Đường dẫn truy cập

Cải cách tài chính giúp Châu Á đối phó với khủng hoảng kinh tế


Cựu Bộ trưởng Tài chánh Thái Lan Tarrin Nimmanahaeminda, người có công giúp Thái Lan vượt qua cơn khủng hoảng tài chánh Châu Á, nói nhờ những cải cách thực hiện cách đây một thập niên, mà các ngân hàng trong khu vực đã tránh né được cơn suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo bài tường trình từ Bangkok của thông tín viên Ron Corben đài VOA, ông Tarrin cũng cổ võ các chương trình cải tổ về ngân hàng theo kế hoạch của Hoa Kỳ và các nước G-20.

Thái Lan đã dẫn vùng này vào cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1997, khi những mối lo sợ về các ngân hàng và nợ nước ngoài đã đưa tới sự suy sụp của đồng baht. Hơn một chục công ty tài chánh Châu Á phải đóng cửa, và nhiều ngân hàng phải sát nhập với những ngân hàng khác, hoặc bán những cổ phần lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời kỳ khủng hoảng đó ông Tarrin đã trở thành Bộ trưởng Tài chánh Thái Lan.

Ông Tarrin nói: “Vào năm 1997, khi một số khu vực tại Châu Á bị tác động bởi các vấn đề tổng thể trong hệ thống tài chánh, chúng tôi đã thực hiện một số lớn các biện pháp cải tổ khiến cho các cơ sở tài chánh Châu Á trở nên tương đối mạnh hơn. Như vậy có thể nói rằng là không có rắc rối gì lắm về mặt tích sản trong hệ thống ngân hàng Châu Á.”

Trong lúc phần lớn các ngân hàng Châu Á tương đối vững vàng, thì cơn khủng hoảng tài chánh toàn cầu đang gây thiệt hại cho những công nghiệp khác trong khu vực.

Phần đông các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thu nhập nhờ xuất khẩu và đã bị thiệt hại nặng nề vì sự suy sụp tại Hoa Kỳ và Châu Âu và do mức xuất khẩu qua những nơi này bị cắt giảm. Theo dự đoán nền kinh tế Thái sẽ bị co cụm tới 4% trong năm nay, khiến số thất nghiệp lên tới 2 triệu người.

Ông Tarrin nói sau cùng thì các chính phủ Châu Á sẽ phải trông vào thị trường xuất khẩu để phục hồi nền kinh tế .

Ông Tarrin nói: “Các chính quyền ở Châu Á đang khởi sự áp dụng nhiều biện pháp kích hoạt tài chánh. Tôi muốn nói là gần như nước nào cũng bắt tay làm việc này. Tuy nhiên trong khi đó thì ta chỉ có thể làm được đến thế trong một thời gian như vậy. Chung cuộc, ta vẫn cần quay lại trở lại với ngoại thương và dùng nguồn lưu hành dịch vụ quốc tế làm lối thoát cho các nền kinh tế Châu Á bị tác hại.”

Ông Tarrin cũng nói những kế hoạch do hội nghị G-20 đưa ra để kích hoạt hệ thống kinh tế toàn cầu đã 'đi đúng hướng'. Nhưng ông kêu gọi các nước công nghiệp chính nên bảo đảm sự hỗ trợ liên tục cho các nền kinh tế đang phát triển, vì lẽ họ không thể nào duy trì những chương trình kích hoạt trọn gói lớn lao như các nước trong thế giới công nghiệp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG