Đường dẫn truy cập

Bà Clinton: Bắc Triều Tiên tự gây phương hại cho các mục tiêu của họ


Hôm qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng Bắc Triều Tiên đã gây phương hại cho chính các mục tiêu của họ trong hội nghị 6 nước do Trung Quốc bảo trợ bàn về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng khi thách thức cộng đồng thế giới bằng cuộc phóng thử phi đạn tầm xa của họ. Bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ đang vận động để Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đưa ra một lời lên án mạnh mẽ Bình Nhưỡng. Thông tín viên David Gollust của đài VOA tại Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Cho tới nay, các cuộc hội ý tại Hội đồng bảo an LHQ về cung cách đáp ứng đối với cuộc thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên vẫn chưa đưa đến một quyết định nào. Nhưng bà Clinton đã gạt bỏ ý kiến cho là chính sách ngoại giao Mỹ đã thất bại, và chính quyền của Tổng thống Obama đang hối thúc việc đưa ra những ngôn từ mạnh mẽ lên án vụ phóng thử phi đạn hôm chủ nhật vừa qua của Bắc Triều Tiên, mà bà cho là một sự vi phạm trắng trợn một nghị quyết năm 2006 của Hội đồng Bảo An LHQ.

Ngoại trưởng Clinton cho biết bà và Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Susan Rice, đang tích cực tham gia các cuộc hội ý với các nước thành viên Hội đồng Bảo An và với các nước tham gia hội nghị 6 nước để tìm ra phương cách đáp ứng thích đáng hành động của Bình Nhưỡng mà bà gọi là 'một hành động khiêu khích gây hậu quả nghiêm trọng'.

Tại một cuộc họp báo cùng với Bộ trưởng ngoại giao Na Uy Jonas Gahr Store, bà Clinton nói rằng việc Hội đồng Bảo An không có một phản ứng sớm là điều không đáng ngạc nhiên.

Bà Clinton nói: “Chúng tôi biết rằng việc thảo luận để tìm ra lời lẽ cho chính xác không phải là chuyện dễ dàng có thể làm được trong một đêm. Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng đưa ra một lập trường mạnh mẽ tại Liên hiệp quốc là bước đầu tiên và quan trọng chúng tôi nhắm tới. Bắc Triều Tiên phải hiểu rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm đạt được mục tiêu mà họ đề ra cho Hội nghị 6 nước giờ đây đã lâm vào tình trạng khó khăn.”

Năm 2005, Bắc Triều Tiên đồng ý trên nguyên tắc loại bỏ chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ và các lợi ích về ngoại giao từ phía các nước khác tham gia hội nghị 6 nước, chung cuộc bao gồm quan hệ ngoại giao bình thường Hoa Kỳ và những bảo đảm về an ninh.

Các cuộc đàm phán với sự tham dự của Nga, Nhật Bản và Nam Triều Tiên cùng với Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ và nước chủ nhà Trung Quốc, đã bị bế tắc trong nhiều tháng vì Bình Nhưỡng không chấp nhận kế hoạch kiểm chứng bản khai báo về chương trình hạt nhân của họ đưa ra năm ngoái.

Mọi người biết là Nga và Trung Quốc chống lại ý kiến Hội đồng Bảo An đưa ra một nghị quyết chế tài mới để đáp lại cuộc thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Trước đó trong ngày hôm qua, một giới chức cao cấp của bộ ngoại giao Hoa Kỳ tỏ dấu cho thấy Hoa Kỳ có thái độ linh động về vấn đề này, nói rằng hình thức đáp ứng của Hội Ðồng Bảo An, cho dù là một bản nghị quyết hay một tuyên cáo chính sách chung, không quan trọng bằng những ngôn từ mạnh mẽ lên án Bình Nhưỡng về thái độ thách thức nghị quyết 1718 của Hội Ðồng Bảo An.

Nghị quyết đó, được thông qua sau khi Bắc Triều Tiên thực hiện vụ phóng thử hạt nhân hồi tháng 10 năm 2006, đòi Bình Nhưỡng không được thực hiện thêm một cuộc thử nghiệm hạt nhân hay phóng thử phi đạn nào khác nữa và áp dụng các biện pháp chế tài, ngăn cấm việc bán cho Bắc Triều Tiên công nghệ hạt nhân và phi đạn cùng các hệ thống vũ khí lớn.

Bà Clinton cho biết hoạt động ngoại giao để đáp ứng với Bắc Triều Tiên vẫn không tiếp tục không ngừng nghỉ mặc dù hôm qua đã không có một cuộc họp chính thức của Hội Ðồng Bảo An. Nhưng bà từ chối không bàn về chi tiết của các cuộc tiếp xúc và cho biết bà không muốn có định kiến về kết quả của các hoạt động này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG