Dubai, một vương quốc nhỏ bé ở vùng Vịnh Ba Tư, từ lâu đã chiếm vị thế là một trung tâm tài chánh và thương mại quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu. Dubai đã xây dựng cho mình hình ảnh về một quốc gia tân tiến hiện đại với những khách sạn sang trọng, những địa điểm nghỉ mát lý tưởng nơi diễn ra cuộc tranh tài quốc tế sáng giá. Tuy nhiên tình trạng kinh tế suy thoái đã khiến một số công nhân nước ngoài đến đây làm việc phải thu xếp hành lý về nước. Đối với một số công nhân từ các nước Nam Á đến Dubai làm việc, nay lâm vào cảnh thất nghiệp thì về nước không phải là giải pháp khả thi. Thông Tín Viên Mandy Clark tường trình cho đài VOA từ Dubai như sau.
Trong thời kỳ hoàng kim của Dubai, tiếng ồn của các hoạt động xây dựng vang lên ở khắp mọi nơi. Những tòa cao ốc và những khu nghỉ mát dành cho khách du lịch được xây dựng bởi một đội ngũ đông đảo các công nhân ngoại quốc, hầu hết đến từ Ấn Độ và Pakistan. Dubai đã trở thành một nơi có sức thu hút mạnh mẽ đối với người nước ngoài, thành phố này đã tự biến đổi để trở thành một thủ đô tài chánh và một địa điểm du lịch ăn khách trong vùng vịnh Ba Tư. Thế rồi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng đến nơi này và thời kỳ kinh tế phát triển nhanh chóng nhường chỗ cho một thời kỳ kinh tế trì trệ.
Giơ đây, những người này - như hàng ngàn người khác-đã bị mất việc. Tất cả đều đến từ Nam Á - khoảng 20 người hay nhiều hơn nữa phải chia chung một phòng để giảm chi phí thuê nhà trong khi chờ đợi tìm được một công việc khác. Anh Zafar Abbasis là một công nhân ngành thép. Anh đến Liên Hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập cách đây 2 năm nhưng vừa bị mất việc. Bây giờ, không có tiền thu nhập, đời sống của anh đang trở nên khó khăn.
Anh Abbasis nói: “Chúng tôi không có tiền để mua thức ăn, mọi thứ đều đắt đỏ, thuốc men, hay tiền thuê nhà.”
Đây là những người thuộc một đội ngũ công nhân nước ngoài đến để xây dựng Dubai trong thời kỳ nền kinh tế đang phát triển mạnh. Nhiều người đã thất nghiệp hơn một tháng rồi. Họ cho biết họ không thể trở về nước bởi vì chủ nhân giữ hộ chiếu của họ và bảo họ nên chờ cho đến khi có việc làm trở lại.
Hơn một nửa các dự án xây dựng của Liên Hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất trị giá 582 tỉ đô la bị đình hoãn lại theo các con số do công ty nghiên cứu thị trường Proleads đưa ra. Một vài dự án vẫn còn tiếp tục một phần nhờ vào số tiền 10 tỉ đô la trợ giúp từ thủ đô Abu Dhabi của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tuy nhiên nhiều công nhân thất nghiệp vẫn còn bị kẹt lại tại đây.
Những nhóm tranh đấu cho công nhân-kể cả tổ chức Lao động quốc tế của Liên Hiệp Quốc, đã tăng áp lực để hàng trăm ngàn công nhân không có tay nghề được bảo vệ nhiều hơn. Các công nhân này đổ xô đến các quốc gia trong vùng Vịnh trong suốt thời gian ngành xây dựng ở đây phát triển mạnh và hiện đang phải xoay xở với hệ quả của tình hình kinh tế khó khăn hơn hiện nay.
Những dòi hỏi của họ gồm yêu cầu chấm dứt việc giới chủ nhân cầm giữ hộ chiếu của công nhân, là một hành động bất hợp pháp nhưng rất phổ biến, mục đích là để ngăn chận không cho họ có cơ hội để tìm những công việc mới theo hệ thống bảo trợ lao động trong nước.
Trong khi đó nhiều chuyên gia Tây phương có kỹ năng cao đã bỏ Dubai ra đi. Các bản tin nước ngoài nói có khoảng 3000 xe ôtô đã bị bỏ lại tại bãi đậu xe của phi trường Dubai. Đây là ô tô của những người nước ngoài mang nhiều công nợ trốn chạy về nước họ. Tuy nhiên cảnh sát trưởng Dubai đã bác bỏ các tin này.
Bà Marie-Josee Primeau là một nữ doanh gia ở Dubai. Bà cho biết là một vài người bạn của bà đã ra đi.
Bà Primeau nói: “Đây là thời kỳ rất nhiều người mất việc vì nền kinh tế ở đây dựa trên ngành địa ốc và du lịch. Rõ ràng nhiều người đã bị ảnh hưởng.”
Bà Primeau cho biết là bà vẫn ở lại tuy rằng cuộc khủng hoảng kinh tế là một thách đố lớn.
Bà Primeau phát biểu: “Nó cũng giống như một ván cờ. Chúng ta cần hành động để phản ứng. Tôi cảm thấy được phấn khích chính vì những thách đố ấy, tôi nhìn vấn đề theo một lối khác.”
Ông Richard Thompson là biên tập viên của tạp chí “Middle East Economic Digest”. Ông cho biết là vùng này đã bắt đầu có biện pháp để ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế. Dubai đã bắt đầu ổn định lại nền kinh tế địa phương bằng một kế hoạch bán 20 tỉ đô la công khố phiếu. Trong ngắn hạn số tiền này đủ để đáp ứng nhu cầu tài chánh của thành phố và giúp ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên ông cho biết thêm là có nhiều lý do mọi người cảm thấy lạc quan một cách thận trọng .
Ông Thompson nói: “Ở đây nhiều người đang mất việc. Người ta đã mất nhiều tiền bạc. Hiện không ai biết là cuộc khủng hoảng tín dụng này sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên chúng tôi tin tưởng rằng giá dầu thô sẽ tăng trở lại. Các ngân hàng có thể bắt đầu cho vay trong nửa năm còn lại, lúc mà số tiền trợ giúp của chính phủ bắt đầu luân lưu. Tôi tin rằng kinh tế sẽ phục hồi lại một cách nhanh chóng tại Dubai.”
Tuy nhiên nhiều công nhân nước ngoài cho biết là họ không có nhiều thời gian để chờ đợi. Anh Zafar Abbasi nói rằng anh cần phải tìm được việc làm càng sớm càng tốt.
Anh Abbasi nói: “Đó là hy vọng của tôi, tuy nhiên tôi chưa thấy có triển vọng nào là sẽ có việc. Tôi chỉ có thể hy vọng mà thôi.”
Đó là hy vọng thời kỳ phát triển mạnh sẽ trở lại với Dubai, để các tòa cao ốc còn đang xây dang dở được hoàn tất. Hy vọng đó bây giờ hãy còn quá xa vời.