Đường dẫn truy cập

Phiên xử Khmer Ðỏ là bước tiến tới công lý cho Kampuchea


Tòa án xét xử Khmer Đỏ đang diễn tiến, sau hơn 10 năm thương lượng, được coi như một bước tiến quan trọng đối với người dân Kampuchea. Tuy nhiên, tiến trình lâu dài và đôi khi khó khăn nhằm đạt được sự chấp thuận của quốc tế dành cho việc xét xử ấy cũng đã liên can đến những người thuộc mọi địa hạt khác. Từ bên ngoài tòa án ở Phnom Penh, thông tín viên đài VOA Luke Hunt đã nói chuyện với hai người đó, và ghi lại trong bài tường thuật sau đây.

Ra trước tòa đầu tiên là Kaing Guek Eav, với cái tên quen thuộc hơn là Duch, bị truy tố về vụ trại giam khủng khiếp S-21, nơi hàng ngàn người được cho là đã bị giam giữ và tra tấn trước khi bị chuyển qua Cánh đồng chết ở ngoại vi thủ đô rồi bị giết hại ở đó.

Là một cựu giáo viên toán học, Duch đã tỏ ý cho thấy ông ta sẽ không chống lại các cáo trạng và điều này có thể có tác động nghiêm trọng đối với các thủ lãnh khác còn sống sót, mà theo dự kiến sẽ ra trước tòa án được Liên hiệp quốc bảo trợ vào cuối năm nay, vì can dự đến cái chết của 1 triệu 700 ngàn người từ năm 1975 đến năm 1979.

Ông Michael Hayes, người Mỹ, là sáng lập viên của báo Phom Penh Post và đã theo dõi tòa án từng bước một trong 10 năm qua.

Ông Hayes nói: “Tiến trình này và đặc biệt là phiên tòa này đã thu hút mức chú ý cao hơn của công chúng bởi vì cơ bản Duch đã thú nhận là có can dự vào việc hành quyết 16,000 người hay hơn nữa ở trại giam mà hắn ta điều hành. Vì thế mọi người đều thực sự trông đợi để nghe xem hắn ta nói gì. Thực ra đó là lý do vì sao mà hắn ta lại được đưa ra xử đầu tiên, bởi vì cái cảm nghĩ là hắn ta là người dễ kết tội nhất, đã có sẵn quá nhiều bằng chứng chống lại hắn ta. ”

Những trông đợi đó đã bị giảm bớt do những sự trì hoãn gây bực bội mà học giả Úc, bà Helen Jarvis cho rằng có thể bắt nguồn từ thời Chiến tranh Lạnh, khi mà Kampuchea là tâm điểm của một cuộc xung đột chính trị toàn cầu.

Bà Jarvis đã có liên hệ mật thiết với chính phủ Kampuchea, kể từ khi chính phủ bắt đầu các cuộc thương lượng với Liên hiệp quốc để hỗ trợ cho một tòa án quốc tế.

Bà Jarvis nói: “Tôi cho rằng chúng ta phải tính lại từ năm 1979, chúng ta đang ở thời điểm 30 năm sau khi chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ; 30 năm, mọi người đã chờ đợi rất lâu. Một số người đã chết, cho dù họ là những người có thể bị đưa ra xét xử hay các nạn nhân muốn nhìn thấy công lý nhưng đã chết trước ngày đó, và đấy là lý do tại sao chúng ta phải có hành động càng sớm càng hay.”

Có thể đã phải mất một thời gian dài mới diễn ra phiên tòa, nhưng bà Jarvis vững tin rằng người dân Kampuchea muốn thấy những người phò tá cho Pol Pot bị đưa ra xét xử và mức đô nhận thức về ý nghĩa của sự kiện này đang lan tràn ra khắp nước.

Bà Jarvis nói tiếp: “Mọi cuộc thăm dò được thực hiện đều cho thấy 80% dân chúng ủng hộ khái niệm về phiên tòa này và khoảng 60% đến 70% biết được về công tác của chúng tôi và đó là điều rất đáng khích lệ. Chúng tôi biết rằng dân chúng đặt nhiều kỳ vọng vào chúng tôi. Như tôi đã nói, họ rất bực bội và một số người tỏ ra hoài nghi, nhưng tất cả đều muốn thấy công lý.”

Nay dường như những người đó cuối cùng sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra ở Kampuchea dưới thời Pol Pot và chế độ Khmer Đỏ của ông ta, đã khiến cho đất nước này bị tàn phá toàn bộ và gây thiệt mạng cho 1/3 dân số chỉ sau có 3 năm 8 tháng cầm quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG