trọng của các nhà lãnh đạo quân đội tại nước này.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ra lệnh duyệt lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Miến Điện hồi đầu năm nay. Bà nói rằng sách lược chế tài đối với giới lãnh đạo Miến Điện trong khi đàm phán với họ đã không đem lại kết quả.

Ông Sean Turnell, giáo sư kinh tế tại đại học Macquuarie của Australia, nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng các biện pháp hạn chế về du hành và tài chánh đang áp đặt đối với Miến Điện hiện nay có hiệu quả vì biện pháp này nhắm vào các nhà lãnh đạo quân đội và ít tác hại tới tầng lớp dân chúng nghèo khổ ở Miến Ðiện.

Ông Turnell nói chính phủ Tổng thống Obama sẽ đánh mất sức ép của Hoa Kỳ đối với nhà cầm quyền Miến Điện nếu giảm bớt các biện pháp trừng phạt.

Những biện pháp chế tài này là một nguồn lực mà chúng ta có thể giảm bớt một khi sự cải cách dân chủ và chính trị thực sự diễn ra tại Miến Điện. Các biện pháp đó vô cùng hữu ích và sẽ còn hữu ích hơn nữa khi Miến Điện có một chính phủ mới với quyết tâm cải cách thật sự.

'Chiến dịch Hoa Kỳ cho Miến Điện', một tổ chức của các nhà hoạt động dân chủ, nói rằng chính phủ Hoa Kỳ nên áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng hơn đối với giới lãnh đạo quân sự Miến Điện.

Giám đốc của tổ chức này, bà Jennifer Quigley, tuyên bố trong buổi điều trần tại quốc hội rằng các biện pháp trừng phạt gắt gao hơn của Hoa Kỳ và Âu châu đối với giới lãnh đạo Miến Điện sẽ làm cho họ không thể có được số ngoại tệ mà họ cần.

Bà Quigley nói: "Chính quyền này muốn giữ tiền của họ bằng đồng đôla và chúng ta đã thành công trong việc loại bỏ được sự lựa chọn đó của họ. Đồng Euro là một chỉ tệ mạnh khác, nếu chúng ta thuyết phục các nước đồng minh gia tăng sự trừng phạt đối với Miến Điện thì sẽ có thể loại bỏ được việc họ thủ đắc hai loại chỉ tệ mạnh nhất thế giới."

Người đứng đầu Ủy ban đối ngoại Thượng viện về châu Á, Thượng nghị sĩ Dân chủ Jim Webb ủng hộ việc giao tiếp với nhà cầm quyền quân sự Miến Điện bằng cách bãi bỏ cấm vận. Ông nói rằng Hoa Kỳ nên thương thảo với Miến Điện bằng đường lối đã áp dụng đối với Trung Quốc và Việt Nam, mặc dù vẫn còn các mối quan tâm về thành tích nhân quyền tại hai nước này. Nhưng giáo sư Turnell nói rằng chính quyền quân nhân Miến Điện không giống như các chính quyền ở Trung Quốc và Việt Nam.

Ông Turnell nhận định: "Hai chính phủ Trung Quốc và Việt Nam thường thừa nhận quyền lợi của giới doanh thương. Chính phủ Miến Điện thì khác. Tỉ dụ mà tôi muốn đưa ra là chính quyền Miến Điện giống như một kẻ cướp chứ không phải là một loại ký sinh trùng của nền kinh tế."

Các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế kêu gọi chính quyền Tổng thống Obama bổ nhiệm một vị đặc sứ về Miến Ðiện để chứng tỏ Hoa Kỳ sẵn sàng giao tiếp với giới lãnh đạo nước này ở cấp bậc cao hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG