Đường dẫn truy cập

Hội nghị ASEAN trắc nghiệm chính sách nhân quyền của Miến Ðiện


Một nhóm chính trị gia Đông Nam Á cổ xúy cho nhân quyền và công lý tại Miến Điện nói rằng tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào cuối tuần này vấn đề cải cách chính trị ở Miến Điện sẽ là một cuộc trắc nghiệm trọng yếu của tổ chức khu vực gồm 10 quốc gia thành viên này. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của Đài VOA có bài tường trình sau đây.

Nhóm Liên Quốc hội ASEAN về Miến Điện nói rằng hồ sơ nhân quyền và các bước cải cách chính trị tại Miến Điện phải được đặt ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của Hội nghị Thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, được khai mạc vào hôm nay, thứ sáu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Philippines, ông Lorenzo Tanada nói rằng các nhà lãnh đạo ASEAN xử trí như thế nào về vấn đề này sẽ là một cuộc trắc nghiệm về quan điểm quốc tế của tổ chức khu vực này.

Ông Tanada nói: “Người ta sẽ ngờ vực về tính chính trực của ASEAN nếu không có hành động gì được đưa ra liên quan đến vấn đề Miến Điện, nhất là khi nước này đang sắp bước vào cuộc bầu cử năm 2010. Chúng tôi biết rằng chính phủ quân nhân của nước này dùng cuộc bầu cử để hợp thức hóa việc nắm quyền cai trị của họ.”

Nhóm các nhà lập pháp liên quốc hội của ASEAN mạnh mẽ cổ xúy cho cải cách chính trị và nhân quyền tại Miến Điện, và tăng thêm áp lực quốc tế đối với nước này. Tuy nhiên hội nghị thượng đỉnh ASEAN dự kiến sẽ đặt trọng tâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

ASEAN bị chỉ trích cả bên trong lẫn bên ngoài khu vực Đông Nam Á về việc không tăng thêm sức ép đòi Miến Điện phải cải cách kể từ khi nước này gia nhập tổ chức khu vực này vào năm 1997.

Tuy nhiên một bước tiến quan trọng đã đạt được khi hiến chương ASEAN được tất cả mười nước thành viên, trong đó có cả Miến Điện, chấp thuận vào tháng 12 vừa qua, có điều khoản liên quan đến nhân quyền.

Đại diện của chính phủ Thái Lan, ông Buranat Samutrak, bày tỏ tin tưởng rằng những yếu tố thiết yếu để thúc đẩy thay đổi ở Miến Điện đã sẵn sàng, nhất là hiến chương ASEAN.

Ông Buranat nhận định: “Theo tôi thì không thể có một thời điểm nào lại tốt hơn là lúc này để thấy được những kết quả do các đại diện, các nhà lãnh đạo và các chính phủ cùng chung sức hành động

Đại diện của chính phủ lưu vong Miến Điện, ông Teddy Buri, nói rằng áp lực đối với chính phủ Miến Điện - còn được biết với cái tên là Hội đồng Hòa bình và Phát Triển Nhà Nước đang dẫn đến những thay đổi. Tuy nhiên ông Buri nói rằng ASEAN cũng cần phải có một quan điểm thống nhất về Miến Điện.

Ông Buri nói: “Việc chính phủ Miến Điện tổ chức bầu cử vào năm 2010 thực ra là do bị áp lực. Nói một cách khác Hội đồng Hòa bình và Phát triển Nhà Nước đang thực sự cảm nhận sức ép. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu với chính ASEAN để nói lên chung một tiếng nói, để hành động có phối hợp, và rồi sẽ kéo những tiếng nói quốc tế quan trọng cùng tham gia.”

Cuộc bầu cử năm 2010 là một phần của điều mà chính phủ quân nhân Miến Điện gọi là lộ đồ tiến đến dân chủ. Lộ đồ này bao gồm việc cả việc soạn thảo hiến pháp mới.

Bà Nurul Izzah Anwar, một đại biểu quốc hội Malaysia, nói rằng cần phải buộc chính phủ Miến Điện chịu trách nhiệm.

Bà Nurul nói: “Tất nhiên là tại diễn đàn ASEAN, việc Miến Điện cuối cùng đã đi đến tổ chức bầu cử nghe rất hay, thế nhưng cuộc bầu cử đó không thể ngăn chặn những việc làm sai trái mà chính phủ này đã làm và sẽ tiếp tục làm. Tôi tin rằng chương trình mà chúng ta đang có này là khởi đầu cho việc chỉnh sửa những việc làm sai trái.”

Các nhà hoạt động tích cực cho nhân quyền lo ngại rằng cuộc bầu cử năm 2010 sẽ không diễn ra ‘tự do và công bằng’ mà thực ra chỉ làm một phương cách để quân đội mở rộng quyền lực. Chính phủ quân nhân Miến Điện đã cai trị nước này từ năm 1988.

Tổ chức nhân quyền mang tên Ân xá Quốc tế cũng tạo sức ép đòi ASEAN phải bảo đảm rằng vấn đề nhân quyền phải được đưa lên hàng đầu trong nghị trình của hội nghị thượng đỉnh. Hồi đầu tuần này chính phủ Miến Điện đã trả tự do cho 24 tù nhân chính trị, tuy nhiên theo các nhóm nhân quyền thì còn hơn 2 ngàn100 tù nhân chính trị vẫn còn đang bị giam cầm.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG