Đường dẫn truy cập

HÐBA quan ngại sâu xa về tình hình nhân đạo ở Sri Lanka


Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ mối quan tâm sâu xa về tình hình nhân đạo ở vùng có giao tranh tại Sri Lanka và tình trạng khốn khó của hàng ngàn thường dân còn bị kẹt ở đó. Các thành viên trong Hội đồng kêu gọi chính phủ bảo vệ thường dân và đề nghị phiến quân Hổ Tamil chớ nên dùng họ như những lá chắn sống. Từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trong một cuộc họp kín không chính thức, Hội đồng Bảo an đã được đặc sứ Vijay Nambiar tường trình về sứ mạng của ông hồi tuần trước ở Sri Lanka.

Sau phiên họp 2 tiếng đồng hồ, chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng tư, đại sứ Claude Heller của Mexico nói với các phóng viên rằng hội đồng nhất trí về mối quan ngại sâu xa đối với thường dân trong vùng Vanni ở đông bắc Sri Lanka, nơi lực lượng chính phủ tìm cách đẩy lui phiến quân Hổ Tamil thuộc tổ chức Hổ Tamil Giải phóng, còn gọi tắt là LTTE ra khỏi cứ địa cuối cùng của họ dọc theo duyên hải.

Đại sứ Heller cho biết hội đồng cực lực lên án LTTE là một tổ chức khủng bố. Hội đồng cũng lên án tổ chức này là dùng thường dân như nhưng lá chắn sống và không cho họ rời khỏi vùng có xung đột.

Ông Heller nói: “Chúng tôi yêu cầu LTTE tức khắc buông vũ khí, từ bỏ chủ nghĩa khủng bố, để cho Liên Hiệp Quốc hỗ trợ một cuộc di tản thường dân còn lại trong vùng có giao tranh, và tham gia tiến trình chính trị qua đối thoại nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Các thành viên của Hội đồng Bảo an kêu gọi tất cả các bên, kể cả chính phủ Sri Lanka, tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo đúng luật nhân đạo quốc tế và để cho các cơ quan nhân đạo quốc tế đến được với những người bị tác động của cuộc giao tranh.”

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Susan Rice gọi tình hình là 'nghiêm trọng' và 'thảm khốc' và nói rằng Washington hết sức quan ngại.

Ông Rice nói: “Chúng tôi nghĩ rằng điều tuyệt đối cần thiết là cả hai bên ngưng cuộc giao tranh và đình chỉ việc pháo kích gây nguy hiểm tức thời cho thường dân.”

Trợ lý bí thư đặc trách các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, bà Catherine Bragg, nói rằng tình hình nhân đạo ở vùng Vanni là 'vô cùng nguy hiểm' và Liên Hiệp Quốc, hiện không được phép ra vào vùng có giao tranh, cần phải được tiếp cận vùng này ngay.

Bà Bragg cho biết chính phủ Sri Lanka nói là đã có 90,000 thường dân thoát ra khỏi vùng có giao tranh trong những ngày vừa qua, nhưng bà cảnh báo rằng con số đó chưa được kiểm chứng độc lập. Trong khi đó, hàng chục ngàn người vẫn còn bị kẹt bên trong vùng đó.

Đại sứ Sri Lanka ở Liên Hiệp Quốc, ông Hewa Palihakkara, nói rằng các cơ quan Liên Hiệp Quốc được phép tiếp cận các khu vực bên ngoài vùng giao tranh và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và Caritas đều có nhân viên bên trong vùng này.

Ông cũng bác bỏ những lời chỉ trích của quốc tế nói rằng các ký giả còn không được phép đến gần vùng giao tranh và thậm chí một số còn bị từ chối không cho đến Sri Lanka.

Trước đó trong ngày hôm qua, các cơ quan cứu trợ quốc tế đã bầy tỏ sự thất vọng trước phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với tình hình ở Sri Lanka.

Trong một bức thư gửi cho ông Tổng thư ký và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các cơ quan này hối thúc phải có hành động cấp thời để bảo vệ thường dân bị kẹt trong vùng giao tranh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG