Trong lúc các lãnh đạo thế giới vất vả với cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu, thì nguồn tài trợ lớn nhất thế giới dành cho việc chống lại những căn bệnh chết người cũng phải đối mặt với cơn khủng hoảng của chính nó. Tổ chức được biết đến như Quĩ Toàn Cầu để Chiến đấu chống bệnh AIDS, bệnh Lao và bệnh Sốt Rét cung cấp ¼ toàn bộ quĩ tài trợ cho bệnh AIDS, 2/3 sự tài trợ cho bệnh Lao và ¾ cho bệnh Sốt rét. Nhưng như theo tường trình của thông tín viên đài VOA, một khoản thiếu hụt tài trợ lên đến 5 tỉ đô la hiện đang đe dọa những chương trình toàn cầu của tổ chức này.
Tổ chức Global Fund, tức là Quĩ Toàn Cầu được thành lập vào năm 2001. Từ đó cứ mỗi năm, các vị lãnh đạo những nước giàu nhất thế giới lập lại những cam kết tài trợ toàn bộ các chương trình được chấp thuận để trị bệnh, phòng ngừa và nghiên cứu tại những nước nghèo. Theo ông Jeffrey Sachs, cố vấn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc và là giám đốc Viện Trái đất Trường Đại học Columbia, thì Global Fund có mục đích duy trì những lời hứa hẹn đối với các nước nghèo nhằm giúp họ chiến đấu chống lại các bệnh AIDS, Lao và Sốt rét.
Ông Sachs nói rằng một trong những điều đã hứa là bệnh sốt rét sẽ được kiểm soát với chương trình toàn thể mọi người đều có mùng màn vào cuối năm 2010, và thiết yếu là triệt tiêu gần hết bệnh sốt rét vào năm 2012. Thế giới sẽ phải hỗ trợ cố gắng chấm dứt bệnh Lao trên toàn thế giới là chương trình đang được giới khoa học và những nhà phác thảo chính sách quốc gia đang triển khai. Ông nói thêm, vào năm 2010, thế giới dự kiến phải bảo đảm mọi người được cấp các loại thuốc chống virut gây bệnh.
Vẫn theo ông Sachs, mặc dù tính cách cấp thiết của sứ mạng cần hoàn tất, Global Fund đang bị những nước viện trợ buộc phải cắt giảm hoặc đình trệ việc tài trợ, bởi vì ngân sách của chính họ cũng đang bị tác hại do cuộc suy thoái.
Ông Sachs nói: “Tổ chức đã cắt bớt 10% ngân sách dành cho những chương trình đã được chấp thuận. Và còn được cảnh báo rằng sẽ phải cắt bớt 25% phần còn lại của những dự án đó. Global Fund cũng đình hoãn nhiều tháng đợt tài trợ năm thứ 9, gây rủi ro cho nỗ lực kiểm soát bệnh sốt rét.”
Việc cắt giảm còn gây lo âu nhiều hơn cho những người hỗ trợ Global Fund, bởi vì dù được thành lập chưa bao lâu, tổ chức này đã đạt được nhiều tiến triển khả quan chống lại những căn bệnh gây chết chóc. Chẳng hạn như số tử vong do bệnh sốt rét đã giảm xuống 66% tại Rwanda và 80% tại Eritrea trong 5 năm qua. Ông Peter Chermin, một trong số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từng tài trợ một chiến dịch trị giá 100 triệu đô la để chống cơn đại dịch sốt rét tại châu Phi. Ông nói bệnh này đã làm tiêu hao khoảng 12 tỉ đô la cho ngành công nghiệp tại lục địa này vì sự tổn thất năng suất lao động.
Ông Chermin nói: “Và chỉ với một phần của sự đầu tư đó, chúng ta có thể tránh được những cái chết do bệnh sốt rét và đẩy lui một chướng ngại quan trọng cho việc phát triển kinh tế. Như vậy mặc dù rõ ràng đây là một vấn đề nhân đạo, nhưng nó cũng cho thấy lợi ích kinh tế khá lớn.”
Ông Peter Sachs thuộc trường đại học Columbia nói, duy trì cuộc chiến chống những căn bệnh chết người như sốt rét, bệnh Lao và bệnh AIDS rất cấp thiết cho sự phát triển kinh tế của những nước nghèo. Ông cho rằng quả thực là một là một chính sách kinh tế sai lạc, khi người ta cắt giảm đầu tư dài hạn với mục đích tiết kiệm ngắn hạn.
Ông Sachs nói: “Nếu muốn Châu Phi trở thành một đối tác mậu dịch đầy đủ, một đối tác có thể làm giảm bớt sự trì trệ bằng cách mua hàng của chúng ta và đóng vai trò sản xuất toàn diện trong nền kinh tế thế giới, trước tiên những bệnh tật chết người tại đây phải được chế ngự. Và chính nhận định này, cùng nhiều mặt khác kể cả những vấn đề nhân đạo và an ninh đã dẫn tới việc thành lập tổ chức Global Fund.”
Ông Sachs lập luận rằng Hoa Kỳ là nước hiện nay đóng góp khoảng 1/3 cho nguồn tài trợ của Global Fund, có thể bù đắp khá nhiều cho sự thiếu hụt 5 tỉ của tổ chức này, nếu họ muốn.
Ông Sachs nói: “Lúc này không thể nói tới thiếu hụt ngân khoản, khi trong 3 tháng thế giới giàu có đã kiếm ra 3,000 tỉ đô la để cứu nguy các ngân hàng, và cũng thế giới giàu có đó đã cấp 18 tỉ tiền thưởng lễ Giáng sinh cho Wall Street, từ tiền thuộc chương trình cứu nguy theo luật định. Tôi hy vọng rằng không ai nghĩ, dù chỉ một giây lát, là những chuyện tôi vừa nêu có thể cân bằng với những mạng người đang lâm nguy.”
Ông Rajat Gupta, Chủ tịch ban quản trị của Global Fund, cũng đồng ý là Hoa Kỳ có thể làm nhiều hơn để giúp tổ chức này thoát ra khỏi cơn khủng hoảng tài chánh. Ông cho rằng nếu Hoa Kỳ, là nước đang trễ nải việc thực hiện những điều đã cam kết, nếu họ đảm nhận vai trò lãnh đạo nhiều hơn, các nước khác sẽ noi theo họ.
Ông Gupta nói: “Ngay lúc này tôi nghĩ Hoa Kỳ đang rớt lại phía sau, và một trong những điều tốt từng xảy ra là mỗi nước hoặc những nước khác nhau ganh đua để làm nhiều hơn, và bây giờ tới lượt Hoa Kỳ tiến bước lên để thực hiện điều đó.”
Ông Gupta nói tiến độ trong việc chống lại bệnh AIDS, bệnh Lao và bệnh Sốt Rét của tổ chức Global Fund cần được duy trì. Ông cho biết ông và các nhà lãnh đạo y tế và doanh nghiệp tham dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới mới đây tại Davos, Thụy Sĩ không hề đòi hỏi một chương trình cứu nguy. Họ chỉ đơn giản yêu cầu các nước hãy tôn trọng những điều cam kết của họ, nhằm cải tiến sự thịnh vượng của thế giới, và sức khỏe của dân chúng toàn cầu. Theo ông Gupta, một sự hỗ trợ liên tục có thể cứu được thêm gần 2 triệu sinh mạng trong những năm tới.
Đọc nhiều nhất
1