Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn một nhà báo Thái Lan trước hội nghị ASEAN


Các nhà báo ở Thái Lan có được tự do viết ra những gì mình ghi nhận hoặc suy nghĩ hay không? Trong khi chờ đợi quan chức các nước trong Hiệp hội ASEAN thảo luận những thỏa thuận mà họ sẽ ký trong hội nghị cấp cao lần này tại thành phố Hua Hin, phóng viên Huy Phương của ban Việt ngữ đài VOA có dịp trao đổi với một nhà báo Thái Lan về các vấn đề liên hệ.

Chị Thanida Tansubhapol đã làm việc được 15 năm cho Bangkok Post, một trong những tờ báo hàng đầu của Thái Lan. Chị cho biết những người làm báo như chị đa số đều tốt nghiệp đai học, nhưng không nhất thiết phải có bằng cấp về Truyền thông Đại chúng. Chị tin rằng có nhiều nhà báo giỏi tốt nghiệp từ nhiều ngành khác nhau.

Thanida Tansubhapol: “Tôi phụ trách mảng tin tức có liên quan đến đối ngoại, nên phải thường xuyên tiếp xúc với bộ Ngoại giao, hầu như mỗi ngày. Đôi khi tôi phải đi chỗ này chỗ nọ, có khi phải công tác nước ngoài. Lương bổng của nhà báo Thái Lan không cao không thấp, có thể nói là ở chính giữa so với các ngành nghề khác. Tôi thích công việc hiện tại vì được viết ra những gì mình thích và có thời giờ lo cho 2 đứa con.”

VOA: Chị vừa nói là chị hài lòng với công việc đang làm, và có thể viết những gì mình thích. Vậy thì nhìn chung, nghề làm báo ở Thái Lan có được tự do hoàn toàn hay không. Lâu lâu có xảy ra trường hợp gặp những đề tài nhạy cảm, sẽ có một lệnh từ đâu đó trong chính phủ buộc phải ngưng phổ biến tin này tin nọ không?

Thanida Tansubhapol: “Vâng, tôi có thể viết bất cứ gì tôi muốn, chính quyền không thể xen vào công việc tôi làm. Nhưng cũng xin nói thêm là dưới chính quyền của cựu Thủ Tướng Thaksin, đôi khi ông ấy có xen vào công việc của báo chí, thông qua các quảng cáo. Ví dụ có những trường hợp, khi thấy báo chí có những thông tin bất lợi cho ông, thì ông Thaksin sẽ có các bước để cắt quảng trên các tờ báo, ông ta sẽ nói với các công ty thuộc phe ông ngưng đăng quảng cáo trên tờ báo đó. Theo tôi, đây cũng là hình thức xen vào công việc của báo chí, đúng không?”

VOA: Như vậy thì cuộc sống của người dân Thái Lan có khá hơn sau khi ông Thaksin ra đi hay không?

Thanida Tansubhapol: “Riêng cuộc sống của cá nhân tôi thì không thấy có gì thay đổi dưới cả hai chính phủ, nhưng đối với người dân Thái thì bây giờ hình như họ chia làm hai nhóm, một ủng hộ Thaksin, một ủng hộ Abhisit. Tôi không biết chắc là nhóm nào đông hơn, nhưng nếu bây giờ ta xem số người tham gia biểu tình thì ta thấy nhóm không đồng ý với ông Thaksin có vẻ đông hơn.

VOA: Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay thì Thái Lan gặp những tác động gì?

Thanida Tansubhapol: "Tôi nghĩ là Thái Lan gặp tác động khá mạnh do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Có nhiều người thất nghiệp, chính phủ đang cố giảm bớt số người thất nghiệp và giúp những người này. Ngoài ra, chính phủ còn bơm thêm tiền vào guồng máy kinh tế.”

VOA: Thái Lan đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về cách xử lý người tỵ nạn Rohingya ở Miến Điện, bỏ mặc cho những thuyền nhân này chết ngoài biển. Chị có nghĩ rằng lẽ ra vấn đề người tỵ nạn Rohingya có thể giải quyết một cách tốt hơn hay không?

Thanida Tansubhapol: "Vâng, vấn đề này lẽ ra có thể được xử lý tốt hơn. Tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ý là không quốc gia nào chịu nhận người Rohingya. Trong lúc đó, Thái Lan đã gặp sức ép do tiếp nhận người Miến Điện tỵ nạn bằng đường bộ ở khu vực biên giới, cho nên người tỵ nạn Rohynya tạo thêm một gánh nặng nữa cho Thái Lan. Hiện nay Thái Lan đã họp với 5 nước khác có liên hệ đến vấn đề này như Miến Điện, Malaysia, Ấn Độ, Bangladesh, và Indonesia để tìm giải pháp tốt hơn cho số người này, và bây giờ thì chúng ta nên chờ xem kết quả của cuộc họp.”

VOA: Trở lại với hội nghị ASEAN ở Hua Hin này thì qua kinh nghiệm 15 năm của người phụ trách tin tức đối ngoại cho tờ Bangkok Post, thì chị thấy các nước thành viên ASEAN trông đợi những gì, và liệu mục tiêu của họ muốn trở thành một tổ chức giống như Liên hiệp Châu Âu có thực hiện được hay không?

Thanida Tansubhapol: “Tôi cho rằng họ muốn tiến đến một cộng đồng thực sự, với mục tiêu rõ rệt là đến năm 2015 sẽ kết hợp thành một khối giống như Liên hiệp Châu Âu; nhưng theo ý kiến của cá nhân tôi, mục tiêu này rất khó đạt vì các thành viên ASEAN có những khác biệt. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Lào thì cộng sản, rồi Miến Điện thì quân sự cầm quyền; và sau cùng là Kampuchia. Bốn nước này có những cơ chế khác nhiều, so với 6 thành viên còn lại. Do đó, chuyện kết hợp thành một khối rất khó.

VOA: Cám ơn chị Thanida đã dành cho Ban Việt Ngữ đài VOA cuộc phỏng vấn này.

Huy Phương, tường trình từ Hua Hin.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG