Đường dẫn truy cập

TT Obama đứng trước thử thách về chính sách mậu dịch


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang đứng trước một quyết định sớm về chính sách mậu dịch, một quyết định sẽ có thể gây bực tức cho những thành viên then chốt thuộc Đảng dân chủ của ông, hoặc cũng có thể châm ngòi cho một cuộc đụng độ về mậu dịch với một vài đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Theo tường trình của Thông tín viên đài VOA Michael Bowman từ Tòa Bạch Ốc, trong vài tuần nữa ông Obama sẽ đi Canada, nơi mà các giới chức đã cảnh báo về những hậu quả tai hại nếu Hoa Kỳ theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch.

Tuần rồi, Hạ viện đã thông qua một kế hoạch phục hồi kinh tế, có thể đưa ra dấu hiệu về hướng đi của chính sách mậu dịch Mỹ, trong lúc chính quyền của ông Obama làm việc sát cánh với Đảng dân chủ là đảng đang nắm quyền kiểm soát quốc hội. Hai bản thảo của dự luật của cả thượng viện lẫn hạ viện đều ghi rõ rằng các dự án công ích sẽ chỉ sử dụng thép hoặc những sản phẩm khác sản xuất tại Mỹ, và đó là điều nhắm mục tiêu kích hoạt nền kinh tế trong nước.

Canada cũng như những đối tác mậu dịch khác của Hoa Kỳ phản ứng dữ dội về việc này.

Phát ngôn viên tòa Bạch ốc Robert Gibbs đã không tỏ thái độ khẳng định về điều khoản gọi là 'Mua hàng của Mỹ'.

Ông Gibbs nói:“Chính quyền sẽ duyệt xét lại điều khoản đặc biệt đó và sẽ đưa ra quyết định.”

Chỉ thị buộc sử dụng các sản phẩm trong nước được sự ủng hộ của các nghiệp đoàn từng cổ võ nhiệt liệt ông Obama trong kỳ tranh cử hồi năm ngoái. Những đồng minh của Tổng thống tại quốc hội, như là thượng nghị sĩ bang Ohio Sherrod Brown cũng cổ võ điều này.

Ông Brown nói: “Nếu muốn chương trình gói kích cầu mang hiệu quả tối đa trong việc tạo ra công ăn việc làm, chúng ta phải dùng vật tư làm tại Hoa Kỳ. Nghĩa là thép của Ohio. Nghĩa là bê-tông, xi măng và những vật tư khác chế tạo trong nước.”

Nhưng một số giới chức ngoại quốc cảnh báo là điều khoản vừa kể sẽ gây ra những lời than phiền chống lại Hoa Kỳ tại Tổ chức Thương mại Thế giới, và có thể có sự trả đũa đối với hàng xuất khẩu Hoa Kỳ. Theo ông Gerald Keddy, dân biểu phụ tá Bộ trưởng Thương mại Canada, lệnh vừa nói sẽ vi phạm thỏa thuận về Mậu dịch Tự do giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico.

Ông Keddy nói: “Chúng tôi trông đợi người Mỹ hành động phù hợp với những trách vụ thương mại quốc tế của họ. ”

Tại bang Ontario, nơi có trụ sở của đa số các ngành công nghiệp Canada, thủ hiến Dalton Mcguinty nói một cuộc chiến tranh mậu dịch chẳng làm lợi cho ai, và cách duy nhất để vượt qua cuộc suy thoái toàn cầu là các quốc gia phải tương trợ lẫn nhau.

Các nhóm doanh nghiệp Mỹ cũng đồng ý như vậy. Trong lúc một số nghiệp đoàn lao động gọi thái độ chống đối khẩu hiệu 'Mua hàng Mỹ' là thái độ 'phản bội về kinh tế', thì Phòng Thương mại Hoa Kỳ nói bảo vệ tự do mậu dịch là 'lòng ái quốc về kinh tế'. Cơ quan này cảnh báo về xu hướng bảo vệ mậu dịch đang gia tăng tại Hoa Kỳ và nhiều nơi khác, và nêu ra rằng chính những hàng rào mậu dịch đã góp phần gây nên cuộc khủng hoảng lớn toàn cầu trong thập niên 1930.

Tổng thống Obama từ khi nhậm chức cũng chưa đi vào chi tiết về những vấn đề mậu dịch.

Lúc còn là ứng cử viên, ông bị phê bình là đưa ra những thông điệp không rõ rệt. Trong mùa tranh cử gay go đầu tiên, ông Obama cam kết sẽ bàn lại về Thỏa ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ, gọi tắt là NAFTA, và thường nói về những đề tài đề cao người dân trên đường tranh cử, cũng như ông đã làm cách đây 1 năm tại Wisconsin.

Ông Obama nói: “Không phải vì tôi tranh cử Tổng thống mà tôi phê phán những thỏa ước mậu dịch không công bằng như NAFTA. Tôi làm thế vì tôi thấy cái gì sẽ xẩy đến cho các cộng đồng, một khi các cơ xưởng đóng cửa và công ăn việc làm trôi ra hải ngoại.”

Tuy nhiên, sau khi được Đảng dân chủ đề cử ra tranh cử Tổng thống, ông Obama đã tỏ ra mềm dẻo hơn.

Ông Obama nói: “Tôi tin vào doanh thương. Tôi nghĩ doanh thương sẽ làm tăng trưởng nền kinh tế của chúng ta và cải thiện đời sống của người dân thường.”

Kể từ khi trở thành Tổng thống, ông Obama chưa đề cập đến việc điều đình lại về thỏa ước NAFTA, và các giới chức Chính quyền cũng không ham gây ra một cuộc xung đột mậu dịch với Canada là đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ, cũng như bất cứ nước nào khác. Ngược lại, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói cộng đồng quốc tế phải hợp tác với nhau để chỉnh trang lại nền kinh tế thế giới.

Nhưng những đảng viên Dân chủ chủ trương 'Buy America', mua hàng của Mỹ vẫn không lùi bước, khiến cho những cuộc điều đình giữa Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội trở nên tế nhị, trong lúc chương trình phục hồi kinh tế trọn gói đang cần sự thông qua của Quốc Hội.

Các giới chức Canada ngỏ ý hy vọng họ sẽ nhận được một sự miễn trừ cho các sản phẩm Canada nếu điều khoản vừa nêu thành luật.

Tổng thống Obama sẽ lên đường đi Ottawa vào ngày 19 tháng 2 này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG