Đường dẫn truy cập

HRW thúc đẩy cải thiện nhân quyền ở Thái Lan


Nhóm theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói đã có một số dấu hiệu tiến bộ trong thành tích nhân quyền của Thái Lan, tuy nhiên chính phủ nước này phải bắt đầu truy tố những kẻ vi phạm nhân quyền, kể cả trong các lực lượng an ninh của chính phủ. Từ Bangkok, Thông tín viên Ron Corben của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tường trình rằng chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cam kết sẽ tiếp tục cải thiện tình trạng nhân quyền.

Tổ chức Human Rights Watch kêu gọi chính phủ Thái Lan nên thực hiện những ‘bước hành động có tính biểu tượng’ hướng tới việc giải quyết các vấn đề nhân quyền trong nước bằng cách khởi tố những kẻ vi phạm nhân quyền. Tổ chức này nói rằng chính phủ Thái Lan cần chú trọng đến các nỗ lực cải cách hệ thống pháp lý và lực lượng cảnh sát, nhằm xây dựng niềm tin trong công chúng đối với các cơ quan nhà nước.

Lên tiếng trên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, Giám đốc châu Á của Human Rights Watch, ông Brad Adams, nói rằng những bước hành động như thế sẽ là một dấu hiệu rõ rệt cho thấy đã có tiến bộ trong thành tích nhân quyền của Thái Lan.

Ông Adams nói: “Chúng tôi muốn thấy những kẻ vi phạm nhân quyền bị truy tố. Có biết bao nhiêu trường hợp bằng chứng đã rõ ràng. Một chính phủ có quyết tâm chính trị chắc chắn có thể xúc tiến tiến trình khởi tố.”

Một cuộc thẩm định trước đó của Tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở tại đặt Hoa Kỳ này nói rằng Thái Lan đang trực diện với khuynh hướng tình trạng nhân quyền xuống cấp. Trong số các quan tâm được nêu lên, có quyết định của giới hữu trách Thái Lan đẩy các thuyền nhân tị nạn người Rohingya ra biển trở lại.

Những người sắc tộc Rohingya ở miền tây Miến Điện và Bangladesh thường là nạn nhân bị bán đi làm lao động tại khu vực Đông Nam Á.

Sau cuộc họp với Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, ông Adams hoan nghênh sự sẵn sàng của chính phủ Thái Lan trong việc tranh luận về các vấn đề nhân quyền.

Ông Adams nói: “Một vấn đề chính mà chúng tôi đang hối thúc không chỉ nhằm tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận hệ thống pháp lý, bởi vì chính phủ hay đề cập tới vấn đề tiếp cận, vốn chuyển gánh nặng lên vai các nạn nhân. Mà chính phủ còn phải có trách nhiệm mang lại công lý cho người dân. Điều đó có nghĩa là chính phủ phải buộc những kẻ vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, và do đó phải khởi tố các quân nhân hoặc nhân viên cảnh sát nào đã vi phạm nhân quyền.”

Tuy nhiên ông Brad Adams nhận định rằng có rất ít dấu hiệu tiến bộ trong chính sách của chính phủ kể từ khi ông Abhisit lên nắm chính quyền vào tháng 12 năm ngoái.


Ông Adams nói: “Theo tôi thì môi trường đã tốt hơn, có khả năng một số cải cách sẽ được thực hiện, một số bước tiến nhỏ hướng tới việc giải quyết vấn đề những kẻ phạm tội không bị trừng trị, tuy nhiên chưa thể nói là đã có những thay đổi bước ngoặt.”

Tổ chức Human Rights Watch nói chính quyền của Thủ tướng Abhisit vẫn lệ thuộc nặng nề vào sự hậu thuẫn của quân đội, là thành phần vẫn muốn hạn chế các nỗ lực cải cách.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đã theo sát phong trào nổi dậy kéo dài 5 năm qua đã giết chết hơn 3 ngàn 500 người tại các tỉnh có đa số cư dân theo Hồi giáo ở miền nam Thái Lan. Tổ chức này nói rằng đó là hệ quả của việc ‘không giải quyết những nỗi bất mãn của cư dân địa phương về các vụ vi phạm nhân quyền dưới tay các lực lượng an ninh, cũng như tình trạng bất công tại đây.’

Tuy nhiên trong một cuộc nói chuyện mới đây với báo chí nước ngoài, Thủ tướng Abhisit đã ra một số ‘dấu hiệu đáng phấn khởi’ trong các trường hợp về nhân quyền ở miền nam.


Thủ tướng Abhisit nói: “Sau khi một nhà lãnh đạo tôn giáo bị giết chết trong thời gian bị câu lưu, tòa án tỉnh Narathiwat đã kết án các quan chức có liên quan. Và Tư Lệnh quân đội Thái Lan khẳng định rõ ràng rằng các binh sĩ dưới quyền ông không được phép vi phạm luật lệ, nếu vi phạm, họ sẽ bị truy tố và xử lý theo đúng quy định.”

Tổ chức Human Rights Watch mong muốn chính quyền dân sự kiểm soát quân đội chặt chẽ hơn và chấm dứt ‘các chiến dịch chống nổi dậy quá mạnh tay.’

Tổ chức nhân quyền này bày tỏ quan tâm về những hạn chế đối với quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận. Human Rights Watch nói các thế lực bảo thủ trong quân đội Thái Lan đã lợi dụng luật chống tội phạm trên mạng và luật cấm chỉ trích chế độ quân chủ để đàn áp thành phần bất đồng chính kiến, những người chỉ trích và các nhà báo nhằm hạn chế cuộc tranh luận về vấn đề này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG