Trong những ngày gần đây, lời kêu gọi 'bất tuân dân sự' đã được những người phản đối tổng thống Saakashvili tại Gruzia sử dụng, và tại Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ dùng 'bất tuân dân sự' để kêu gọi người dân chống lại với dự án khai thác quặng bauxite tại Tây nguyên, hậu thuẫn cho những ý kiến của các chuyên gia nói rằng cho phép Trung Quốc vào khai thác quặng mỏ tại đây không những không có lợi mà về lâu về dài, Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại nghiêm trọng. Vậy ý niệm 'bất tuân dân sự' là gì? Nó đã có từ lúc nào, bắt nguồn từ đâu và ý niệm này đã được sử dụng như thế nào trong các cuộc tranh đấu? Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ nói về đề tài 'bất tuân dân sự', một ý niệm gắn liền với nhà văn Hoa Kỳ Henry David Thoreau, dựa trên các chi tiết trích thuật từ báo chí Mỹ và ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Bích, mời quí vị theo dõi với Lan Phương sau đây.
Henry David Thoreau, tác giả, triết gia, nhà tiểu luận, thi sỹ, một người yêu thiên nhiên, ra đời ngày 12 tháng 7 năm 1817 tại Concord, bang Massachusetts, Hoa Kỳ . Sinh ra trong một gia đình với thân phụ làm nghề sản xuất bút chì, ông lớn lên và được theo học tại đại học Harvard về văn chương, triết lý, khoa học và toán. Tốt nghiệp năm 1837, Henry David Thoreau bắt đầu những tác phẩm viết về thiên nhiên. Trong sự nghiệp sáng tác, ông nổi tiếng với cuốn Walden, viết về kinh nghiệm bản thân trong 2 năm trời sống một mình trong một căn chòi dựng bên cạnh một cái ao trong rừng Walden. Cuộc sống đơn giản giữa thiên nhiên đã cho ông nhiều thời giờ để suy ngẫm và sáng tác. Ông luôn luôn thắc mắc, tìm tòi giải đáp cho nhiều vấn đề.
Trong một phác họa về tiểu sử ông, một nhà văn khác, ông Emerson, bạn đương thời của ông, đã viết: “Ông Thoreau không hề có khuynh hướng tìm kiếm một nghề nghiệp nào cả, không hề lập gia đình, sống một mình, không bao giờ đến nhà thờ cầu nguyện, không đi bầu. Ông từ chối trả một khoản tiền thuế cho nhà nước. Ông ăn chay, không uống rượu, không biết đến thuốc lá là gì, và mặc dù là một người thích sống kề cận thiên nhiên, ông không bao giờ dùng bẫy hay súng để bắt thú. Chắc chắn ông đã chọn lựa một cách khôn ngoan cho chính ông để được hoàn toàn tự do trong tư tưởng và sống với thiên nhiên. Ông không có khuynh hướng tìm kiếm tiền bạc, sống đạm bạc mà vẫn thanh lịch."
Trong bài tiểu luận nổi tiếng nhất của ông tựa đề 'On the Duty of Civil Disobedience' năm 1849, về Nhiệm Vụ Bất Tuân Dân Sự, ông viết: 'chính phủ tốt nhất là chính phủ cai quản, can thiệp ít nhất'.
Trong bài tiểu luận này, ông giải thích lý do tại sao không trả thuế. Đó là một thái độ phản kháng của ông chống lại chế độ nô lệ và cuộc chiến tranh với Mexico. Cái ý tưởng chủ lực của bài tiểu luận này là người ta phải tự trông cậy vào chính mình, làm sao giữ vững lập trường đạo đức, Civil Disobedience, bất tuân dân sự là một thái độ tích cực từ chối không tuân thủ những luật lệ nào đó bị cho là thiếu công minh mà vẫn không sử dụng đến bạo động chống chính phủ.
Trong lúc theo đuổi sự nghiệp trứ tác, Henry David Thoreau có lúc vẫn sinh sống bằng nghề đo đạc ruộng đất và sản xuất bút chì.
Ông từ trần vì bệnh lao ngày 6 tháng 5 năm 1862, hưởng dương 44 tuổi. Sự nghiệp ông để lại cho thế gian là 2 cuốn sách và rất nhiều bài tiểu luận. Ông còn để lại bộ sáng tác đồ sộ gồm 20 tập tựa đề Journal, xuất bản sau khi ông mất, và có lẽ đây là những công trình rất lớn còn dở dang của ông.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Bích, từ vùng phụ cận thủ đô Washington, giải thích về ý niệm bất tuân dân sự: "Là công dân ai cũng phải có lương tâm. Nếu lương tâm đòi hỏi chúng ta lên tiếng thì chúng ta phải lên tiếng, đừng vì những thúc ép nào đó mà chúng ta cứ lặng im. Nó là một quan niệm theo tinh thần câu mà chúng ta thường nói, là 'quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách'. Trong sự hưng vong hay suy đồi của một quốc gia thì ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm. Do đó trách nhiệm đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng khi có những vấn đề đe dọa đến sự an bình của xã hội."
Ý niệm Bất Tuân Dân Sự đã tạo được ảnh hưởng vô cùng rộng lớn trên khắp thế giới.
Ông Nguyễn Ngọc Bích nói: "Một phần nào sự sụp đổ của cộng sản ở đông Âu trong những năm 1980 đều bắt nguồn từ ý niệm 'bất tuân dân sự'. Người ta không cầm súng, không bạo động, nhưng tạo nên một phong trào đủ rộng lớn để chính quyền trước sau gì cũng phải nghe theo. Nhưng tiền lệ của nó lại không phải là đông Âu mà là trường hợp của ông Mahatma Gandhi bên Ấn độ hay chế độ apartheid (phân chủng) ở Nam Phi. Những người như ông Nelson Mandela có thể chấp nhận ở tù 26 năm trời chỉ để nói lên tiếng nói phản kháng những điều không thể chấp nhận được trong cộng đồng."
Ngoài những cuộc tranh đấu như vừa kể, trong lịch sử,ý niệm này cũng đã được áp dụng trong nhiều cuộc tranh đấu khác như cuộc Cách Mạng bất bạo động của người Ai Cập năm 1919 chống lại sự chiếm đóng của người Anh, phong trào dân quyền tại Hoa Kỳ thập niên 1960 do mục sư Martin Luther King lãnh đạo, phong trào Greenpeace bảo vệ môi sinh hiện nay trên toàn cầu và còn rất nhiều những cuộc phản kháng bất bạo động khác áp dụng ý niệm này.
Để chọn một hình thức bất tuân dân sự tích cực, người ta có thể chủ ý vi phạm những luật lệ nào đó, như không đóng thuế, thiết lập một rào cản bằng hình thức ôn hòa, hay chiếm cứ bất hợp pháp một cơ sở.
Những người biểu tình gây gián đoạn nhưng không sử dụng bạo động, với dự kiến sẽ bị nhà cầm quyền bắt hay ngay cả tấn công và đánh đập, để rồi họ sẽ chỉ chống trả một cách thầm lặng hay yếu ớt mà không đe dọa nhà cầm quyền bằng vũ lực.
Lấy thí dụ, lãnh tụ Ấn Độ trong cuộc tranh đấu giành độc lập từ tay người Anh, ông Mahatma Gandhi, đã phác thảo ra những qui luật sau đây để người dân áp dụng ý niệm bất tuân dân sự trong cuộc tranh đấu giành độc lập từ tay người Anh.
1.Một người phản kháng theo đường lối này sẽ không bày tỏ sự giận dữ.
2. Đôi khi người này sẽ phải hứng chịu sự giận dữ từ đối phương.
3. Làm như vậy người này sẽ phải chịu đựng hành động tấn công từ đối phương nhưng sẽ không trả đũa., tuy nhiên sẽ không chịu khuất phục bất cứ mệnh lệnh nào do đối phương đưa ra trong cơn giận dữ.
4. Khi bất cứ một ai đó của nhà cầm quyền tìm cách bắt giữ một người phản kháng dân sự ôn hòa thì người này sẽ tình nguyện để cho bị bắt, và nếu các vật sở hữu bị nhà cầm quyền tìm cách tịch thu thì cứ để cho họ lấy đi.
5.Một người phản kháng dân sự được ủy thác để giữ gìn một tài sản nào đó, người này sẽ từ chối không chịu giao nộp, ngay cả khi bảo vệ tài sản đó người này có thể bị mất mạng sống. Tuy nhiên, người phản kháng dân sự sẽ không bao giờ trả đũa.
6. Trả đũa ở đây gồm cả những lời lẽ thô tục, nặng nề.
7. Vì thế người phản kháng dân sự sẽ không bao giờ lăng mạ đối phương và do đó không tham gia vào những hành động trái với nguyên tắc 'không được gây hại cho mạng sống hay gây thương tật'.
8. Một người phản kháng dân sự có thể không nghiêm chào lá cờ của đối phương nhưng sẽ không lăng mạ nó hay lăng mạ các giới chức của đối phương.
9. Trong diễn tiến của cuộc tranh đấu nếu bất cứ người nào lăng nhục hay tấn công một giới chức thuộc phe đối nghịch thì một người phản kháng dân sự sẽ bảo vệ giới chức này tránh khỏi bị lăng nhục hay tránh cho họ khỏi bị tấn công ngay cả khi mạng sống của người phản kháng dân sự bị lâm nguy.
Và thưa quí vị, đó chính là con đường bất tuân dân sự mà người đã được tôn là 'thánh Gandhi' đã dẫn dắt người dân Ấn Ðộ đến độc lập.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1