Đường dẫn truy cập

Nhiều người Úc có thể phải dời cư vì biến đổi khí hậu


Các giới chức cao cấp chính quyền bang Victoria nước Úc đang cảnh báo dân cư những tỉnh ven sông Murray, rằng họ có thể trở thành những người Úc đầu tiên phải dời cư vì lý do thay đổi khí hậu. Vùng này đã gánh chịu một cơn hạn hán kéo dài mà nhiều khoa học gia cùng chính khách qui trách cho hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu. Tình trạng khô hạn cực kỳ đã hạn chế dòng nước chảy vào con sông nằm trong lưu vực Hồ Murray-Darling, nguồn cung cấp phần lớn thực phẩm cho Úc. Sự kiện này đã khơi ra những cảnh báo khủng khiếp về tương lai, theo như bài tường trình của thông tín viên đài VOA Phil Mercer gửi về từ Sydney.

Lưu lượng của con sông Murray một thời dũng mãnh đã hạ xuống mức đáng kể trong những năm gần đây. Sự lành mạnh của dòng sông này gắn liền với sự thịnh vượng của nhiều tỉnh nông nghiệp lớn vùng Đông Nam Úc.

Một giới chức cao cấp chính quyền bang Victoria đã cảnh báo rằng, cơn khủng hoảng về con sông Murray đạt mức nghiêm trọng đến độ những người sinh sống gần bờ sông đang 'tiến khá gần', trích dẫn nguyên văn lời ông , tới chỗ trở thành những người Úc tỵ nạn đầu tiên vì sự biến đổi khí hậu.

Ông John Brumby, thủ hiến bang Victoria đang tranh đấu với bang Nam Úc bên cạnh để được quyền rút thêm nước từ con sông Murray, nhằm giúp đỡ các nông gia đang lâm nạn.

Ông Brumby cảnh báo rằng nếu ông không đạt được mục đích, thì một số thị trấn có thể tàn lụi và bị tiêu diệt.

Ông Brumby nói: “Tất cả những nơi đó có thể bị mất nguồn đầu tư và người và việc làm và toàn bộ dân cư. Nếu bạn cứ để yên cho phép Chính quyền các bang nhập vào thị trường, có nghĩa là bạn hủy hoại các cộng đồng cần được tưới nước ở vùng nông thôn bang Victoria; và tôi sẽ không đứng yên nhìn các cộng đồng nông thôn bị hủy hoại như vậy.”

Chính phủ Liên Bang Úc đang thực hành một kế hoạch bảo tồn cho con sông Murray, nhưng thừa nhận rằng các nỗ lực làm phục hồi lưu lượng đòi hỏi nhiều thời gian.

Nhữngï tranh cãi giữa các Chính quyền các Bang ở Đông Nam Úc về lượng nước các nông gia được phép sử dụng để tưới cho mùa màng, vẫn là những vấn nạn chính.

Những nơi khác tại Úc cũng dễ bị ảnh hưởng. Không giống như các thị trấn gần sông Murray, các cộng đồng dọc theo vùng Gold Coast nổi tiếng trong bang Queensland cũng bị đe dọa vì mức nước biển dâng cao.

Phần lớn khu vực phía Nam Brisbane nằm ở vùng thấp và dễ mắc nạn lụt nghiêm trọng khiến dân cư đang phải trực diện với viễn ảnh thực sự phải dời cư.

Hội đồng Thành phố đang chi ra hàng triệu để củng cố hệ thống bảo vệ duyên hải và áp dụng việc kiểm tra chặt chẽ những công trình xây dựng mới, mặc dù họ phải thừa nhận rằng có một số vùng không thể nào được bảo vệ.

Ông Peter Young, một thành viên Hội đồng cho biết triều dâng do bão và mực nước biển dâng cao là những mối đe dọa nghiêm trọng…

Ông Young nói: “Chúng tôi chấp nhận hiện tượng biến đổi thời tiết là một thực tế. Vùng bờ biển phía Đông chúng tôi rất nhạy cảm với tình hình đó. Bờ Biển Vàng có lẽ là thành phố nhạy cảm hơn cả trên toàn nước Úc và viễn tượng tôi nhìn thấy được từ những nguồn tin đáng tin cậy quả là đáng sợ. Rất nhiều công trình xây dựng có sẵn tại thành phố này và có lẽ tại những thành phố duyên hải khác, được xây dựng trước khi chúng tôi có những hiểu biết về tình hình hiện nay, và trong một vài trường hợp chúng tôi không làm được gì nhiều để bảo vệ các công trình đó.”

Australia là nước phát ra lượng khí thải nhà kính tệ nhất tính theo đầu người, phần lớn là do nền kinh tế dựa vào than đá rẻ tiền.

Mặc dù không phải ai cũng tin là sự biến đổi khí hậu là kết quả những cách hành xử quá đáng của con người, nhiều người dân Úc cho là phải thay đổi lối hành xử đó. Cơn hạn kéo dài và việc hạn chế nước tại phần lớn thành phố lớn cùng những vùng nông nghiệp đã giúp họ tập trung chú ý vào môi trường.

Ông Owen Pascoe thuộc Quỹ Bảo Tồn Australia nói rằng nước ông có khả năng triển khai những nguồn cung ứng năng lượng có thể tái chế biến và sẽ thoát ra khỏi cơn khủng hoảng này với nguyên vẹn sự thịnh vượng của mình.

Ông Pascoe nói: “Australia là một trong những nước dễ bị tác động nhất của hiện tượng biến đổi thời tiết, vì những điều liên quan đến vùng duyên hải của chúng ta và vì việc chúng ta phải dựa vào hồ nước Murray-Darling cho ngành sản xuất nông nghiệp. Quả thật chúng ta đứng ở tiền tuyến của sự biến đổi thời tiết nhưng chúng ta cũng là một trong những nước có những cơ hội thành công tốt nhất và chúng ta làm tốt, và đạt được thành quả tốt. Chúng ta sẽ tạo ra những việc làm cải thiện môi trường và những doanh nghiệp bảo vệ môi trường, nếu chúng ta tiến hành các biện pháp mạnh.”

Theo các khoa học gia, lục địa Úc là nơi đặc biệt dễ bị tác hại do hậu quả tình trạng biến đổi khí hậu. Đã có những cảnh báo được đưa ra về nạn cháy rừng, và có nhiều phần chắc là nạn hạn hán và bão nhiệt đới sẽ diễn ra thường xuyên hơn và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những thập niên sắp tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG