Đường dẫn truy cập

LHQ: Thiếu hụt lương thực là lý do người Rohingya rời bỏ Miến Ðiện


Chương trình Thực phẩm Thế giới WFP cho biết tình trạng thiếu an ninh về thực phẩm và suy dinh dưỡng mà những người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện đang phải đối phó vẫn là lý do chính khiến hàng ngàn người Rohingya chạy trốn khỏi vùng này mỗi năm. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Ron Corben tại Bangkok, WFP đang kêu gọi chính quyền quân nhân Miến Điện nới lỏng các hạn chế về chuyên chở trong nước để cải thiện tình hình an ninh về thực phẩm toàn bộ.

Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên hiệp quốc, gọi tắt là WFP, đổ lỗi cho tình trạng nghèo khó và thiếu hụt thực phẩm kinh niên là yếu tố chính đứng sau cuộc di tản của những người sắc tộc Rohingya theo Hồi giáo ở Miến Điện, bất kể sự viện trợ của quốc tế dành cho vùng này từ hơn 1 thập niên.

Người sắc tộc Rohingya, đa số sống ở bang Rakhine miền bắc Miến Điện, là vùng cực tây của nước này giáp giới với Bangladesh. Đa số đã không được nhập tịch Miến Điện. WFP đã cung cấp viện trợ lượng thực cho bang Rakhine của người Rohingya từ năm 1994.

Cố vấn về thông tin liên lạc trong vùng của WFP, ông Paul Risley nói rằng mức độ thiếu hụt thực phẩm và suy dinh dưỡng đang bồi thêm vào cảm giác tuyệt vọng trong cộng đồng người Rohingya.

Ông Risley nói: “Nghèo khó vẫn còn là thách thức lớn nhất. Người ta thường thấy dân chúng ở bang Rakhine không có thực phẩm giữa hai mùa thu hoạch. Mức độ tuyệt vọng có thể đo được qua tỷ lệ suy dinh dưỡng cao được phát hiện trong những thẩm định gần đây.”

Các tường trình mới nhất của WFP cho thấy 1/3 trẻ em Miến Điện dưới 5 tuổi bị thiếu cân, với hơn 100,000 em thiệt mạng mỗi năm.

Hiện thời các kế hoạch của WFP nhằm cung cấp viện trợ lương thực cho khoảng 1 triệu 600 ngàn người khắp bang Rakhine, bang Shan và phân khu Magway, gồm các bang Chin và Kachin.

WFP cũng đang cung cấp viện trợ lương thực cho hơn 1 triệu người ở vùng châu thổ Irawaddy bị trận bão Nargis tàn phá hồi tháng 5 năm ngoái. Trận bão này cũng đã làm hàng ngàn người thiệt mạng.

Ông Risley kêu gọi chính quyền Miến Điện nới lỏng các hạn chế về di chuyển hàng hóa và thực phẩm từ những nơi khác trong nước, nơi mà WFP và các tổ chức phi chính phủ khác đang hoạt động.

Ông Risley nói: “Các ngôi chợ đơn giản cho phép bán thực phẩm trồng được ở một khu vực được bán ở những khu vực không có thực phẩm; đó là yếu tố lớn nhất đang gây trở ngại cho sự an ninh về thực phẩm và chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng nặng trong dân chúng ở Miến Điện hiện nay.”

WFP cũng cho biết các hạn chế khác áp đặt lên dân chúng Hồi giáo đang tác động xấu đến đời sống và khiến họ dễ bị tổn thương.

Vấn nạn của người Rohingya đã được nêu bật trong những tháng gần đây vào lúc hàng ngàn người thiểu số hồi giáo này chạy trốn khỏi Miến Điện và Bangladesh bằng tàu thuyền với hy vọng tìm được công ăn việc làm ở Đông nam Châu Á, nhất là tại Malaysia.

Hàng ngàn người đi tàu thuyền đã trôi giạt dọc theo bờ biển Thái Lan và Indonesia, khơi ra nhiều tranh luận và những lời tố giác về sự ngược đãi của quân đội và các cơ quan thi hành công lực buộc những tầu thuyền chở đầy người tỵ nạn quay ra biển.

Thái Lan, nước đang chuẩn bị chủ trì cuộc họp thượng đỉnh khu vực của Tổ chức các quốc gia Đông nam Á ASEAN trong tháng này, đang kêu gọi các chính phủ trong vùng đi tìm các giải pháp cho những vấn đề của người Rohingya trước khi diễn ra cuộc họp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG