Đường dẫn truy cập

Dân Kampuchea hoan nghênh vụ xử cựu cai ngục Khmer Ðỏ


Phiên xét xử ông Kaing Guek Eav, từng cầm đầu một trại tù khét tiếng của Khmer Đỏ đã được trông đợi bấy lâu nay vừa mở tại Kampuchea. Phiên xử này đã được nhân dân Kampuchea hoan nghênh như một bước tiến tới công lý. Từ phòng tin Đông Nam Á của Đài VOA, Thông tín viên Daniel Schearf có bài tường trình sau đây.

30 năm sau khi gần 2 triệu người Kampuchea bị tàn sát, cuối cùng người dân Xứ Chùa Tháp mới được chứng kiến các thủ lãnh Khmer Đỏ bị mang ra tòa.

Bị cáo đầu tiên trong số 5 cựu thủ lãnh Khmer Đỏ đã bị đưa ra tòa xét tội ác chiến tranh tại thủ đô Phnom Penh, là một tòa án được Liên hiệp quốc hậu thuẫn.

Kaing Guek Eav, thường được gọi với bí danh là Duch, bị cáo buộc đã phạm các tội ác chống nhân loại trong thời gian đương sự làm trưởng trung tâm giam giữ S-21.

Hơn 12.000 người Kampuchea đã bị tra tấn và giết chết tại trại tù S-21 do Duch điều hành.

Từ sáng sớm, nhiều người dân Kampuchea đã xếp hàng chờ để được vào hội trường của tòa án. Bên trong hội trường, đám đông hàng trăm người đứng ngồi san sát nhau để chứng kiến phiên xử.

Ông Theary Seng, một nạn nhân còn sống sót của chế độ Khmer Đỏ, cùng với hàng chục người Kampuchea khác đã nộp hồ sơ dân sự kiện bị cáo Duch.

Ông Seng nói: “Thật không tưởng tượng nổi là sau bao nhiêu năm chờ đợi, sau bao nhiêu diễn biến chính trị, sau bao nhiêu bức xúc dồn nén - tôi cảm thấy vô cùng bồi hồi vì hôm nay tôi thực sự có mặt tại đây, đứng tại đây để chứng kiến ngày đầu tiên của phiên xét xử tên Duch. Hôm nay sẽ là ngày bánh xe công lý được khởi động.

Phiên tòa sơ bộ hôm thứ ba là một thủ tục nằm trong vụ án, và theo dự trù chỉ kéo dài có vài ngày. Đến tháng 3 thì các bằng chứng mới được đưa ra với sự hiện diện của các nhân chứng.

Nếu bị kết tội, Duch có thể sẽ chịu án tù chung thân.

Năm nay 66 tuổi, Duch là nhân vật ít tuổi nhất và giữ chức vụ thấp nhất trong số các cựu thủ lãnh Khmer Đỏ đang chuẩn bị ra tòa, đương sự cũng là bị cáo duy nhất đã thú nhận có tội.

Theo luật tự nhiên thì có khả năng các cựu thủ lãnh lớn tuổi và cao cấp hơn của Khmer Đỏ có thể sẽ thoát mạng lưới công lý nếu họ không sớm bị đưa ra tòa.

Can thiệp chính trị cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Một công tố viên Kampuchea tại phiên xét xử phản đối bất cứ vụ truy tố phụ trội nào, phản ảnh quan điểm tương tự của Thủ tướng Kampuchea, ông Hun Sen.

Bản thân Thủ tướng Hun Sen và nhiều quan chức chính phủ Kampuchea khác là cựu thành viên Khmer Đỏ, và nhiều người trong số này hiện lo sợ rằng họ có liên quan khá nhiều trong các vụ truy tố.

Cộng sản Khmer Đỏ cai trị Kampuchea từ năm 1975 đến năm 1979. Dưới sự lãnh đạo của Pol Pot, một nhân vật có lập trường cuồng tín cực đoan, chế độ này đã tra tấn và sát hại bất cứ ai bị cáo buộc là không trung thành với họ. Nhiều người khác đã phải lao động khổ sai và bị bỏ đói cho đến chết.

Đầu năm 1979 Việt Nam tiến quân vào lật đổ chế độ Pol Pot và đẩy Khmer Đỏ đến biên giới Thái Lan. Tàn quân Khmer Đỏ rút lui vào trong rừng và tiếp tục kháng chiến hơn một thập kỷ sau đó trước khi thực sự tan rã và một số thành viên Khmer Đỏ đã biệt tăm từ đó.

Năm 1999, một phóng viên nước ngoài phát hiện ra Duch đang làm việc tại một trại tị nạn với một tên giả. Ông ta bị bắt không lâu sau đó.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG