Đường dẫn truy cập

Diễn đàn Nước Thế giới lần 5 khai mạc tại Thổ Nhĩ Kỳ


Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 5 đã khai mạc hôm thứ hai tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ kỳ. Hàng ngàn người, từ các vị nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo doanh ngiệp, những người hoạt động bảo vệ môi trường, cho tới các nhà khoa học, đã thảo luận về những phương cách để quản lý và bảo tồn nguồn tài nguyên quí giá này. Từ Istanbul, thông tín viên Dorian Jones của đài VOA tường thuật rằng hội nghị diễn ra trong lúc Liên Hiệp Quốc cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột vì khan hiếm nước.

Khan hiếm nước là một trong những vấn đề then chốt được mang ra thảo luận tại Diễn đàn Nước Thế giới. Tuần trước, Liên Hiệp Quốc đã phổ biến bản phúc trình mới nhất về nguồn nước, trong đó vẽ ra một bức tranh u ám về nhu cầu gia tăng và nguồn cung ứng sút giảm.

Ông Gerhart Payen là người cố vấn về vấn đề nguồn nước cho Tổng thư ký Ban Ki Moon của Liên Hiệp Quốc. Ông cũng giữ chức Chủ tịch của Liên đoàn Quốc tế Các nhà cung ứng nước tư nhân – một hiệp hội nối kết các tổ chức quốc tế với những công ty tư nhân trong ngành cung ứng dịch vụ cấp nước và vệ sinh. Ông Payen cho biết bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc là một hồi chuông báo thức rất quan trọng cho thế giới.

Ông Payen nói: "Thực tế của ngày nay là nạn khan hiếm nước đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới vì lượng sử dụng gia tăng và một phần cũng vì nạn biến đổi khí hậu. Đó là một thực tế. Thời kỳ nước nhiều đã qua rồi. Vì vậy cho nên trong tương lai chúng ta phải quản lý nước cẩn thận hơn. Và có khả năng là sẽ xảy ra những vụ xung đột. Cho nên nếu chính phủ các nước không chú tâm giải quyết, những vụ xung đột sẽ xuất hiện ở cấp khu vực và cấp quốc tế. Đây là một trách nhiệm chung mà mọi người chúng ta ai nấy đều phải góp phần gánh vác. Chúng ta phải nhận thức được rằng số người trên trái đất quá đông và thời kỳ nước nhiều đã qua rồi."

Theo phúc trình của Liên Hiệp Quốc, Trung Đông là khu vực mà xung đột có thể xảy ra, đặc biệt là giữa Israel với các nước láng giềng, vì nguồn cung ứng nước ngày càng ít đi.

Thổ Nhĩ kỳ, nước đứng ra tổ chức hội nghị lần này, đã đề nghị một giải pháp để giảm bớt căng thẳng – đó là Thổ Nhĩ kỳ sẽ bán nước cho Israel từ vùng duyên hải Đại tây dương ở miền đông.

Ông Dogan Altinbilek, cựu Tổng Giám đốc Cục Thủy Lực Quốc gia Thổ Nhĩ kỳ, là một trong những người soạn thảo kế hoạch vừa kể.

Ông Altinbilek nói: "Đây là khu vực thiếu nước nhất trên thế giới. Ở nhà tôi, tôi có rất nhiều cuốn sách nói về những cuộc chiến tranh vì nước ở Trung Đông. Có ít nhất 12 tác giả đã nói rằng nếu chiến tranh xảy ra ở Trung Đông thì đó sẽ là cuộc chiến tranh vì vấn đề nguồn nước. Kế hoạch cung ứng nước cho Israel sẽ mang lại một số lợi nhuận cho Thổ Nhĩ kỳ, nhưng không nhiều lắm. Thực ra đây là một tài nguyên mà chúng tôi không có nhiều nhưng chúng tôi sẵn sàng cung ứng."

Dự án này hiện đang trong vòng trù hoạch, với các cuộc thảo luận được thực hiện với Israel về các vấn đề an ninh, hậu cần và phí tổn. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã nêu lên những mối quan tâm về vấn đề môi trường của dự án.

Vấn đề thương mại hóa nguồn nước và vai trò của khu vực tư nhân là một vấn đề gây nhiều tranh luận.

Bên ngoài địa điểm hội nghị, hàng trăm người biểu tình đã phản đối điều mà họ gọi là 'thương mại hóa' nguồn nước. Những người chỉ trích nói rằng Diễn đàn này có liên hệ quá gần gũi với những quyền lợi của giới kinh doanh.

Một hội nghị thay thế do mấy mươi tổ chức phi chính phủ dự kiến sẽ khai mạc tại Istanbul trong tuần này.

Ông Mark Hayes, thuộc Hội Trách nhiệm Doanh ngHiệp Quốc tế nói rằng thương mại hóa nguồn nước không giải quyết được vấn đề nước của thế giới.

Ông Hayes nói: "Ngay lúc này, nếu quí vị nhìn kỹ việc thực hiện chính sách nước trong 10 hoặc 15 năm vừa qua, quí vị sẽ thấy là các công ty nước tư nhân này làm việc chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới, thậm chí họ còn làm việc chặt chẽ với một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc – là tổ chức định đoạt chương trình nghị sự. Và kết quả là hiện tượng tư nhân hóa ồ ạt ở Mỹ châu La tinh, Đông Nam Á và Phi châu đã xuất hiện đồng thời với xu thế biến nước thành một thứ hàng hóa, với sự bùng phát của thị trường nước đóng chai. Họ đã có cơ hội để chứng tỏ là tư nhân hóa có thể giải quyết vấn đề này. Nhưng điều rõ ràng là ngay cả những người trong bọn họ cũng thừa nhận rằng đó không phải là một loại thuốc chữa bá bệnh."

Vai trò của khu vực tư nhân trong việc góp phần khắc phục những thách thức liên quan tới công tác bảo tồn nước và đưa nước uống sạch tới cho dân chúng là một vấn đề quan trọng khác mà hội nghị Istanbul đã thảo luận.

Ông Gerhard Payen của Liên đoàn Quốc tế Các nhà cung ứng nước tư nhân cho biết rằng có một vai trò cho cả khu vực tư lẫn khu vực công. Ông nói thêm rằng mọi người nên có thái độ thực tế, thay vì bám chặt vào hệ tư tưởng của mình.

Ông Payen nói: "Ngày nay chúng ta có một sự cách biệt giữa 3 tỉ rưỡi người có nước máy để dùng và 3 tỉ người không có nước máy ở nhà hay ở gần nhà. Có một sự cách biệt rất lớn trên thế giới giữa những người hưởng lợi từ dịch vụ cấp nước công cộng với những người không được hưởng lợi. Trong 15 năm qua, khu vực tư nhân đã mang lại dịch vụ cung ứng nước cho hơn 25 triệu người. Vì vậy vấn đề hiện nay là: Khi nào thì chúng ta mới muốn cho tất cả mọi người ai nấy cũng đều tiếp cận được với nguồn nước an toàn và đáng tin cậy? Đây là vấn đề chính. Đối với những người này, điều quan trọng nhất là tiếp cận với nguồn nước."

Diễn đàn Nước Thế giới còn có khóa họp dài một tuần dành riêng cho các đại diện chính phủ. Những cuộc họp này được tiến hành mà không có sự tham dự của công chúng và diễn ra tại một địa điểm khác với địa điểm chính của hội nghị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG