Đường dẫn truy cập

Diễn tiến mới trong quan hệ Trung Quốc-Ðài Loan


Tình trạng đối đầu quân sự giữa Bắc Kinh và Đài Bắc lâu nay vẫn khiến cho eo biển Đài Loan trở thành một điểm nóng, có nguy cơ làm bùng ra một cuộc chiến tranh lôi kéo cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản. Mới đây, nhiệt độ của điểm nóng này đã giảm thiểu khá nhiều sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc đề nghị thiết lập một cơ chế đối thoại quân sự để bảo đảm an ninh và xây dựng lòng tin giữa đôi bên. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về diễn tiến đáng chú ý này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.

Trong một diễn tiến cho thấy quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, vốn là hai phe có thể nói là tử thù của nhau trong hơn nửa thế kỷ nay, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc tuyên bố rằng đôi bên có thể thảo luận về việc thiết lập một cơ chế đối thoại quân sự để củng cố sự tin tưởng lẫn nhau và tiến tới chỗ ký kết một hiệp ước hòa bình.

Ông Hồ nói: "Khi nào giới hữu trách hai bờ eo biển Đài loan có được sự đồng thuận và lập trường nhất trí dựa trên khuôn khổ của nguyên tắc một nước Trung Hoa, thì khi đó chúng ta có được một cơ sở để thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị, và mọi việc đều có thể thương thảo với nhau một cách dễ dàng."

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố như thế hôm 31 tháng 12 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ông Đặng Tiểu Bình công bố lá thư gởi 'đồng bào Đài Loan' để kêu gọi hòa giải và thống nhất. Ông Hồ Cẩm Đào nói tiếp như sau, sau khi Trung Quốc và Đài loan đã nối lại các mối liên hệ trực tiếp về hàng không, hàng hải và bưu chính sau hơn 50 năm bị gián đoạn.

Ông Hồ nói: "Điều quan trọng nhất để thúc đẩy quan hệ xuyên eo biển và thực hiện thống nhất tổ quốc trong hòa bình là tuân theo phương châm 'hòa bình thống nhất, nhất quốc lưỡng chế' và thực hiện việc phát triển các mối quan hệ theo từng giai đoạn. Chúng ta cần xúc tiến lộ đồ thống nhất theo lập trường 8 điểm, nhất quyết không lay chuyển nguyên tắc một nước Trung Hoa, không từ bỏ nỗ lực thống nhất trong hòa bình, luôn luôn đặt hy vọng nơi nhân dân Đài Loan, và kiên quyết không thỏa hiệp với những mưu toan chia cắt đất nước của phe đòi độc lập ở Đài Loan."

Một số nhà quan sát cho rằng việc cải thiện quan hệ ngang qua eo biển Đài loan đã trở nên dễ dàng hơn sau khi ông Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng lên làm Tổng thống Đài Loan hồi năm ngoái, chấm dứt thời kỳ căng thẳng dưới sự lãnh đạo của các vị Tổng thống tiền nhiệm thuộc phe chủ trương độc lập cho Đài loan là các ông Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vương Duy Chính, khoa trưởng phân khoa chính trị của Đại học Richmond ở Virginia, lập trường hiện nay của ông Mã Anh Cửu và ông Hồ Cẩm Đào không giống nhau tuy Quốc Dân Đảng là đảng có chủ trương thống nhất với Hoa Lục.

Tiến sĩ Vương nói: "Ông Hồ Cẩm Đào nói tới thống nhất tổ quốc tức là nói tới nguyên tắc một nước Trung Hoa. Một số người cho rằng tuyên bố lần này của giới lãnh đạo Trung Quốc khác với những lần trước ở chỗ là ông Hồ Cẩm Đào thừa nhận sự thật là hai bờ eo biển Đài loan chưa thống nhất, và đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc thì chính sách hiện nay là ngăn chận Đài loan độc lập chứ không gấp gáp trong việc thống nhất. Về phần ông Mã Anh Cửu, lập trường của ông ấy cứ thay đổi liên miên. Khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông nói rằng mục tiêu cuối cùng là thống nhất. Sau đó, ông lại nói rằng thống nhất là một trong những điều để lựa chọn. Nhưng khi đắc cử thì ông đưa ra lập trường ba không: không thống nhất, không độc lập, không dùng vũ lực. Vì vậy cho nên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Mã Anh Cửu, việc thống nhất không phải là một trong những sự lựa chọn. Điều này thật ra không giống như cách nói của ông Hồ Cẩm Đào, và lập trường của đôi bên quả là có khác biệt với nhau."

Trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày Đặng Tiểu Bình công bố văn kiện gọi là 'Thư gởi đồng bào Đài loan', truyền thông Trung Quốc cũng gợi ý rằng Trung Quốc có thể sẽ rút đi nơi khác một số phi đạn trong tổng số 1,300 phi đạn tầm ngắn nhắm vào Đài loan mà họ đang bố trí ở vùng duyên hải miền đông. Một số các nhà phân tích cho rằng diễn tiến này có thể hữu ích cho việc tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, là nước lâu nay vẫn bán vũ khí tự vệ cho Đài loan và gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh. Mặc dù vậy, theo ông Thi Hiếu Vĩ, tổng biên tập Tạp chí Phòng vệ Hoàn cầu ở Đài loan, đó là một nhận định quá lạc quan.

Ông Thi nói: "Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa chính thức tuyên bố từ bỏ ý định dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Chính phủ Đài Loan hiện nay theo đuổi ba mục tiêu là phát triển kinh tế, tăng cường quan hệ với Trung Quốc, và củng cố quốc phòng. Nhưng nói tới quốc phòng thì điều không thể tránh được là phải dựa vào sức mạnh quân sự. Cho nên tình hình có hòa hoãn tới mức nào đi nữa thì quân đội Đài loan cũng không thể lơ là việc tăng cường sức mạnh và chuẩn bị cho chiến tranh. Bởi vì trách nhiệm của người lính là phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với trường hợp xấu nhất có thể xảy ra."

Tiến sĩ Lưu Phục Quốc, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Chính trị Đài loan, cũng tán đồng nhận xét vừa kể.

Ông Lưu nói như sau: "Quân đội của đôi bên đã là kình địch của nhau trong mấy mươi năm. Đương nhiên là Đài loan mong muốn cho cuộc diện được phát triển tốt và chờ xem bên kia có những hành động như thế nào. Đài loan cần xem xét tới đường hướng chiến lược quốc phòng mới và áp dụng chính sách mới về quốc phòng. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần điều chỉnh, nhưng điều này không có nghĩa là sẽ lơ là việc chuẩn bị quân sự, là ngưng mua sắm vũ khí tiên tiến. Bây giờ chưa tới lúc để làm như vậy."

Trong khi đó, giáo sư Phù Đài Hưng của Đại học Quốc phòng Đài loan cũng nhắc lại vấn đề tin tưởng lẫn nhau, và nói rằng hãy còn quá sớm để nói tới việc thiết lập cơ chế đối thoại quân sự.

Vị thiếu tướng về hưu này cho biết ý kiến: "Trong tình hình hiện nay việc này chưa thể thực hiện được vì then chốt của vấn đề vẫn là vấn đề chính trị. Công cuộc giao lưu hiện nay vẫn chỉ giới hạn trong lãnh vực kinh tế và văn hóa. Muốn tiến vào lãnh vực giao lưu chính trị thì cần phải chờ đợi một thời gian khá lâu vì mức độ tin tưởng của đôi bên vẫn chưa đủ."

Giáo sư Phù Đài Hưng cũng tỏ ý nghi ngờ về khả năng ký kết hiệp ước hòa bình giữa Đài loan với Trung Quốc. Ông cho rằng điều này rất khó xảy ra vì giới hữu trách Bắc Kinh chắc chắn là không bao giờ thừa nhận chủ quyền của Đài loan, một phần đất mà họ vẫn cho là một tỉnh của Trung Quốc.

Giáo sư Phù nói: "Từ quan điểm của quan hệ quốc tế chúng ta có thể thấy rằng nếu bên kia không chịu thừa nhận Đài loan là một quốc gia thì điều này khó lòng có được thỏa hiệp. Trong toàn bộ những án lệ của quan hệ quốc tế từ trước tới nay, tất cả những phe có thể thiết lập cơ chế xây dựng niềm tin quân sự, có thể ký kết hiệp ước hòa bình, đều là những phe không phủ nhận đối phương là một quốc gia."


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG