Đường dẫn truy cập

TQ: Trọng tâm chuyến công du Châu Á của bà Clinton


Một điểm nổi bật trong chuyến công du đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ là trạm dừng tại Trung Quốc. Sứ mạng chính của bà tại Bắc Kinh sẽ là đảm bảo cho mối bang giao Mỹ-Trung dưới chính quyền mới của Tổng thống Obama có được một khởi điểm tốt đẹp. Từ Bắc Kinh thông tín viên đài VOA Stephanie Ho của tường trình thêm chi tiết.

Trung Quốc đang trông mong đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton tại Bắc Kinh. Cảm nghĩ này đã được bà Khương Du phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh nhiều lần.

Bà Khương Du nói Trung Quốc coi đây là một cuộc trao đổi cấp cao quan trọng giữa 2 nước.

Bà nói chính phủ nước bà hy vọng 2 bên có thể có những cuộc thương thảo sâu rộng về nền bang giao Mỹ-Trung, cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu cùng những vấn đề khác mà cả 2 bên đều quan tâm.

Phát biểu tại New York trước khi lên đường tới Châu Á, Ngoại trưởng Clinton nói Washington coi một mối giao hảo với Trung Quốc là điều thiết yếu.

Bà Clinton nói: “Trong thời điểm hiện tại điều đó còn rõ ràng hơn, với những khó khăn kinh tế và một loạt những thách đố mà chúng ta đang trực diện, từ vấn đề an ninh hạt nhân tới vấn đề biến đổi khí hậu, tới một cơn đại dịch và nhiều điều khác nữa.”

Bà Clinton kể ra những lãnh vực quan tâm khác của Hoa Kỳ, trong đó có những cuộc bàn luận nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bắc Triều tiên và những cố gắng gìn giữ nền hòa bình thế giới của Trung Quốc.

Các nhà hoạt động nhân quyền tại Trung Quốc cũng mong muốn là Bộ trưởng Clinton sẽ tạo áp lực với chính phủ Trung Quốc để họ cải thiện những thành tích nhân quyền của họ.

Bà Đinh Tử Lâm có con trai bị quân đội Trung Quốc giết trong cuộc đàn áp tại Thiên An Môn năm 1989. Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ bà vào năm 1995, lúc bà Clinton còn là Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ tới dự Hội Nghị Phụ nữ quốc Tế do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Bắc Kinh. Bà nói:

Bà Đinh nói cái tên Hillary Clinton rất quen thuộc với dân Trung Quốc. Bà cho rằng bà Clinton đã có công đem lại cho bà sự hỗ trợ chủ yếu cho các nỗ lực hữu hiệu giúp đưa con bà ra khỏi tù.

Bà còn tỏ ý hy vọng ngoại trưởng Clinton sẽ có thể nói chuyện với Chính quyền Trung Quốc về trường hợp ông Lưu Hiểu Ba, một nhân vật bất đồng chính kiến đã bị giữ từ hơn 2 tháng vì đã cộng tác soạn thảo một tư liệu quan trọng về nhân quyền gọi là Hiến chương số 8. Trong số những điều Hiến chương này kêu gọi, có yêu cầu thành lập một nền Dân chủ Đa Đảng và một cải cách về ngành lập pháp.

Mặt khác, ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Bang giao Trung –Mỹ của Hội Châu Á, cho rằng có một vấn đề khác cấp bách hơn, mà theo lời ông, cần được đưa lên phần đầu nghị trình, đó là vấn đề biến đổi khí hậu.

Ông Schell nói: “Đây chính là thách đố của thời đại chúng ta. Chúng ta đang đứng bên bờ một vực thẳm đầy đe dọa.”

Ông Schell nói điều đó không có nghĩa là những vấn đề khác kém phần quan trọng, chẳng hạn như những tranh chấp về mậu dịch và những mối bất đồng liên quan đến nhân quyền.

Ông Schell nói: “Theo tôi, điều đó cũng có nghĩa là, nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể khởi sự một cách có hiệu quả việc gia tăng động năng hơp tác về vấn nạn biến đổi khí hậu, thì nhiều vấn đề khác sẽ trở nên ít gai góc và dễ giải quyết hơn, bởi vì cơ bản chúng ta đã có một mục đích chung.”

Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai nước thải ra lượng khí carbon dioxide lớn nhất, loại khí thải chính có hiệu ứng nhà kính gây ra tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.

Giáo sư Trung Quốc Tôn Triết, người đứng đầu Trung tâm Bang giao Trung- Mỹ tại trường Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cũng nghĩ rằng những cuộc nói chuyện của ngoại trưởng Clinton với giới lãnh đạo Trung Quốc phần lớn tập trung vào các vấn đề môi trường và kinh tế.

Giáo sư Tôn nói: “Phần chính sẽ là vấn đề biến đổi khí hậu và hợp tác về năng lượng, cuộc khủng hoảng tài chánh, đại loại những vấn đề có tính cách quan trọng và cấp bách hơn.”

Ông Tôn cũng cho rằng Bộ trưởng Clinton sẽ đề cập đến vấn đề nhân quyền trong các cuộc nói chuyện, nhằm bày tỏ, theo lời ông, 'một số những giá trị Mỹ'.

Ông Tôn cho biết: “Một số những quan điểm về nhân quyền của bà ấy đã được người ta biết đến tại Trung Quốc. Nhưng đối với người ở đây, ít ra là theo như tôi biết, những người từ các Bộ, những người thi hành chính sách, và trong giới học thuật, những người ở Trung Quốc này, chúng ta hiểu quan điểm của bà ấy, nhưng chúng ta cũng nghĩ Trung Quốc có thể hợp tác với bà trong những lãnh vực khác.”

Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ tới Trung Quốc vào ngày thứ Sáu. Trong thời gian ở Bắc Kinh, bà dự trù sẽ gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì. Bà cũng dự tính dự một buổi lễ tại nhà thờ, gặp gỡ những nhân vật đứng đầu các hội dân sự và tham quan một nhà máy nhiệt năng Mỹ-Trung trước khi rời Trung Quốc vào ngày Chủ nhật.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG