Đường dẫn truy cập

G-20 thỏa thuận tăng công chi, thực thi qui luật tài chính chặt chẽ


Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển chính yếu cũng như mới nổi trên thế giới đã đồng ý những biện pháp chi tiêu khổng lồ để tăng tiến kinh tế thế giới và thực hiện những qui luật về tài chánh gắt gao hơn nhằm tránh những cuộc khủng hoảng tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Thông Tín Viên Sonja Pace của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tường trình từ London.

Bước ra khỏi một ngày họp tại London, các nhà lãnh đạo thuộc khối G-20 tuyên bố về những thành tựu, những đồng thuận chưa từng có trước đây và những thỏa hiệp lịch sử.

Các nhà lãnh đạo này hứa đóng góp một ngàn tỉ đô la vào quỹ tiền tệ quốc tế, vào ngân hàng thế giới và những định chế toàn cầu khác nhằm giúp cho các quốc gia riêng lẻ rút được các khoản tiền để vực dậy tín dụng của họ cũng như giúp tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Tổng Thống Barack Obama của Hoa Kỳ mô tả hội nghị thượng đỉnh như là một diễn biến giúp xoay ngược được tình thế.

Tổng thống Obama nói: “Trong một thời đại mà các nền kinh tế của chúng ta liên hệ chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết , cả thế giới bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự suy thoái tai hại này. Và hôm nay, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã phản ứng lại bằng một loạt rộng lớn các hành động phối hợp chưa từng có trước đây.”

Tổng Thống Obama tuyên bố là những bài học trong quá khứ đã được lãnh hội.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhận định: “Đối phó với những thách đố về kinh tế toàn cầu tương tự trong quá khứ, thế giới đã hành động một cách chậm chạp và dân chúng phải trả một giá lớn lao. Điều này đúng trong cuộc Đại Suy thoái của những năm 1930 khi các quốc gia làm cho cuộc khủng hoảng kéo dài và tồi tệ bằng cách rút về với những biện pháp nội tại, chờ đợi đến hơn một thập niên mới cùng nhau đối phó với thách đố.”

Chủ trì hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Anh ông Gordon Brown tuyên bố là thế giới đã cùng nhau tiến đến một kế hoạch thống nhất để chống lại tình trạng suy thoái toàn cầu.

Thủ tướng Anh phát biểu: “Chúng ta tin tưởng rằng trong thời đại toàn cầu mới này, sự thịnh vượng của chúng ta không thể phân rẽ được. Chúng ta tin tưởng là những vấn đề toàn cầu đòi hỏi những giải pháp toàn cầu. Chúng ta tin tưởng rằng để việc tăng trưởng có tính cách bền vững chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm và một lần nữa mậu dịch phải là động cơ của phát triển.”

Hội nghị cấp cao rõ rệt nhấn mạnh nhu cầu phải có hành động phối hợp. Các nhà lãnh đạo khối G-20 tuyên bố sẽ duy trì các kế hoạch kích cầu hiện nay, cũng như các chính sách mở rộng phát triển cho tới khi nào các biện pháp này còn cần thiết.

Thủ Tướng Gordon Brown nói: “Được thực hiện cùng lúc, các hành động ấy cho phép chúng ta tin rằng nền kinh tế toàn cầu có thể lại phát triển trở lại, và còn nhanh hơn cả dự đoán của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hiện nay.”

Tại hội nghị, nhiều người đã cam kết chống lại chủ trương bảo hộ mậu dịch, đồng thời đề ra những biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiểm soát hoạt động của các ngân hàng, các cơ quan đánh giá mức độ khả tín và các quỹ đầu cơ, cùng lúc loại bỏ những kẽ hở của luật pháp hầu đối phó với những cá nhân hay doanh nghiệp muốn lợi dụng để trốn thuế.

Thủ Tướng nước Anh nói: “Lề lối bảo mật trong quá khứ của ngành ngân hàng phải chấm dứt.”

Các biện pháp được loan báo rất đa dạng và bao gồm nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên giới phân tích kinh tế nói rằng điều cũng thiết yếu không kém là các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cấp cao phải đưa ra một mặt trận đoàn kết, và quyết tâm phối hợp các nỗ lực để có thể đương đầu với cuộc khủng hoảng.

Lần lượt, các nhà lãnh đạo khối G-20 dường như quyết tâm thực hiện đúng điều đó. Tổng Thống Pháp, ông Nicolas Sarkozy nói hội nghị cấp cao đã vượt quá mức trông đợi của ông, và Thủ Tướng Đức, bà Angela Merkel, nhận định hội nghị là một thỏa hiệp rất tích cực, gần như có tính cách lịch sử.

Ít nhất về mặt ngoài, không một ai muốn nêu lên những khác biệt quan điểm trong nội bộ khối G-20. Trước đó, Hoa Kỳ và nước Anh mong các nước trong khối phải đẩy mạnh công chi để kích thích kinh tế, trong khi các nước Đức, Pháp và hầu hết các nước Châu Âu khác muốn siết chặt các quy định đối với lĩnh vực tài chính.

Một số các quốc gia nghèo hơn thì muốn bảo đảm rằng họ sẽ không bị bỏ quên, trong khi các nền kinh tế đang nổi lên, như Trung Quốc và Ấn Độ, thì quyết tâm muốn có một tiếng nói lớn hơn tại hội nghị thượng đỉnh G-20.

Trong suốt thời gian diễn ra các phiên họp của hội nghị, nhiều đám đông biểu tình thuộc nhiều nhóm và đoàn thể khác nhau đã tập trung lại để nói lên tiếng nói của họ.

Hôm thứ Tư, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình trên các đường phố ở trung tâm London, bao gồm các nhóm khác nhau, nhóm thì chống đối chiến tranh, nhóm chống nghèo đói, và nhóm thì chống tiến trình toàn cầu hóa; bên cạnh đó, còn có các nhóm tranh đấu để bảo vệ môi sinh, và các nhóm theo chủ nghĩa vô chính phủ.

Trong khi phần lớn các cuộc tuần hành của các nhóm này trông giống như những hội hè lớn tổ chức trên các đường phố, một vài cuộc đụng độ với cảnh sát cũng đã xảy ra, và một số người đã bị bắt giữ.

Hôm thứ Năm,tin cho hay hàng trăm người biểu tình đã kéo đến khu vực quanh Trung Tâm Excel tức địa điểm hội họp của các nhà lãnh đạo G-20 để nói lên quan điểm của họ.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG