Đường dẫn truy cập

Internews mở tiếp tân mừng Tổng thống Obama


Tổng Thống Bush đã trở thành một người dân thường cư ngụ tại bang Texas, và gia đình tân Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã yên vị tại Tòa Bạch Ốc, thế nhưng bầu không khí tại thủ đô Washington sau buổi Lễ Nhậm Chức lịch sử hôm thứ Ba vẫn chưa hết nhộn nhịp, với những tiệc tùng và tiếp tân tổ chức tại nhiều địa điểm trong thành phố. Hôm thứ Tư, Phóng viên Hoài Hương của Ban Việt Ngữ đã đến dự cuộc tiếp tân tại trụ sở chính của Internews, một tổ chức chuyên hỗ trợ việc phát triển truyền thông trên khắp thế giới, và trao đổi với một số người tham dự về lễ nhậm chức Tổng Thống Mỹ và những kỳ vọng cao mà nhiều người đặt nơi chính phủ của Tổng Thống Obama.

Một ngày sau lễ nhậm chức của Tổng Thống Obama, những buổi tiếp tân hội hè vẫn tiếp tục đánh dấu ngày Hoa Kỳ lật sang một trang sử mới. Internews, cơ quan chuyên hỗ trợ truyền thông tại nhiều nơi trên thế giới, cũng mở một buổi tiếp tân để ăn mừng một khởi đầu mới.

Có lẽ hai chữ được đề cập đến nhiều nhất trong các câu chuyện trong buổi lễ tiếp tân hôm ấy là chữ Change- Thay Đổi, và chữ Hope- Hy vọng.

Mô tả không khí của buổi lễ, một phụ nữ được vé mời để dự lễ nhậm chức hôm thứ Ba nói xét số người tham dự, đám đông hôm ấy rất trật tự và ai nấy đều hân hoan vui mừng. Bà nói điều có thể thấy rõ là ai cũng tràn trề hy vọng về tiềm năng của chính phủ mới.

Anh Phungso, một nghiên cứu sinh tại Đại Học Maryland đến từ vương quốc Bhutan, cho biết dân chúng nước anh đã theo sát chiến dịch tranh cử và cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ, và khi kết quả được công bố cho thấy ông Obama đắc cử, nhiều người đã đổ ra đường reo mừng, như thể đây là một cuộc bầu cử của họ vậy.

Giờ đây, thì mọi người trong và ngoài nước đều trông chờ Tổng Thống Obama sẽ mang lại nhiều thay đổi trong những ngày trước mắt. Một quan chức Bộ Ngoại Giao Mỹ nói ông Obama đã yêu cầu người Mỹ chủ động đứng ra nhận trách nhiệm và dự phần vào tiến trình biến đổi Hoa Kỳ thành một nước Mỹ mới.

Ông nói: “Nước Mỹ mới mà tân Tổng Thống Obama kêu gọi chúng ta hãy tiếp tay hình thành sẽ được thực hiện. Tôi tin rằng thế giới rồi đây sẽ nhìn chúng ta qua một lăng kính mới, qua đó tôi hy vọng họ sẽ thấy một quốc gia sẵn sàng chấp nhận và thấu hiểu vai trò của mình là một đối tác của cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ sát cánh làm việc với các nước khác để thực hiện những điều có thể giúp cải thiện thế giới chúng ta vì lợi ích của nhân loại. ”

Bà Nancy Hunter, một nhà giáo đến từ bang Hawaii cũng tỏ thái độ hy vọng vào tương lai nước Mỹ:

Bà Hunter nói: “Chính phủ này đã mang lại cho tôi một ít hy vọng, chính phủ Obama đang tìm cách thông đạt cho nhân dân Mỹ biết rằng chính họ cần tham gia vào sự thay đổi, không phải chỉ có nhân vật mà chúng ta bầu chọn vào chức vụ Tổng Thống phải thực hiện thay đổi, mà ông hy vọng sẽ thấy đổi thay tại đất nước này và trong mỗi công dân Mỹ.”

Tiến sĩ Svetlozar Kirilov Ivanov, một giáo sư môn xã hội học và truyền thông thuộc Đại Học Sofia ở Bulgaria, hiện đang có mặt tại Washington, nhận định rằng nhiệm kỳ của Tổng Thống Obama sẽ có ảnh hưởng sâu rộng trên khắp thế giới.

Giáo Sư Ivanov nói: “Đây là một ví dụ về trường hợp một người thuộc một nhóm thiểu số, không trực thuộc thành phần chính mạch của Hoa Kỳ, đã có thể vươn lên để đạt đến chức vị cao nhất trong xã hội Mỹ.”

Giáo Sư Ivanov phân tích bài diễn văn nhậm chức của ông Obama: “Tôi tin rằng bài diễn văn nhậm chức chứa đựng những lời lẽ súc tích, và theo một mức độ nào đó, có tính tự chế, có lẽ nguyên do là vì ông lo ngại có thể đẩy mức kỳ vọng của người nghe lên quá cao. Ông Barack Obama có đủ khôn ngoan để giải quyết các vấn đề khó khăn của đất nước thế nhưng cùng lúc, ông muốn khuyến cáo rằng muốn thực hiện những gì cần làm, thì người Mỹ phải cố gắng rất nhiều, họ phải dồn hết nỗ lực làm việc thì mới có thể trải qua được giai đoạn vô cùng nan giải hiện nay.

Được hỏi liệu ông Barack Obama có khả năng thay đổi cái hình ảnh không mấy tích cực về nước Mỹ dưới cái nhìn của nhiều người nước ngoài vì những chính sách của chính phủ tiền nhiệm, quan chức ngoại giao Mỹ này nói chưa gì ông Obama đã tạo được thiện cảm nơi nhiều nước khác, qua tiến trình vận động tranh cử và buổi lễ nhậm chức:

Bà Janelle Smolly, cũng đến từ bang Hawaii, nói bà không còn cảm thấy bối rối, không dám nhận mình là người Mỹ vì các chính sách của Tổng Thống Bush.

Bà Smolly nói: Đây là điều mà rất nhiều người đang hy vọng, rằng những lý tưởng và một số mục tiêu mà ông Obama đã đề ra cho đất nước sẽ giúp người Mỹ trở thành một dân tộc mà những người khác có thể coi như một tấm gương, để chúng ta có thể tự hào là người Mỹ. Trong thời gian qua chúng ta không mấy tự hào, mà còn cảm thấy bối rối về cách hành sử của chính phủ Hoa Kỳ liên quan tới một số vấn đề. Vâng, bây giờ chúng tôi lại hy vọng trở lại rằng một số thay đổi mới sẽ tạo ra sự khác biệt nơi các nước khác.”

Anh Phungso, nghiên cứu sinh ngành báo chí đến từ vương quốc Bhutan, kết luận: “Theo tôi thì Hoa Kỳ may mắn có được một nhà lãnh đạo như ông Barack Obama và tôi hy vọng ông có thể mang lại thay đổi cho thế giới nữa.”

Thưa quý vị, Hoài Hương tường trình về những ý kiến khác nhau của các quan khách đến tham dự một buổi tiếp tân ở thủ đô Washington sau lễ nhậm chức, để mừng thắng lợi của tân Tổng Thống Mỹ, Barack Obama.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe bài tường trình.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG